Hệ thống giao thông tương đối đồng bộ là điểm mạnh của các tỉnh miền duyên hải.Ảnh: Dũng Minh

Hệ thống giao thông tương đối đồng bộ là điểm mạnh của các tỉnh miền duyên hải.Ảnh: Dũng Minh

Bất động sản vùng duyên hải, những mảng màu đối lập

(ĐTCK) Đều có lợi thế là nằm trong Tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), nhưng kinh tế - xã hội của Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh lại có những chuyển động khác nhau, gây ảnh hưởng khác nhau đến thị trường bất động sản.

Sáng và tối

Năm 2016, thị trường bất động sản Hải Phòng đón nhận nhiều tín hiệu vui, đặc biệt là phân khúc bất động sản du lịch. Cuối tháng 9, Tập đoàn Sun Group đã có chuyến khảo sát đầu tiên về địa điểm triển khai Dự án Du lịch sinh thái biển trên quần đảo Cát Bà với quy mô vốn dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng. Trước đó, đầu tháng 5, Công ty cổ phần Him Lam đã khởi công Dự án Khu du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, Dự án Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên (quận Hải An và huyện Thủy Nguyên) của Tập đoàn Vingoup đang gấp rút được triển khai để có thể sớm đưa hạng mục sân golf 36 hố vào sử dụng. Hạng mục khách sạn 5 sao mang thương hiệu Hilton do Tập đoàn BRG đầu tư tại trung tâm TP.Hải Phòng cũng đang bắt đầu được triển khai sau hơn 1 năm im ắng kể từ ngày khởi công.

Nắm bắt xu hướng tăng trưởng của thị trường bất động sản, Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng đã nhanh chóng lấn sân sang lĩnh vực này. Công ty đã hợp tác với đối tác thành lập Công ty cổ phần Bất động sản Sơn và Hóa chất Á Châu để đầu tư xây dựng tòa nhà SHP Plaza tọa lạc trên đường Lạch Tray. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng cho biết, hiện dự án đã bán được khá nhiều.

Những dự án khu đô thị mới cũng được triển khai tại Hải Phòng như Water Front City của Tập đoàn Agape Holding Pte (Singapore) và Vinhomes Riva City Hải Phòng của Tập đoàn Vingroup. Nếu Water Front City đang trong giai đoạn hoàn thành các hạng mục shophouse, biệt thự liền kề, thì Vinhomes Riva Plaza Hải Phòng được khởi công hồi đầu tháng 3/2016. Điều này cho thấy, các chủ đầu tư đang rất kỳ vọng vào sự tăng trưởng của thị trường bất động sản tại Hải Phòng.

Một bức tranh khác có màu sắc khá tương đồng với Hải Phòng là Quảng Ninh. Tuy nhiên, trong khi thị trường bất động sản Hải Phòng mới sôi động từ năm 2015 trở lại đây, thì thị trường Quảng Ninh đã có được sự sôi động từ trước đó 2 năm và ngày càng nhộn nhịp.

Đặc biệt, phân khúc bất động sản du lịch có sự tăng trưởng mạnh, với sự xuất hiện những dự án khủng như: Vinpearl Hạ Long Bay Resort, Khách sạn Wyndham Legend Halong, Công viên Đại dương Hạ Long (14.000 tỷ đồng), Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long (3.400 tỷ đồng), Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp tại phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả (3.500 tỷ đồng)… Tuy nhiên, những dự án này đều đã được khởi công từ những năm trước, còn trong năm 2016 thì chưa có dự án mới nào.

Tại phân khúc bất động sản nhà ở, một số dự án từng bị “bất động” đã được khởi động lại, điển hình là Dự án Chung cư cao tầng Trần Hưng Đạo của Công ty cổ phần Thống Nhất 508, thuộc Cienco5. Cùng với đó, những dự án chung cư, khu đô thị mới bắt đầu xuất hiện như Chung cư Lạc Hồng Lotus Hạ Long với 3 tòa nhà cao hơn 30 tầng của Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng, Khu đô thị mới phía Đông Hòn Cặp Bè - Hạ Long Central Plaza (gần 3.900 tỷ đồng) của Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Hải Đăng (HD Mon Holdings), Khu đô thị biển Vinhomes Dragon Bay (12.000 tỷ đồng) của Tập đoàn Vingroup…

 Vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng đang hội tụ hầu hết “tay chơi” bất động sản lớn

Hoàn toàn đối lập với Hải Phòng và Quảng Ninh, bức tranh thị trường bất động sản của Hưng Yên và Hải Dương có vẻ ảm đạm và đơn sắc hơn nhiều.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hưng Yên, toàn tỉnh có 56 dự án bất động sản, với tổng mức đầu tư khoảng 24.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới chỉ có 32/56 dự án đã cơ bản hoàn thiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và đang được đầu tư xây dựng.

Khu đô thị Ecopark là dự án bất động sản thành công điển hình tại Hưng Yên vì đã tận dụng tốt được ưu thế gần Hà Nội, giao thông kết nối thuận tiện, cùng với đó là năng lực tốt của chủ đầu tư - Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng.

Thị trường bất động sản Hải Dương cũng không khá khẩm hơn, khi không có chuyển biến gì trong 1 năm qua. 61 dự án khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được nghiệm thu hoàn chỉnh. Thị trường vẫn còn mang “tính tự cung tự cấp” là chủ yếu, tức các giao dịch vẫn diễn ra nhiều ở dạng đất thổ cư, nhà cũ.

Cần một tỷ lệ màu pha hợp lý

Có thể khẳng định, trong số các địa phương vùng duyên hải, nếu nói về vị trí địa lý, địa hình thì không đâu bằng Hưng Yên, khi nằm giáp với Thủ đô Hà Nội và có hệ thống giao thông kết nối rất hoàn thiện. Hưng Yên cũng là địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn, được đầu tư phát triển từ lâu và thu hút được nhiều dự án đầu tư.

Tính đến hết năm 2015, Hưng Yên đã thu hút được 1.277 dự án với tổng vốn đăng ký tương đương 7,1 tỷ USD, trong đó có 810 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 12 vạn lao động.

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội của Hưng Yên lại không như kỳ vọng. GDP bình quân đầu người thấp nhất so với 3 tỉnh, thành phố còn lại của miền duyên hải - khoảng 1.900 USD/người/năm. Trên thị trường bất động sản, Hưng Yên có quá nhiều dự án khu đô thị, nhà ở thương mại - nhà ở hỗn hợp, trong khi các dự án nhà ở cho công nhân, cho người có thu nhập thấp chưa được nhà đầu tư quan tâm đúng mức.

Cũng giống như Hưng Yên, cả giai đoạn 2010 - 2015, GDP bình quân đầu người của Hải Dương mới đạt 2.000 USD. Cái mà Hải Dương đang thiếu là các tiện ích xã hội phục vụ nhu cầu sống của người dân, cũng như người lao động từ nơi khác đến (có cả người lao động nước ngoài) như dự án vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, các trung tâm thương mại lớn… Nhu cầu nhà ở giá rẻ cho người có thu nhập thấp cũng tương đối cao, nhưng nguồn cung lại không có nhiều. 

Khác hẳn hai địa phương này, Hải Phòng và Quảng Ninh có tốc độ phát triển khá ấn tượng. GDP bình quân đầu người lần lượt là 2.857 USD/năm và 3.900 USD/năm. Sự chủ động trong việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng xã hội (đường, điện, nước, sân bay, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng…) của hai địa phương này cũng đã góp phần kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nhờ đó, các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại, nhà ở, khu đô thị… không lo bị “ế”.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang có dự định đầu tư mới vào Hải Phòng và Quảng Ninh cũng nên có sự tính toán cẩn trọng, đặc biệt là các dự án về nhà ở, khi mà hiện tại có nhiều dự án lớn vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, chưa thể biết được chúng thành công đến đâu.

Hải Phòng, Quảng Ninh cũng có những dự án “treo” hoặc “ế”. Bên cạnh yếu tố thị trường, điểm chung của các dự án này là đều thiếu hạ tầng đồng bộ, thiếu các tiện ích phục vụ cuộc sống và có lẽ cả thiếu tiền nên vẫn nằm im. Hơn nữa, hai địa phương này cũng cần có những giải pháp để khai thác tốt hơn các tài nguyên về du lịch.

Việc chuyển đổi công năng cho phù hợp của các dự án đang dang dở cũng là một phương án cần quan tâm. Các dự án mới tại Hải Phòng và Quảng Ninh đang hóa giải được điều này nên có sức hấp dẫn lớn. Và đây có lẽ cũng là giải pháp để nhiều dự án bất động sản tại Hưng Yên, Hải Dương hồi sinh và phát triển.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan