Bí quyết khiến Nhật Bản lần đầu tiên vào nhóm dẫn đầu về phát triển bất động sản bền vững

Bí quyết khiến Nhật Bản lần đầu tiên vào nhóm dẫn đầu về phát triển bất động sản bền vững

(ĐTCK) Công ty tư vấn bất động sản Jones Lang Lasalle (JLL) vừa công bố báo cáo Chỉ số minh bạch Bất động sản Bền vững. Theo đó, Nhật Bản lần đầu tiên trở thành một trong những nước dẫn đầu về phát triển bất động sản bền vững, và được xếp vào nhóm “minh bạch cao” cùng với Pháp, Úc và Anh.

Theo ông Franz Jenowein, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu phát triển bền vững toàn cầu tại JLL: “Việc áp dụng các thước đo về hiệu suất môi trường đang trở nên phổ biến hơn tại các thị trường châu Á, nhưng tiến độ trong việc tạo ra các công cụ và quy định mới vẫn còn tương đối chậm.”

“Có nhiều dấu hiệu cho thấy 2 nền tảng của việc thực thi môi trường minh bạch - các chuẩn tiêu thụ năng lượng tối thiểu và giấy chứng nhận công trình xanh - đã có mặt ở phần lớn các thị trường trọng điểm. Đặc biệt, Nhật Bản đã có những bước tiến đáng kể trong 2 năm qua, trong khi đó Úc vẫn dẫn đầu thế giới về khía cạnh phát triển bất động sản bền vững.”

Nhật Bản đã cho ra đời 3 công cụ mới trong 2 năm vừa qua gồm hệ thống đánh giá mức độ tiêu thụ năng lượng của tòa nhà dành cho những dự án phi dân cư dựa trên mức độ tiêu thụ năng lượng sơ cấp, công bố chỉ dẫn cụ thể cho chủ nhà và khách thuê quan tâm đến những điều khoản cho thuê thân thiện với môi trường, và giới thiệu những tiêu chuẩn thiết kế bắt buộc về sử dụng năng lượng hiệu quả đối với các dự án phi dân cư vượt quá 2.000 m2.

Báo cáo cũng cho biết, những nỗ lực này đã được củng cố bởi chương trình Quản lý khí thải của Tokyo áp dụng cho các tòa nhà lớn, được giới thiệu bởi Chính quyền Quản lý Đô thị Tokyo vào năm 2010.

Tiến sĩ Megan Walters, trưởng bộ phận nghiên cứu JLL châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Những nỗ lực của Nhật Bản, được thể hiện rõ qua các chương trình quản lý năng lượng và khí thải, đã có những kết quả nhất định."

"Tại châu Á Thái Bình Dương, chúng ta đã nhìn thấy sự gia tăng về nhận thức cũng như áp dụng các thước đo minh bạch về môi trường như các chuẩn tiêu thụ năng lượng tối thiểu và giấy chứng nhận công trình xanh tùy theo từng thị trường. Thị trường, nhu cầu khách hàng và những điều lệ của Chính phủ đã đóng vai trò rất quan trọng cho sự thành công của những phong trào phát triển bền vững, và chúng ta kỳ vọng những thành công này sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai.”, ông Megan Walters nhấn mạnh.

Những thị trường khác tại châu Á như Malaysia và Đài Loan cũng đã bước vào nhóm "minh bạch thấp", trong khi Thái Lan đã gia nhập nhóm "minh bạch trung bình" cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc. Còn New Zealand, Singapore và Hồng Kông thuộc nhóm "minh bạch".

Chỉ số minh bạch Bất động sản bền vững của JLL được lấy từ 37 thị trường, chiếm tổng số 97% lượng vốn đầu tư trực tiếp vào bất động sản thương mại toàn cầu năm 2015.

Chỉ số theo dõi hiệu quả của những công cụ phát triển bền vững sau đây, bao gồm Báo cáo khí thải, Tiêu chuẩn tiêu thụ năng lượng, Hoạt động tài chính, Giấy chứng nhận công trình xanh, Các điều khoản thuê thân thiện với môi trường, Các tiêu chuẩn về năng lượng tối thiểu (cho các tòa nhà hiện hữu) và Các tiêu chuẩn về năng lượng xây dựng tối thiểu (cho các tòa nhà xây dựng mới).

Chỉ số minh bạch Bất động sản bền vững

Thị trường theo từng nhóm minh bạch

Bí quyết khiến Nhật Bản lần đầu tiên vào nhóm dẫn đầu về phát triển bất động sản bền vững ảnh 1

Tin bài liên quan