Bất động sản sẽ đón dòng vốn lớn từ Nhật Bản

Bất động sản sẽ đón dòng vốn lớn từ Nhật Bản

(ĐTCK) Lĩnh vực bất động sản của Việt Nam đang dành được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản, bởi tiềm năng phát triển trong tương lai.

>> Bất động sản vẫn hút FDI

Quỹ đầu tư EXS Capital từ Nhật Bản đã rót 37 triệu USD vào Công ty Bất động sản Sơn Kim Land và sẽ xem xét nâng tổng vốn đầu tư lên khoảng 80 triệu USD trong thời gian tới với lý do “Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng”.

Bất động sản hấp dẫn nhà đầu tư nhật Bản

EXS Capital Group, công ty quản lý của Quỹ EXS Capital là một công ty đầu tư độc lập đang nhắm vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Hồng Kông và Nhật Bản. Đánh giá về thị trường bất động sản Việt Nam , ông Kiyoshi Hirasawa, Giám đốc điều hành EXS Capital Group cho rằng, với “dân số vàng” như hiện nay, Việt Nam được đánh giá là địa điểm hấp dẫn cho các lĩnh vực sản xuất và hậu cần vận chuyển trong khu vực Đông Nam Á, vì vậy, bất động sản Việt Nam cũng sẽ có nhiều tiềm năng phát triển.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng đầu năm 2013, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký và mở rộng đạt 4,35 tỷ USD, trong đó, bất động sản là một trong những lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản lựa chọn nhất.

Khu nghỉ dưỡng Pulchra 100% vốn Nhật Bản tại đường Trường Sa, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng

Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho biết, qua tiếp xúc với các nhà đầu tư Nhật Bản thời gian qua, họ đều cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang có nhiều ưu thế so với các nước khác trong khu vực. Trong khi suất đầu tư của phân khúc bất động sản thương mại trên toàn thế giới vẫn có dấu hiệu giảm mạnh, thì thị trường TP. HCM và Hà Nội có dấu hiệu “chạm đáy” và đang trên đà hồi phục. Điều này mang lại lợi thế về giá cho các nhà đầu tư quốc tế so với các thị trường lân cận như Indonesia , Philippines Malaysia .

Ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội bổ sung thêm, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản luôn là những nhà đầu tư khó tính, họ xác định chỉ tìm kiếm các dự án có vị trí đắc địa, pháp lý minh bạch và giá cả hợp lý.

 

Cơ hội tiếp Cận thị trường

Trong khuôn khổ Chương trình chào mừng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hội nghị Kinh tế hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản 2013 sẽ diễn ra từ ngày 22 - 24/9 tại Hà Nội. Các chủ đề chính thảo luận tại Hội nghị bao gồm phát triển hạ tầng, bất động sản, xây dựng và công nghiệp hỗ trợ ngành xây dựng.

Đại diện lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết, trong giai đoạn sắp tới, việc đầu tư xây dựng 5 khu đô thị vệ tinh tại Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Sơn Tây, Hoà Lạc với đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị, hệ thống giao thông kết nối với đô thị trung tâm là những khu vực rất cần sự quan tâm tìm hiểu và đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản. Ngoài ra, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài đang được hoàn thiện trình phê duyệt đã xác định chuỗi các đô thị gồm đô thị cửa ngõ với định hướng công nghiệp - thương mại - nông nghiệp; đô thị quốc tế - ASEAN City; đô thị biểu tượng - bên sông; đô thị sinh thái - đô thị nước. Khu vực phát triển này bao gồm nhiều dự án thành phần cũng là lĩnh vực các nhà đầu tư Nhật Bản có thể quan tâm đầu tư.

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay, tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản quan tâm đầu tư tới các lĩnh vực hạ tầng, bất động sản, trong đó chú trọng đầu tư các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở, các khu ở chất lượng cao, ECO2 City…

Tại Hội nghị, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ mang 15 dự án đang kêu gọi đầu tư để “chào hàng” với các nhà đầu tư Nhật Bản. Tương tự, tỉnh Tuyên Quang với 19 dự án, tỉnh Quảng Ninh với 18 dự án, Khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) với 6 dự án… sẽ được giới thiệu với các nhà đầu tư Nhật Bản.

Với nhiều cơ hội và sự quan tâm lớn của nhà đầu tư Nhật Bản, nhiều chuyên gia nhận định, thời gian tới sẽ có một làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam , đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.