Bất động sản Đồng Nai hấp dẫn không chỉ nhờ Sân bay Long Thành

Bất động sản Đồng Nai hấp dẫn không chỉ nhờ Sân bay Long Thành

(ĐTCK) Thị trường địa ốc Đồng Nai nổi lên như một điểm đến đầu tư tiềm tàng, bởi thị trường có nhiều sự kết nối. Cụ thể, kết nối hạ tầng giao thông giữa Đồng Nai với TP.HCM với các tỉnh lân cận qua một loạt tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên…

Tới đây, bất động sản Đồng Nai không chỉ có nhiệm vụ kết nối các tỉnh, thành phố trong nước, mà còn có cả sự kết nối với quốc tế thông qua Sân bay Long Thành trong tương lai.

Đồng Nai không chỉ hấp dẫn vì có Sân bay Long Thành, mà điểm mấu chốt chính vì Đồng Nai là cửa ngõ của đại đô thị TP.HCM, có thể đảm nhiệm chức năng đô thị vệ tinh của TP.HCM.

Thực tế, mỗi địa phương có một lợi thế khác nhau để phát triển thị trường địa ốc bất động sản. Chẳng hạn, có địa phương có lợi thế về bất động sản nghỉ dưỡng, có địa phương lại có lợi thế về bất động sản y tế, giáo dục hay bất động sản khu công nghiệp, hành chính… Với lợi thế là khu vực ngoại ô cách TP.HCM chỉ khoảng 30 km và tiếp giáp một số quận của đô thị lớn nhất cả nước này, như quận 9 và quận 2 và giáp Quốc lộ 51…, thị trường bất động sản Đồng Nai có lợi thế lớn, nhất là phân khúc đất nền.

Bất động sản Đồng Nai hấp dẫn không chỉ nhờ Sân bay Long Thành ảnh 1

 Ông Lê Hoàng Châu

Cũng giống như Bình Dương, Đồng Nai có khá nhiều khu công nghiệp tập trung có quy mô lớn và hiện đại. Cùng với đó, tỷ lệ dân nhập cư cao cũng có thể là một lợi thế về sức cầu cho thị trường bất động sản.

Từ TP.HCM nhìn sang Đồng Nai, các nhà đầu tư có thể nhìn thấy sự hấp dẫn của khu vực bất động sản ngoại ô rộng lớn với TP. Biên Hòa, Khu công nghiệp Nhơn Trạch, Long Thành, thậm chí cả Trảng Bom, thác Giang Điền cũng sẽ được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Năm 2017, ba tuyến đường cao tốc đi qua tỉnh Đồng Nai được khởi động, khi hoàn thành sẽ biến nơi đây thành một “điểm kết nối” hệ thống đường cao tốc của khu vực. Thực tế, mạng lưới giao thông Đồng Nai trong thời gian qua bứt phá với sự góp mặt của nhiều công trình, dự án giao thông cấp quốc gia như cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; khởi động tuyến cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành; thông qua dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)…

Khi nối tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (Bình Thuận), thì bất động sản tại thị trường Long Khánh (Đồng Nai) cũng giống như ngoại ô TP HCM. Ngoài ra, khi cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương - Đà Lạt (Lâm Đồng) đi vào hoạt động, thì bất động sản Đồng Nai lại càng thu hút nhà đầu tư.

Như vậy có thể thấy, thị trường bất động sản Đồng Nai không chỉ hấp dẫn vì có dự án Sân bay quốc tế Long Thành.

Tất nhiên, tiềm năng lớn, nhưng nhà đầu tư cũng cần sáng suốt tìm hiểu kỹ thông tin từ nhiều kênh. Bởi chúng ta đã từng bị “quả lừa” trong quá khứ với Thành phố mới Nhơn Trạch. Thực tế, Nhơn Trạch bây giờ còn chưa có thị trấn và theo mục tiêu 2025 của tỉnh Đồng Nai, thì Nhơn Trạch mới lên đô thị loại 2, mà thời điểm gần 10 năm trước đó đã quảng cáo là thành phố mới. Thời điểm đó, biết bao nhiêu nhà đầu tư thứ cấp, người mua nhà đã bị hớ khi đầu tư vào đây.

Bất kể thị trường nào dù rất tiềm năng, nhưng nhà đầu tư thứ cấp cũng phải hết sức cẩn thận, nên giao dịch với công ty môi giới có uy tín trên thị trường. Đối với các công ty đầu tư kinh doanh bất động sản, nếu muốn phát triển ổn định, bền vững cũng cần có trách nhiệm với khách hàng của mình. Không được dẫn dắt nhà đầu tư thứ cấp, người tiêu dùng thiếu thông tin rơi vào bẫy như việc đầu tư vào Nhơn Trạch 10 năm trước đây.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng vừa nhận được đơn kêu cứu của hơn 300 người dân mua hàng tại một số dự án bất động sản ở Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom của 2 doanh nghiệp môi giới bất động sản. Các doanh nghiệp này đã lừa dối khách hàng, đổi tên dự án, thay tên chủ đầu tư, vẽ thêm quy hoạch… Hiệp hội đã gửi văn bản cho Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai để xử lý vấn đề này.

Để nhà đầu tư thứ cấp và người tiêu dùng không bị lừa đảo bởi các công ty mua bán bất động sản bất lương, thì chúng ta sẽ phải điều chỉnh lại các luật liên quan đến bất động sản, không thể có chuyện công ty bất động sản yêu cầu khách đặt cọc tới 50 - 70% giá trị của hợp đồng.

Đối với các dự án phân lô đất nền, chủ đầu tư phải có sổ đỏ của dự án, phải xây dựng xong đường giao thông, cấp nước, chiếu sáng công cộng…, khi người dân mua nền chỉ việc xây nhà rồi vào ở, đất nền như vậy mới đủ điều kiện bán. Hiện nay, một số công ty bất động sản chưa làm đủ điều này, nên nhà đầu tư thứ cấp vẫn còn gặp rủi ro.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com 

Tin bài liên quan