Sau khi thâu tóm, Novaland đã nhanh chóng biến dự án 30 ha bất động nhiều năm thành một khu đô thị hiện đại mang tên Lakeview City

Sau khi thâu tóm, Novaland đã nhanh chóng biến dự án 30 ha bất động nhiều năm thành một khu đô thị hiện đại mang tên Lakeview City

Bật sáng thị trường từ những thương vụ M&A

(ĐTCK) Có thể nói, chưa lúc nào hoạt động mua bán, chuyển nhượng (M&A) trong  lĩnh vực bất động sản lại sôi động như thời gian qua. Thông qua các thương vụ M&A, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã làm “sống lại” hàng loạt dự án, làm bật sáng diện mạo thị trường.

Nhìn lại những thương vụ “thay tên, đổi chủ”

Hơn một năm trước đây, nhắc đến cái tên Công ty cổ phần Đầu tư Căn nhà Mơ ước (DRH), giới kinh doanh địa ốc lẫn tài chính chỉ biết đến đó là một doanh nghiệp môi giới thứ cấp và kinh doanh phân bón với kết quả chưa có nhiều nổi bật. Tuy nhiên, từ sau khi có một nhóm cổ đông mới thuộc thế hệ 8x nhảy vào gián tiếp “thâu tóm” doanh nghiệp này qua thị trường chứng khoán, DRH đã trở thành một hiện tượng của thị trường địa ốc và thị trường chứng khoán.

Có những nghi ngại của nhiều người ngay từ đầu về khả năng thành công trong vụ “thâu tóm” này, bởi các nhân tố trong cuộc là những người còn khá trẻ và chưa định lượng được khả năng tài chính ra sao. Tuy nhiên, sau hơn 7 tháng kể từ lúc thương vụ này bắt đầu, “trái ngọt” của thương vụ này đã được thể hiện.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ngay sau khi có sự tham gia của nhóm cổ đông mới, DRH tiến hành quyết liệt tái cơ cấu toàn diện Công ty. Từ đầu năm 2016 đến nay, DRH liên tục công bố thông tin mua lại hàng loạt dự án bất động sản, như dự án Khu căn hộ phức hợp 177 Huỳnh Tấn Phát; Khu căn hộ cao tầng 277 Bên Bình Đông và dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc An, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là những dự án có vị trí khá thuận lợi nhưng bị “đắp chiếu” nhiều năm nay, từ sau khi DRH nhận chuyển nhượng, các dự án này đã được hồi sinh trở lại.

Đáng chú ý hơn đối với DRH là câu chuyện việc mua lại cổ phần của Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), một doanh nghiệp trong lĩnh vực khoáng sản, đá xây dựng và bất động sản. Theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị DRH, Công ty này dự kiến sẽ tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại KSB lên ít nhất 51% so với tỷ lệ sở hữu khoảng 23% vốn điều lệ hiện nay.

Điều đáng ghi nhận là sau khi nhóm cổ đông DRH vào điều hành KSB, kết quả kinh doanh của công ty này luôn tăng trưởng vượt bậc. Theo báo cáo tài chính quý II/2017, KSB đạt 277 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23,4%; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 103,6 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 50% và lợi nhuận sau thuế 83 tỷ đồng, tăng 45,6% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần 517,5 tỷ đồng, tăng 29%; biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên 43% so với mức 39,5% cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế gần 144 tỷ đồng, tăng mạnh 60%. EPS 6 tháng đạt 2.612 đồng.

Đặc biệt, bên cạnh các dự án bất động sản, với định hướng của Ban điều hành mới, KSB đang tập trung phát triển sản phẩm cát nhân tạo với chi phí rất cạnh tranh. Đây được coi là lĩnh vực kinh doanh có sức cầu tiềm năng cực lớn trong bối cảnh hoạt động khai thác cát tự nhiên đang bị hạn chế trên địa bàn cả nước khiến giá cát xây dựng tăng phi mã.

“Dù chưa tăng năng suất khai thác nhưng nhờ kiểm soát chi phí tốt, lợi nhuận của KSB đã tăng lên đáng kể so với năm trước. Phần lợi nhuận tăng này không ai khác mà tất cả các cổ đông được hưởng”, ông Phan Tấn Đạt, Tổng giám đốc DRH kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty KSB nói và khẳng định, “trái ngọt” thật sự từ sau thương vụ M&A của DRH vẫn còn ở phía trước và sẽ được minh chứng trong tương lai gần.

Trong câu chuyện M&A dự án bất động sản tạo nên giá trị thật sự, không thể không nhắc đến Novaland. Từ một doanh nghiệp chỉ có vài dự án trong năm 2013, thông qua các thương vụ M&A, đến nay Novaland đã nắm trong tay hơn 40 dự án. Trong đó, nhiều dự án từ chỗ bị “trùm mền” nhiều năm đã được Novaland hồi sinh.

Đáng chú ý nhất là gần đây, tập đoàn này đã chi một khoản tiền khá lớn để mua lại hơn 82% cổ phần của Công ty cổ phần Phát triển Quốc tế Thế Kỷ 21 (C21), qua đó toàn quyền quản lý, điều hành và phát triển Dự án Nam Rạch Chiếc thuộc quận 2, TP.HCM.

Giá trị trước mắt có thể thấy được từ thương vụ này là, sau khi mua lại, Novaland đang nhanh chóng biến dự án có quy mô diện tích lên tới 30 ha từng bị đắp chiếu trong nhiều năm thành một khu đô thị hiện đại mang tên Lakeview City.

Nhắc đến hoạt động thâu tóm dự án bất động sản để nhanh chóng mở rộng quy mô doanh nghiệp, Hưng Thịnh Corp cũng là một trong những “tay chơi” đầy năng động. Đây là doanh nghiệp được thị trường mệnh danh là “ông trùm” săn dự án chết. Tính đến nay, Hưng Thịnh đã thực hiện thành công hơn 20 thương vụ mua lại các dự án.

Trái ngọt thật sự của các thương vụ này là ở chỗ sau khi mua lại các dự án “trùm mền”, Hưng Thịnh đã nhanh chóng xây dựng dự án đưa ra thị trường, không chỉ giải quyết nhu cầu  nhà ở cho hàng ngàn người dân mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị của TP.HCM.

Chẳng hạn, từ dự án Western Plaza do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư, dù đã được thi công xong phần móng từ năm 2012, nhưng vì không đủ năng lực để triển khai, dự án đã bị trùm mền từ đó đến nay. Mới đây, Hưng Thịnh đã chi khoản tiền 426,5 tỷ đồng để mua đứt dự án này và tiến hành xây dựng, hiện cư dân dự án này đang trong giai đoạn chuẩn bị nhận nhà.

Những cuộc chuyển giao tất yếu trên thị trường

Thời gian qua, thị trường bất động sản TP.HCM đã chứng kiến những cuộc “thay tên, đổi chủ” khá mạnh mẽ. Đã có những lo ngại về việc các thương vụ “thâu tóm” dự án sẽ làm méo mó thị trường bất động sản khi một vài chủ đầu tư “ôm” quá nhiều dự án làm của để dành chứ không triển khai ngay.

Song theo phân tích của giới chuyên môn, đây là những cuộc chuyển giao cần thiết và mang tính tất yếu, giúp thị trường bất động sản phát triển tốt hơn và đặc biệt là giải quyết được lượng hàng tồn kho còn khá lớn.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, bắt đầu từ cuối năm 2013, khi thị trường bất động sản phục hồi đến nay, đã có hàng trăm dự án đã được “hồi sinh” trở lại thông qua các thương vụ M&A. Tuy nhiên, tính đến nay, trên địa bàn TP.HCM vẫn còn có đến  hơn 500 dự án đang bị ngưng triển khai. Việc hàng loạt dự án bị trùm mền không những làm cho hàng tồn kho bất động sản tăng cao, dòng tiền bị ách tắc mà còn làm cho bộ mặt đô thị bị nhếch nhác.

“Nếu không có những doanh nghiệp thực sự chuyên nghiệp, thì sẽ không có những khu đô thị, dự án được mọc lên một cách bài bản, đồng bộ”, ông Châu nói và dẫn chứng, nhiều năm trước, TP.HCM có khá nhiều dự án từng bị “trùm mền” hàng năm trời, nhưng chính nhờ sự chuyển giao trên thị trường đã biến những dự án “trùm mền” thành những khu dân cư hiện đại.

Với góc nhìn của người trong cuộc, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, hoạt động M&A diễn ra càng mạnh mẽ sẽ càng góp phần tạo sự phát triển ổn định cho thị trường bất động sản nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Bởi lẽ, hoạt động M&A có thể được hiểu là sự điều chuyển các dự án từ những doanh nghiệp không có nhu cầu hoặc thiếu tính chuyên nghiệp sang các doanh nghiệp chuyên nghiệp, mạnh về tài chính để triển khai, tránh tình trạng dự án bị đắp chiếu, hàng tồn kho gia tăng. Hầu hết các dự án bất động đều đang gánh những khoản nợ ngân hàng lớn và tiềm ẩn những khoản nợ xấu không nhỏ cho các tổ chức tín dụng.

Khi các dự án này tái khởi động, có thanh khoản trở lại, hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế sẽ cởi bỏ được một lượng nợ xấu lớn. Như vậy, có thể nói, M&A đã và đang là “ngòi nổ” góp phần khơi dòng chảy của cả nền kinh tế.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan