Bất động sản không ngại “tháng cô hồn”

Bất động sản không ngại “tháng cô hồn”

(ĐTCK) Lâu nay, đối với các đơn vị phân phối bất động sản, “tháng cô hồn” (tháng 7 Âm lịch) - theo quan niệm dân gian - là thời điểm nên tránh những giao dịch mua bán bởi hay ế hàng.

Điều này khiến giao dịch địa ốc “tháng cô hồn” từng trở thành “điểm chết” của thị trường. Thế nhưng, thực tế này đang dần thay đổi, khi “tháng cô hồn”, thị trường vẫn nhộn nhịp bán mua.

Thị trường bất động sản Hà Nội từ năm 2011 đổ về trước, khi cơn sốt nhà đất còn đang hoành hành, kiêng kỵ mua bán nhà đất trong “tháng cô hồn” là một tâm lý phổ biến. Trước thời điểm này, người có nhu cầu bán - mua tìm mọi cách hợp thức hóa giao dịch bằng các dạng hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ… Việc hoàn tất hợp đồng có khi phải chờ hàng tháng sau đó để tránh phải bán mua trong “tháng cô hồn”.

Tuy nhiên, khi thị trường địa ốc rơi vào suy thoái, để bán được hàng, ngoài giảm mạnh giá bán, DN còn có nhiều chính sách quà tặng, chiết khấu khác nhau. Giá trị của các phần quà, tỷ lệ chiết khấu còn tăng cao hơn nữa trong “tháng cô hồn” để thu hút khách mua nhà. Đây là chiêu thức bán hàng của đơn vị phân phối nhằm tránh những “thời điểm chết” của thị trường, vốn là điều các đơn vị phân phối đều sợ hãi.

Thực tế, việc DN đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng mua nhà trong “tháng cô hồn” khiến không ít người có nhu cầu mua nhà ở thực gạt bỏ tâm lý kiêng kỵ để mua bán trong thời gian này để hưởng ưu đãi với giá trị rất lớn. Thậm chí, nhiều DN có chính sách bán hàng, chỉ áp dụng những gói khuyến mãi khủng cho người thực hiện ký hợp đồng mua bán trong “tháng cô hồn”, khiến giao dịch xuất hiện ngày càng lớn ở thời điểm ít ai nghĩ DN có thể bán được hàng.

Còn nhớ, thời điểm năm 2012 - 2014, một số đơn vị phân phối có chương trình ưu đãi cực lớn và “chi đậm” cho hoạt động truyền thông khi tiến hành mở bán trước hoặc trong “tháng cô hồn”.

Việc rầm rộ mở bán trong thời điểm “nhạy cảm” khiến không ít người nghi ngờ về hiệu quả bán hàng của đơn vị phân phối. Thế nhưng, tiết lộ với truyền thông, một đại diện của Đất Xanh Miền Bắc, đơn vị chăm chỉ mở bán trong “tháng cô hồn” nhất mấy năm trở lại đây cho biết, chính đây mới là thời điểm DN bán được nhiều hàng. Điều này cho thấy, quan niệm kiêng kỵ bán mua đã dần mờ nhạt.

Năm 2015, thời điểm thị trường bất động sản 2 miền có sự bùng nổ về thanh khoản, để đảm bảo yếu tố tâm lý cho người mua nhà lẫn chủ đầu tư, các đơn vị phân phối đã liên tục mở bán sản phẩm ngay trước “tháng cô hồn”. Thế nhưng, một số đại diện đơn vị phân phối cho biết, các đơn vị này đều đã có kế hoạch mở bán trong ngay tháng 7 Âm lịch, vì tâm lý khách mua nhà hiện nay đều không coi quá nặng vấn đề kiêng khem.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, tỷ lệ và số lượng giao dịch địa ốc diễn ra trong “tháng cô hồn” hiện nay chỉ là những con số ước chừng của đơn vị phân phối. Một con số thống kê chi tiết và tổng quát hơn về lượng giao dịch bất động sản trong tháng cô hồn, có thể đánh giá được diễn biến chung của toàn thị trường, vẫn chưa được đơn vị, tổ chức bất động sản nào đứng ra thực hiện.

Tuy nhiên, theo nhận định của đại diện một số đơn vị phân phối, thị trường địa ốc hiện đã không ngại “tháng cô hồn”, việc kiêng khem của người mua nhà cũng dần trở nên nhẹ nhàng hơn. Việc một số đơn vị tiến hành mở bán ngay trước “tháng cô hồn” cũng không phải để tránh thời điểm nhạy cảm, bởi lẽ, hoạt động mua bán thực tế sau đó sẽ diễn ra chủ yếu trong “tháng cô hồn”.

Bên cạnh đó, một yếu tố dù nhỏ nhưng cũng có tác động tâm lý tới thị trường là sức cầu nhà ở từ người nước ngoài và Việt kiều đang tăng mạnh. Mà những đối tượng này hẳn khá xa lạ với câu chuyện kiêng cữ tháng 7 Âm lịch.

Một mùa Vu lan nữa lại đến. Một số ai đó có thể nghĩ rằng, đây sẽ là thời điểm thị trường bất động sản lặng xuống vì những kiêng khem, xấu tốt. Nhưng trên thực tế, diễn biến thị trường vẫn khá tấp nập với hoạt động bán mua, bởi nhu cầu sở hữu nhà cửa cũng giống như chuyện ăn uống hàng ngày, nhất là khi thị trường địa ốc đang có dấu hiệu nóng lên. Việc dừng mua bán, giao dịch đồng nghĩa sẽ mất cơ hội tốt hơn, nên đối với nhiều người, đó là cả một quyết định khó khăn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan