Đường Trần Văn Giàu mới đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015 đã xuống cấp nghiêm trọng

Đường Trần Văn Giàu mới đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015 đã xuống cấp nghiêm trọng

Bất cập hạ tầng giao thông khu Tây TP.HCM

(ĐTCK) Hạ tầng giao thông là bộ mặt đô thị, đồng thời cũng là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của một khu vực. Trong những năm gần đây, TP.HCM đã và đang đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để xây dựng, mở rộng và nâng cấp hạ tầng giao thông khu Tây. Tuy nhiên, “chất lượng” nhiều dự án vẫn chưa tương xứng với mức đầu tư.

Vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp...

Đường Trần Văn Giàu (gồm đường tỉnh lộ 10B và tỉnh lộ 10) là tuyến đường giao thông huyết mạch quan trọng giữa TP.HCM với tỉnh Long An. Tuyến đường là cửa ngõ phía Tây Thành phố, kết nối các khu công nghiệp trong khu vực như Tân Tạo, Pounye, Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc của TP.HCM và hơn 10 khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại huyện Đức Hòa, Long An.

Đường Trần Văn Giàu có chiều dài gần 14 km, tổng vốn đầu tư hơn 1.550 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 9/2008, sau hơn 6 năm mới đưa vào hoạt động từ 19/12/2015. Tuy nhiên, chưa đầy 2 năm khai thác, đến nay, con đường nghìn tỷ này đã xuống cấp trầm trọng. Dù được chủ đầu tư bảo trì, sửa chữa, nhưng tuyến đường rất nham nhở, giao thông đi lại rất khó khăn.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, tuyến đường có lượng xe lưu thông rất lớn, đường có 6 làn xe, nhưng nhiều đoạn chỉ lưu thông được 2 làn, tình trạng ket xe diễn ra như cơm bữa, xe máy chạy xen lẫn xe ô tô rất nguy hiểm. Không chỉ vậy, tình trạng ngập nước diễn ra thường xuyên do 2 bên lề đất đá ngổn ngang lấp hết cống thoát nước.

Dọc theo tuyến đường Trần Văn Giàu (TP.HCM) và tỉnh lộ 10 (tỉnh Long An) có hơn 10 dự án khu dân cư, khu đô thị có quy mô từ 10 - 50 ha mọc lên đón quy hoạch mở rộng, nâng cấp tuyến đường này như Khu dân cư Phạm Văn Hai, Khu dân cư Gia Phú, Khu tái định cư Vĩnh Lộc, Khu đô thị Tân Đô, Tân Đức, Làng Sen, Khu dân cư An Hạ.

Tuy nhiên đến nay, hầu hết các dự án ở đây đều vắng bóng người, thậm chí có khu dân cư, đất nền dự án đã bán được gần hết, nhưng chưa có ngôi nhà nào mọc lên. Khu tái định Vĩnh Lộc với quy mô 31 ha, được UBND TP.HCM đầu tư 1.000 tỷ đồng xây dựng 45 chung cư cho gần 2.000 hộ dân và 529 nền đất được đưa vào sử dụng từ năm 2010, đến nay vẫn đìu hiu do hạ tầng giao thông không đáp ứng, khiến việc lưu thông vào trung tâm Thành phố quá khó khăn.

Chị Hải, nhân viên văn phòng làm việc tại Đức Hòa, Long An chia sẻ, trước đây, chị có thể chạy xe máy từ TP.HCM xuống đi làm, nhưng nay nếu trễ xe đưa rước của công ty, thì chị phải xin nghỉ vì đường Trần Văn Giàu, tỉnh lộ 10 quá xấu, ổ voi, ổ trâu chằng chịt…, rất nguy hiểm, nên cũng không dám tự chạy xe máy.

... Và ngập nước

Tại quận 12, đường Nguyễn Văn Quá (từ Trường Chinh - Quang Trung) được UBND TP.HCM đầu tư 163 tỷ đồng thực hiện dự án xây dựng cống hộp thoát nước chống ngập cho hơn 2 km đường, nhưng sau gần 1 năm thi công và đưa vào sử dụng (tháng 5/2016), tình trạng ngập nước do mưa vẫn diên ra liên tục.

Đáng nói, dự án chống ngập đường Nguyễn Văn Quá do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM quản lý, nhưng Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM cho biết, Công ty chưa ký hợp đồng với Trung tâm Chống ngập trong công tác quản lý, bảo dưỡng hệ thống thoát nước. Do đó, Công ty chưa thể đánh giá cụ thể hiện trạng hệ thống thoát nước tại khu vực này, cũng như nguyên nhân gây ngập mà trách nhiệm vẫn thuộc về chủ đầu tư.

Anh Ngọc, chủ một đại lý vật liệu xây dựng trên đường Nguyễn Văn Quá bức xúc: “Trước đây, đường Nguyễn Văn Quá mỗi khi mưa xuống nước ngập sâu. Gần 1 năm thi công dự án, cơ quan chức năng đào đường, dựng lô cốt dày đặc, chúng tôi ở đây không buôn bán gì được. Tưởng khi xong dự án thì đường hết ngập, nhưng ai dè cứ mưa lớn lại ngập như xưa. Chúng tôi sống ở đây không biết chịu khổ đến bao giờ nữa”.

Tương tự, đường Tân Thới Nhất 8 là đường quan trọng kết nối quận 12 với quận Bình Tân và Khu công nghiệp Tân Bình có mặt đường nhỏ lại xuống cấp, mật độ xe lưu thông lớn và là trung tâm ngập nặng của quận 12, nhưng được đầu tư nửa vời. Cầu xây xong không kết nối với đường, nửa năm nay công trình không thi công, người dân phải đi lại qua cây cầu tạm vừa 2 chiếc xe máy rất nguy hiểm.

Ngập đường, kẹt xe tại TP.HCM là từ lâu được xem “chuyện thường”, nhưng thiết nghĩ, chính quyền Thành phố nên sớm có những giải pháp thích hợp để khắc phục, đừng đề những dự án đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỷ không phát huy hiệu quả, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người dân.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan