Ảnh: Lê Toàn

Ảnh: Lê Toàn

Bất động sản TP.HCM: Đòn bẩy cũ, sức bật mới

(ĐTCK) Hạ tầng luôn là đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng cho thị trường bất động sản. Trong năm qua, hàng loạt dự án hạ tầng được TP.HCM đầu tư hoặc lên phương án đầu tư đã tạo ra sức bật mới cho thị trường bất động sản không chỉ ở TP.HCM, mà cả các thị trường phụ cận.

Nguồn vốn khủng dành cho hạ tầng

Chiến lược phát triển đô thị chung TP.HCM theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc thời gian qua đã thể hiện được hiệu quả. Rõ nét nhất trong câu chuyện này sự phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông đô thị với hàng chục ngàn tỷ đồng được đổ vào các công trình giao thông kết nối giữa các khu vực với nhau.

Điểm nhấn lớn nhất về phát triển hạ tầng bắt đầu tư khu Đông của Thành phố. Sau những công trình mang tính lịch sử như hầm sông Sài Gòn, đường Võ Văn Kiệt, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2 nối từ trung tâm Thành phố với quận 2 và quận 9, đường Phạm Văn Đồng, nối Sân bay Tân Sơn Nhất với quận Thủ Đức, hay tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nối trực tiếp khu Đông với Đồng Nai, Dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến số 1) kéo dài xuyên suốt từ khu Đông vào trung tâm TP.HCM sẽ được kéo dài xuống Đồng Nai, Bình Dương.

Đặc biệt gần đây, TP.HCM có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hàng công trình hạ tầng giao thông vào khu Đông. Theo sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, trong năm 2017 - 2018, sẽ triển khai 3 dự án giao thông quan trọng thuộc tuyến đường vành đai 2 nhằm thông suốt và giảm ùn tắc giao thông cục bộ với số vốn hơn 13.115 tỷ đồng. Trong đó, 2 dự án giao thông điểm của khu Đông cấp bách cần áp dụng cơ chế đặc thù để sớm hoàn thành như các đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng.

Sau khi các dự án này được triển khai, sẽ giúp khép kín tuyến đường vành đai 2 dài 69 km, được xác định với lộ trình kết nối toàn vùng của khu Đông từ nút giao thông cầu vượt Gò Dưa (Quốc lộ 1, quận Thủ Đức) với nút giao thông cầu vượt Bình Phước (giao với Quốc lộ 13), cầu Rạch Chiếc (quận 9) và vầu Phú Mỹ (quận 2) sang quận 7.

Không chỉ khu Đông, cơn lốc phát triển hạ tầng cũng diễn ra mạnh mẽ tại khu Nam và khu Tây, tạo nên một mạng lưới kết nối giữa các khu vực này với nhau. Theo kế hoạch, trong năm 2018, Dự án cầu Thủ Thiêm 4 dài 2 km với kinh phí đầu tư 5.200 tỷ đồng, nối từ đường Nguyễn Văn Linh (khu Nam, quận 7) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (khu Đông, quận 2) sẽ chính thức được xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019. Sau cầu Phú Mỹ hiện hữu, đây là cầu kết nối giữa khu Đông và khu Nam có ý nghĩa khá quan trọng.

Hạ tầng phát triển đã tạo cú huých cho thị trường địa ốc TP.HCM trong thời gian qua 

Ngoài ra, tại khu Nam còn có hàng loạt công trình trọng điểm với tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ USD, kết nối khu Nam với trung tâm Thành phố cũng đã đang và sẽ được đầu tư xây dựng như dự án tuyến metro số 4, kết nối quận 7, Nhà Bè với các quận trung tâm có kinh phí đầu tư dự kiến đến 97.000 tỷ đồng. Hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ có tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công vào tháng tháng 3/2018.

Không dừng ở đó, khu Nam Sài Gòn còn có các dự án xây dựng cầu Nguyễn Khoái nối dài từ quận 4 qua quận 7, cầu Phước Khánh nối khu Nam Sài Gòn với Nhơn Trạch (Đồng Nai). Nổi bật là dự án quy hoạch trục đường Phú Thuận, nối từ khu vực Mũi Đèn Đỏ thẳng vào khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Còn tại khu Tây Nam bao gồm quận 8, Bình Chánh, Bình Tân, chính sách phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị cũng được đẩy mạnh. Đây là khu vực có đặc thù nhiều kênh rạch ít được chú trọng. Tuy nhiên, với chương trình “Chỉnh trang và phát triển đô thị đến năm 2025”, trong đó đáng chú ý là TP.HCM sẽ di dời và giải tỏa trắng gần 20.000 hộ trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh rạch, tạo bộ mặt mới cho TP.HCM hội nhập cũng đã bắt đầu làm thay đổi rõ nét diện mạo đô thị cho khu vực này.

Động lực mới cho thị trường bất động sản

Có thể nói, sự phát triền mạnh mẽ của hạ tầng giao thông thời gian qua đã tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển với hàng loạt dự án từ khu Đông đến khu Tây đang được các “đại gia” địa ốc bơm vốn đầu tư, hứa hẹn sẽ làm thay đổi diện mạo đô thị mới rõ nét trong thời gian tới.

Sau sự thành công của dự án tỷ đô Dragon City tại khu Nam Sài Gòn, nguồn tin từ Tập đoàn Phú Long tiết lộ, đang mới rộng hướng phát triển về khu Đông với sự khởi đầu bằng Dự án Dragon Village tại quận 9, toạ lạc tại đường Nguyễn Duy Trinh - Khu dân cư cảng Phú Hữu. Dragon Village có quy mô rộng hơn 21,6 ha, được quy hoạch thành khu Compound an ninh 24/24, gồm nhà phố, biệt thự và căn hộ.

Một “đại gia” địa ốc khác là Công ty Phúc Khang cũng tiết lộ, trong năm 2018, sẽ chính thức triển khai một dự án có quy mô khá lớn tại quận 2. Mới đây, Phúc Khang đã “bắt tay” với Tập đoàn Mitsubishi để thành lập liên doanh Phuc Khang Mitsubishi Corporation Holding (PKMC) theo tỷ lệ Mitsubishi Corporation (49%) và Phuc Khang Corporation (51%). Liên doanh này thống nhất sẽ tập trung nghiên cứu, đầu tư, phát triển các quỹ đất hiện hữu của Phúc Khang có giá trị trên 500 triệu USD với tổng quy mô 20 ha tại nhiều quận của TP.HCM.

Tại khu Tây Nam Sài Gòn, nhiều chủ đầu tư cho biết, đầu năm 2018 này sẽ công bố ra thị trường nhiều dự án mới. Chẳng hạn, sau thành công của Dự án D-Vela ở quận 7, nguồn tin từ Công ty cổ phần Đầu tư Căn Nhà Mơ Ước (DRH Holdings) cho biết, ngày 6/1/2018 sẽ chính thức “trình làng” thị trường dự án khu căn hộ cao cấp
Aurora Residences tại số 277 Bến Bình Đông, quận 8. Đây là dự án có vị trí khá đặc biệt, tiếp giáp hai mặt tiền sông; hai mặt tiền đường, được thiết kế bởi thương hiệu lừng danh DKO (Australia) với 100% căn hộ của dự án đều có hướng nhìn ra sông.

Cũng tại khu Tây Nam, Công ty Nhà Mơ cũng cho biết, đầu năm 2018 sẽ chính thức ra mắt dự án Khu cao ốc ven sông Dream Home Riverside, với diện tích 2,4 ha, nằm trong tổng thể khu dân cư hiện hữu ven sông rộng 51,5 ha, được xây dựng theo phong cách châu Âu sang trọng, hiện đại. Đây là dòng sản phẩm tiếp nối thành công từ các dự án Dream Home Luxury, Dream Home Residence tại Gò Vấp và Dream Home Palace tại quận 8.

Ngoài những dự án nói trên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, năm 2018 sẽ là năm đánh dấu sự vào cuộc mạnh mẽ của các đại gia địa ốc như Hưng Thịnh, Novaland, ThuDuc House, Đất Xanh, Vingroup… với hàng loạt dự án mới tại các khu vực Đông, Tây, Nam đã chuẩn bị sẵn sàng.

Theo phân tích của các chuyên gia, với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng, cùng với chính sách đặc thù cho Thành phố vừa được Quốc hội thông qua, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ bước vào giai đoạn bứt phá mới, góp phần biến TP.HCM thành một đô thị thông minh, siêu đô thị của cả nước.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan