Bay lên “mùa vàng” Mù Cang Chải

Bay lên “mùa vàng” Mù Cang Chải

(ĐTCK) Mù Cang Chải đã từng nhộn nhịp, đã từng vàng son. Đó từng là chốn không tranh đua, không chen lấn xô đẩy, xứng đáng là một nơi bình yên đáng sống. Vậy mà chỉ sau một đêm lũ quét, rất nhiều người dân 3 tỉnh Yên Bái, Sơn La và Lai Châu như đã bị dồn vào cảnh khốn cùng. Nhưng từ trong lũ quét, lòng người lại nảy nở, sinh  sôi.

Những ám ảnh và xót xa!

Tôi đã tưởng tượng lên Mù Cang Chải vào một buổi chiều cuối hè. Tôi sẽ được uống rượu ngô, ngắm nhìn ruộng bậc thang và bay dù lượn. Nhưng không! Một ngày tháng 8 mưa lũ đã biến mảnh đất vốn yên bình, tươi đẹp này thành một nơi xơ xác.

6h sáng tỉnh dậy, mọi người chỉ kịp hô hoán nhau lũ ống về. Sau một ngày lũ quần thảo bản làng. Nhà cửa, đồ đạc và cả những tiếng cười quen thuộc cũng bị lũ cuốn theo. Ai cũng phải khựng lại trước khung cảnh tan hoang phía trước. Uất ức đến trơ cứng cả quai hàm.

Người dân tay chân lấm len bùn đất vừa chạy khỏi lũ đã khóc đỏ mắt tìm người thân, phải thả dây giữa dòng cứu người.

Tôi bàng hoàng trước những cảnh tan hoang ở trường học. Lũ đã cuốn trôi căn tập thể của giáo viên, 1 ngôi trường cấp 2 và phá nát sân vận động trước thềm lễ hội ruộng bậc thang. Hàng chục cô giáo ở đó đang gập lưng cào từng đống bùn. Mà lạ chưa, các cô cùng bộ đội vừa làm vừa hát, vừa cười thật tươi. Tình yêu nghề của các cô ở vùng cao sao lạ lùng và mãnh liệt đến thế.

Cho đến thời điểm chúng tôi cùng 10 đoàn thiện nguyện khác lên tới Yên Bái, nước lũ hãy còn chảy và dâng cao. Mưa vẫn tiếp tục cô lập nhiều bản làng Mù Cang Chải. Vì an toàn, bộ đội biên phòng đã ra lệnh cho các đoàn đều phải dừng chân ở thị trấn. Đoàn chúng tôi sau đó không đi sâu nữa, mà ở lại giúp người dân dọn dẹp, phân phát quần áo, lương thực và thuốc men cho bà con phòng tránh dịch bệnh.

Nhờ có các anh giới thiệu, chúng tôi được tá túc trong căn bếp nhỏ cạnh một gia đình người Mông chỉ còn lại 3 mẹ con. Chiều tối hôm kia, khi nghe tin lũ về, cả gia đình 4 người đã may mắn thoát khỏi dòng lũ. Nhưng chồng chị vì tiếc con lợn, quay lại tìm và bị nước cuốn đi nay vẫn chưa thấy.

 Giáo viên và bộ đội dọn dẹp trường sau lũ

“Bố nó tiếc con lợn đóng học phí cho chúng nó đấy”. Khuôn mặt thất thần vì mất mát, chị nấc lên.

Trong số những người đến nhận đồ cứu trợ, tôi ấn tượng nhất với một người đàn ông vác theo bao thóc giống ướt nhẹp. Có những hạt ngấm nước nở ra chẳng thể sử dụng thêm. Đói, mệt, căng thẳng suốt mấy ngày, ông đến xin ngay một nắm gạo sống để nhai. Ông cứ ngồi đó với đôi mắt xa xăm nhìn về thung lũng phía dưới.

Không thể nặn đâu ra trong “cửa sổ tâm hồn” ấy một giọt nước mắt than trời. Như thể trong lòng vẫn còn vết thương sâu hơn, như thể nó mới là thứ không ngừng chảy máu. Trong đôi mắt ấy, tôi nhìn rõ nỗi đau của một người mới hôm trước còn đề huề sống trong tình làng nghĩa xóm, chiều chiều bắt mấy con ếch về chung rượu với mấy bạn già, mà hôm sau đã thui thủi một mình. Nỗi đau của người hôm trước còn có ruộng nương xanh rì trước cửa, có nhà để ở, cơm để ăn, hôm sau chỉ còn đôi bàn tay trắng.

Lúc chạy lũ, có lẽ ông chỉ coi cái bao thóc giống này là tài sản quý giá nhất. Kinh nghiệm nhiều đời sống ở rừng núi đã cho ông biết rằng, trận này ruộng đồng nhà cửa khó mà thoát được.

Mù Cang Chải không cô đơn

Như một mệnh lệnh từ trái tim, sau lũ, khắp các tỉnh Yên Bái, Sơn La đâu đâu cũng diễn ra các hoạt động cứu trợ. Đâu đâu cũng đầy ắp bóng áo xanh bộ đội và áo xanh tình nguyện thu dọn bãi chiến trường do lũ để lại.

Bay lên “mùa vàng” Mù Cang Chải ảnh 3 

Trên các nẻo đường, dù chỗ đường thuận hay đường lầy lội, những chuyến hàng cứu trợ vẫn đến suốt ngày đêm, mang theo tình thương và tấm lòng sẻ chia của đồng bào cả nước. Bão lũ, mưa lớn, đường sạt lở, đói rét và hiểm nguy luôn rình rập cũng không thể ngăn nổi những bước chân thiện nguyện của đồng bào.

Mỗi đồng tiền, gói mì, mỗi bao gạo cứu trợ họ mang tới tuy không nhiều so với những tổn thất mà người dân 3 tỉnh đang phải gánh chịu, nhưng đó là tất cả tấm lòng của người dân cả nước.

Hoạt động cứu trợ khẩn trương tạo nên một dòng chảy của truyền thống “lá lành đùm lá rách” đang cuộn đổ về vùng bão lũ, nâng từng người dân lấm lem lên, nâng từng gia đình lên, an ủi và chăm sóc họ. Những hoạt động thiện nguyện giống như một liều thuốc giảm đau, giúp xoa dịu đi những tổn thương, mất mát. Để người dân đang sống trong rốn lũ thấy rằng, họ không hề cô đơn.

Bay lên đi “mùa vàng”

Lớn lên ở vùng Tây Bắc, tôi đã đi xuyên qua nhiều cơn bão lũ quê nhà. Đã từng hiểu tận cùng cái khắc nghiệt của thiên nhiên vùng cao. Tận cùng sự chịu đựng của bà con. Tận cùng cái thiếu, cái vất vả không gì bù đắp được.

Có những lúc tôi đã hận cơn lũ ngút trời. Nhưng với hoạt động canh tác ruộng bậc thang, thiếu mưa thiếu lũ thì cuộc sống lại bị đe dọa. Ngày trước, khi mùa mưa đến, những cơn lũ “gầy” chỉ đủ khả năng cuốn trôi chút hoa màu, lúa mạ. Giờ đây, không hiểu vì lý do gì đã làm chúng ngày một cuồng loạn hơn.

Vì tôi là người trong cuộc, nên lại càng hiểu lòng người ở vùng đất quê tôi. Họ - những người mỗi lần bị bão lũ vùi dập ấy sẽ không bó tay chịu đựng, mà luôn đứng dậy, vươn lên, tiếp tục cuộc sống với một niềm lạc quan vô bờ bến.

Họ - không vì bão lũ mà bỏ bản, bỏ làng. Tất cả sẽ cuộn chặt bên nhau, gồng lưng tựa nhau, đan tay vào nhau để đối mặt với khó khăn, thử thách. Tiếp tục sống, tiếp tục gây dựng lại và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

 

Thế nên mấy ngày này, trong vô vàn tang thương, khó khăn tận cùng ấy, gặp ai cũng chỉ thấy cười. Nụ cười được chắt ra, vò ra từ đau khổ vẫn đẹp. Gặp ai họ cũng kể lại cơn lũ đã đến thế nào, nhà đổ ra sao. Tôi phải cúi đầu trước tinh thần lạc quan ấy.

Nhìn xuống quyển lịch, hôm nay cơn lũ đã qua được 10 ngày rồi. Và cũng tròn 30 ngày nữa là đến lễ hội “Bay lên mùa vàng” ở Mù Cang Chải hàng năm. Nhiều năm qua, cứ vào tháng 9 Dương lịch, nơi đây lại trở thành một điểm chơi dù lượn lý tưởng của Tây Bắc, vì hội tụ đầy đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Đặc biệt, lúc này ruộng lúa bậc thang bắt đầu chín, tấm thảm màu vàng hút mắt đã dần thay thế cho màu xanh mươn mướt trải khắp muôn nơi. Khi đó, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng nét đẹp hoang sơ nhưng không kém phần lộng lẫy của “các tác phẩm kiến trúc người H’mông” phía dưới.

Giật mình lần 2 khi sợ rằng, với số ít ruộng bậc thang còn xót lại, liệu năm nay có còn mùa vàng để mà bay lên không? Tuy đã bị lũ quét quần thảo tan nát hết cả, nhưng tôi tin rằng, bằng ý chí kiên cường và chút “vốn liếng” ít ỏi này, năm nay, du khách tới Mù Càng Chải sẽ vẫn nhìn thấy cánh dù lượn bay lên. Khi đó, đèo Khau Phạ lại thật đông đúc, náo nhiệt với tiếng nói, tiếng cười và niềm háo hức của những người chơi dù đến từ khắp nơi trên đất nước hay khách quốc tế.        

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan