Tháng 9/2015, FLC khởi công xây dựng Khu công nghiệp FLC Hoàng Long Thanh Hóa

Tháng 9/2015, FLC khởi công xây dựng Khu công nghiệp FLC Hoàng Long Thanh Hóa

Bất động sản khu công nghiệp đón sóng đầu tư

(ĐTCK) Dự báo làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ chảy mạnh khi Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương, các doanh nghiệp đã mạnh dạn đổ vốn vào đầu tư xây dựng các khu công nghiệp.

Tính đến hết tháng 11/2015, cả nước có 300 khu công nghiệp, trong đó có 212 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích 84.000 héc-ta, trong đó tập trung nhiều ở phía Nam (TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu), với 106 khu công nghiệp đang hoạt động, có tổng diện 33.500 héc-ta. Phía Bắc có 46 khu công nghiệp với 12.100 héc-ta.

Tuy nhiên, chắc chắn số lượng khu công nghiệp tại Việt Nam sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, bởi hàng loạt nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đang rục rịch nhảy vào phân khúc này để đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA) và gần nhất là Cộng đồng kinh tế ASEAN được thực thi.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered mới đây cho thấy, có khoảng 44% đơn vị tham gia nghiên cứu chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư do có thị trường nội địa rất lớn, 29% nêu lý do là chi phí hoạt động thấp và 18% là nhân công dồi dào.

Trước đây, các khu công nghiệp chỉ chú trọng vào yếu tố sản xuất, mà không mấy quan tâm tới đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú cho công nhân, chuyên gia, nhưng hiện mô hình kết hợp khu công nghiệp, đô thị đang phát triển mạnh.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt nam cho biết, Hiệp hội đã tiếp một số đoàn công tác, doanh nghiệp bất động sản Thái Lan, Singapore, Nhật Bản đến tìm cơ hội đầu tư và hợp tác tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá cao cơ hội cho bất động sản khu công nghiệp khi Việt Nam tham gia nhiều FTA, đặc biệt là TPP, EVFTA.

Trên thực tế, thời gian qua, cũng đã có nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đầu tư vào các khu công nghiệp cả trong Nam và ngoài Bắc để đón đầu xu hướng.

Chẳng hạn, trong tháng 9/2015, Becamex IDC và Công ty TNHH một thành viên Cao su Sông Bé đã khởi công xây dựng Dự án Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex - Bình Phước (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) với quy mô hơn 4.633 héc-ta, tổng mức đầu tư 21.256,5 tỷ đồng. Trong đó, đất khu công nghiệp là 2.448 héc-ta, khu dân cư và tái định cư hơn 2.185 héc-ta.

Cũng trong tháng 9, Tập đoàn FLC đã khởi công xây dựng Khu công nghiệp FLC Hoàng Long (tỉnh Thanh Hóa), có diện tích 286,82 héc-ta, tổng vốn đầu tư 2.317,5 tỷ đồng. Tại Nghệ An, Tổng công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore cũng đã khởi công Khu công nghiệp VSIP Nghệ An tại huyện Hưng Nguyên với tổng diện tích 750 héc-ta và được triển khai làm nhiều giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư 30 triệu USD, được triển khai trên diện tích 198 héc-ta đất công nghiệp và 81 héc-ta đất đô thị và dịch vụ…

Còn theo báo cáo của Savills, Tập đoàn Mapletree Singapore cũng đã cam kết đầu tư khoảng 1 tỷ USD để phát triển các khu công nghiệp, tòa nhà văn phòng và căn hộ ở Việt Nam trong thời gian tới.

Dù phân khúc bất động sản khu công nghiệp có nhiều cơ hội, nhưng theo ông Nam, cơ hội này chỉ mở ra cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, đầu tư một cách bài bản, bởi bất động sản khu công nghiệp không thể đầu tư theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, bất động sản khu công nghiệp là một phân khúc đầy tiềm năng, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài còn thận trọng do còn vướng một số quy định liên quan đến chính sách.

Dù vậy, đánh giá chung của các công ty nghiên cứu thị trường và chuyên gia đều cho thấy, bất động sản khu công nghiệp sẽ là xu thế tất yếu trong thời gian tới khi TPP chính thức có hiệu lực, vấn đề ở chỗ, mô hình nào sẽ được lựa chọn.

Trước đây, các khu công nghiệp chỉ chú trọng vào yếu tố sản xuất, mà không mấy quan tâm tới đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú cho công nhân, chuyên gia, nhưng hiện mô hình kết hợp khu công nghiệp, đô thị đang phát triển mạnh. Chẳng hạn như VSIP Nghệ An, Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex - Bình Phước, hay các dự án kết hợp giữa khu công nghiệp và bất động sản tại Long An của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Hiện Vạn Thịnh Phát đang đầu tư cụm công nghiệp và các dự án bất động sản dân dụng với tổng diện tích lên đến 1.500 héc-ta. Với mô hình này, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ không còn nỗi lo manh mún, nhỏ lẻ.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan