Ở những khu trung tâm TP. Buôn Ma Thuột có giá dao động từ 150 - 200 triệu đồng/m2, những nguồn cung không nhiều. Ảnh: Kim Đức

Ở những khu trung tâm TP. Buôn Ma Thuột có giá dao động từ 150 - 200 triệu đồng/m2, những nguồn cung không nhiều. Ảnh: Kim Đức

Bất động sản Đắk Lắk, “cô gái đẹp vẫn đang ngủ quên”

(ĐTCK) Tuy thị trường bất động sản ở Đắk Lắk chưa hình thành rõ nét và có nhiều hạn chế, nhưng ở một vài sản phẩm, cơ hội vẫn đến với những doanh nghiệp biết khai thác và nắm bắt.

Tiềm năng lớn

Đắk Lắk hội tụ đầy đủ các ưu thế về kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch của khu vực Tây Nguyên. Đây là đô thị hạt nhân, nằm trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Địa phương này có nhiều ưu đãi về tài nguyên, khoáng sản, sinh thái, có tiềm năng du lịch với hơn 10 di tích thắng cảnh quốc gia.

Bên cạnh đó, Đắk Lắk có hệ thống giao thông hoàn thiện, đường hàng không, đường bộ đến các điểm du lịch trọng điểm đều được trải nhựa. Việc di chuyển đến Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM cũng trở nên dễ dàng hơn nhờ Quốc lộ 14 và 26. Cơ sở hạ tầng tại Đắk Lắk cũng nhanh chóng được đầu tư và hoàn thiện với những hạng mục lớn như tuyến đường Hồ Chí Minh - cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) và các trục giao thông xuyên Á nối Trung Quốc - Myanmar - Lào - Thái Lan.

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, đã có 95 dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh với số vốn hơn 4.000 tỷ đồng. Một số dự án đáng chú ý như Khu du lịch sinh thái, sân golf hồ Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột của Tập đoàn Vingroup với vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng; Dự án Khu công nghiệp Phú Xuân tại huyện Cư M’gar của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản DPV; Nhà máy điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn AES (Mỹ), Nhà máy cấp nước sạch tại huyện Krông Ana, Khu đô thị dân cư km7, Khu đô thị sinh thái, văn hóa cà phê Suối Xanh, Metro, Làng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, khu tái đinh cư trên đường Mai Xuân Thưởng, TP. Buôn Ma Thuột…

Nhiều khu đất nông nghiệp gần TP. Buôn Ma Thuột được doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng rồi phân lô bán cho người có nhu cầu xây nhà 

Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, ông Đinh Duy Tâm, Giám đốc Chi nhánh Đắk Lắk - Công ty cổ phần Địa ốc An Cư cho biết: “Thị trường bất động sản Đắk Lắk ngoài những ưu đãi về thiên nhiên, thì đây cũng là thị trường ít chịu tác động từ các thị trường lớn trong nước như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…, ngay cả tín dụng cũng ít bị tác động.

Hơn nữa, lượng tiền trong dân rất nhiều, bởi nhiều gia đình có thu nhập khá giả từ trồng vườn, trung bình từ 2 - 5 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, do tư duy của người dân chưa am hiểu về bất động sản, nên họ ít đầu tư, chủ yếu là đầu tư lại trồng cây, hoặc gửi ngân hàng… Đây là những tiềm năng rất thuận lợi cho thị trường bất động sản Đắk Lắk phát triển”.

Chưa hình thành rõ nét phân khúc

Dạo quanh TP. Buôn Ma Thuột để tìm kiếm những thông tin về thị trường bất động sản nơi đây thì thấy, khác với Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, hay các địa phương lớn khác, thành phố núi này không tấp nập, ồn ào, không băng rôn, biển quảng cáo, tờ rơi về thông tin bất động sản.

Chỉ có khoảng hơn 30 công ty bất động sản là có biển nhận diện thương hiệu để khách hàng tìm đến và tư vấn tại văn phòng, nhưng cũng chỉ số ít khách hàng tự tìm đến. Những điểm có vị trí thuận lợi, được một vài công ty bất động sản khai thác đặt biển quảng cáo khổ lớn. Đa số vẫn là khách quen, qua giới thiệu và giao dịch vẫn chủ yếu là ở quán cà phê.

Những khu xa TP. Buôn Ma Thuột và đất nông nghiệp hiện ít người quan tâm 

Theo chia sẻ của một môi giới địa ốc tại Đắk Lắk, phần lớn các công ty bất động sản ở đây vẫn phải chủ động tìm khách hàng, chứ khách hàng chưa chủ động tìm đến doanh nghiệp. Một trong những cách làm tìm kiếm khách hàng hiện nay của các doanh nghiệp bất động sản Đắk Lắk là thông qua điều tra xã hội học và các thông tin từ các cơ quan ban ngành về tình hình kinh tế, tài chính, mức sống của từng vùng dân cư.

Từ số liệu này, công ty bất động sản sẽ đi thực tế nắm bắt tình hình, khoanh vùng lượng khách hàng tiềm năng và đăng ký với chính quyền để có buổi thuyết trình giới thiệu với khách hàng về sản phẩm của mình. Thậm chí, theo một môi giới tên Tuấn, công ty anh có lần phải nắm rõ thông tin từng khách hàng tham gia và phải thuê xe để chở họ đến tận địa điểm giới thiệu sản phẩm của mình. Vì cầu ít, trong khi cung nhiều, nên khách hàng khá “kén cá, chọn canh”.

Ở một góc độ khác, qua câu chuyện của anh Kiên, chủ một công ty thuộc diện khá giả ở Buôn Ma Thuột có nhu cầu mua thêm căn nhà để ở ngay giữa trung tâm thành phố, chúng tôi mới hiểu rõ phần nào về sự tiệm cận của thị trường bất động sản nơi đây.

Theo đó, khách hàng quan tâm chủ yếu là đất nền, ô thửa liền kề, còn thông tin về sản phẩm chủ yếu qua các mối quen biết. Dù quen biết một vài người bạn làm môi giới bất động sản tại TP. Buôn Ma Thuột, nhưng tìm cả chục ngày trời, anh Kiên vẫn chưa tìm được khu đất ưng ý.

Theo khảo sát của Báo Đầu tư Bất động sản trên các website thông tin giới thiệu về bất động sản tại Đắk Lắk, 100% sản phẩm giới thiệu, chào mua, chào bán là dạng đất nền. Với giá dao động từ 400 triệu đồng đến hơn 3 tỷ đồng/lô (từ 100 - 200 m2). Tuy nhiên, theo chia sẻ của một chuyên gia bất động sản ở Đắk Lắk, các thông tin trên mạng chủ yếu là chiêu “thả mồi” và giá ở đây cũng chỉ là “giá câu”. Khi khách hàng gọi điện đến, thì môi giới lại hướng họ đến sản phẩm khác và giá đương nhiên không như thông báo.

Theo ông Đinh Duy Tâm, thị trường bất động sản Đắk Lắk mới tiệm cận chuyên nghiệp, bởi các phân khúc thị trường chưa hình thành rõ nét. Hiện nay, địa bàn Đắk Lắk có khoảng 30 - 35 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có đăng ký và chỉ hoạt động ở phân khúc đất nền. Các doanh nghiệp chủ yếu môi giới, hoặc mua đất nông nghiệp, hoàn thiện hồ sơ, chuyển đổi mục đích hoặc mua các khu đất có pháp lý rồi chia lô để bán.

Cũng theo ông Tâm, những lô đất nông nghiệp chuyển đổi thường ở cách xa trung tâm, nên giá chỉ dao động từ 5- 8 triệu đồng/m2. Với những khu cách trung tâm Thành phố khoảng 2 - 3 km có giá từ 20 -23 triệu đồng/m2. Đắt nhất là ở trung tâm Thành phố như Ngã Sáu, có giá từ 150 - 200 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đất nông nghiệp hiện nay do thủ tục làm hồ sơ khó khăn, nên cả người bán và người mua cũng ít quan tâm, mà chủ yếu chú trọng vào những khu đất đã đầy đủ về thủ tục pháp lý.

“Một điểm đáng chú ý là khách hàng mua chủ yếu là nhu cầu thực, số đầu cơ ít, nên lượng giao dịch trung bình từ 3-4 giao dịch/tháng với mỗi công ty bất động sản. Dù ít, nhưng cũng mang lại lợi nhuận đáng kể cho các doanh nghiệp bất động sản”, ông Tâm cho biết.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc An Cư cho biết thêm: “Nếu nói năng động thì thị trường Đắk Lắk chưa có. Do nhu cầu của khách hàng, nên hiện tại, các doanh nghiệp cũng tập trung vào khai thác phân khúc đất nền, phân lô, với lượng giao dịch đủ để doanh nghiệp có lợi nhuận nhất định. Để thị trường bất động sản Đắk Lắk thực sự sôi động và chuyên nghiệp thì mất khoảng thời gian từ 2 - 3 năm tới”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan