Hạ tầng giao thông phát triển là yếu tố giúp bất động sản phía Tây Hà Nội được nhiều người quan tâm. Ảnh: Dũng Minh

Hạ tầng giao thông phát triển là yếu tố giúp bất động sản phía Tây Hà Nội được nhiều người quan tâm. Ảnh: Dũng Minh

Bất động sản phía Tây Hà Nội sẽ vẫn “nóng”

(ĐTCK) Thị trường bất động sản Hà Nội từ nay đến cuối năm 2017 được dự báo sẽ tiếp tục sôi động, đặc biệt là khu vực phía Tây - nơi được quy hoạch xây dựng nhiều dự án lớn với hạ tầng phát triển, đồng bộ.

Theo số liệu từ CBRE và Savills, sự bùng nổ mạnh mẽ của bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội trong vài năm qua chính là nhờ yếu tố hạ tầng. Chỉ trong một thời gian ngắn nhiều tuyến đường quan trọng như đường trên cao Vành đai 3, đường Tố Hữu, đường 70, đường Vạn Phúc, Lê Trọng Tấn liên tục được hoàn thiện…

Bên cạnh đó, các tuyến đường lớn được đầu tư mới hoặc cải tạo mở rộng như nút giao Vạn Phúc - Lê Văn Lương kéo dài, hầm chui Thăng Long - Khuất Duy Tiến, đường Lê Trọng Tấn - Văn Phú, các cầu vượt, hầm chui…, cũng liên tục được hoàn thành, tạo sự thông suốt cho tam giác phía Tây là Hà Đông - Nam Từ Liêm - Cầu Giấy.

Đồng thời, tuyến giao thông Metro Nhổn - ga Hà Nội, Hà Đông - Cát Linh, cùng các công trình hạ tầng khác đang đi vào hoàn thiện đã tạo nên “cú hích”, giúp thị trường bất động sản khu vực này thu hút đông đảo khách hàng có nhu cầu thực về chỗ ở, cũng như nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Đặc biệt, mới đây thông tin đại gia bán lẻ Nhật Bản AEON sẽ xây dựng đại siêu thị AEON Mall thứ 2 tại Hà Đông, cũng đã khiến thị trường bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội thêm phần sôi động.

Chính lợi thế này đã lần lượt thu hút các ông lớn như Vingroup, FLC, Bitexco…, đã nhanh chóng công bố hàng loạt dự án lớn tại các khu vực phía Tây Thành phố với ý đồ “ăn theo” từ những thay đổi về hạ tầng. Ngoài ra, Hải Phát và Nam Cường cũng là 2 cái tên đang trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản phía Tây, đặc biệt là trục Lê Văn Lương - Tố Hữu.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Nghiên cứu của Savills nhấn mạnh, trong số khoảng 40.800 căn hộ chung cư sẽ gia nhập thị trường Hà Nội từ nay đến cuối năm, thì phần lớn nguồn cung sẽ đến từ khu vực phía Tây, tập trung chủ yếu tại các quận như Hà Đông, Từ Liêm và Thanh Xuân…

Đối với phân khúc cho thuê, hiện tại, có thể nói, các tòa nhà văn phòng hạng A khu vực phía Tây đang có công suất tốt, như Keangnam, Indochina Plaza Hà Nội…, sắp tới sẽ có thêm nhiều nguồn cung mới. Tuy nhiên, điều này tạo áp lực, nên giá thuê cũng khó tăng. Thay vào đó, các chủ đầu tư lại quan tâm đến các tiện ích đi kèm tòa nhà để “câu khách”.

“Phân khúc nhà ở khu vực Tây Hà Nội thu hút sự quan tâm của rất nhiều khách hàng. Bởi lẽ, ở đây hội tụ những yếu tố vô cùng quan trọng, các yếu tố xã hội như các trường học được đánh giá là tốt nhất hiện nay trên tất cả các cấp học.

Bên cạnh đó, bệnh viện, các tiện ích vui chơi giải trí cũng đang phát triển mạnh… Điều này tạo nên yếu tố thuận lợi, giúp nhà ở khu vực phía Tây vẫn “nóng” và dễ bán hơn các khu vực khác có quỹ đất để phát triển”, bà Hằng cho biết.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu CBRE cũng cho biết: “Thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội những tháng còn lại của năm 2017 sẽ tiếp tục duy trì xu hướng phát triển ổn định, bền vững. Là khu vực dẫn dắt thị trường, chiếm lĩnh số lượng căn hộ mở bán khi nguồn cung khu vực này chiếm đến 37% nguồn cung toàn thị trường”.

Cũng theo CBRE, phần lớn các dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang được triển khai ở Hà Nội đều nằm ở phía Tây và khu vực Hà Đông, do đó sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản khu vực này trong thời gian tới.

“Khi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được hoàn thành sẽ khiến giá bất động sản tại Hà Đông có thể tăng thêm ít nhất 5 - 10%”, CBRE nhận định.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan