Sun Life Việt Nam là thương vụ M&A “mua đứt, bán đoạn” điển hình sau khi thành lập liên doanh

Sun Life Việt Nam là thương vụ M&A “mua đứt, bán đoạn” điển hình sau khi thành lập liên doanh

Xu hướng M&A bảo hiểm còn tiếp diễn

(ĐTCK) Cùng với xu hướng mua lại cổ phần để chuyển đổi thành công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài (hoặc trong nước) đang diễn ra tại các liên doanh bảo hiểm nhân thọ, thị trường bảo hiểm Việt Nam được nhìn nhận có thể sẽ còn chứng kiến những cuộc chuyển giao thương hiệu trong thời gian tới.

“Mua bán-sáp nhập (M&A) trong ngành bảo hiểm, với cả nhân thọ và phi nhân thọ, không chỉ là vấn đề của thị trường nước ngoài, mà sẽ lan tỏa đến cả thị trường Việt Nam”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Trong khi đó, trong các báo cáo dự báo về thị trường bảo hiểm năm 2017, các chuyên gia ngành này cũng đánh giá, M&A sẽ vẫn là một mục tiêu quan trọng, vì các công ty bảo hiểm đang xem xét các hướng đi khác để tăng trưởng.

“Thị trường bảo hiểm châu Âu thời gian qua xuất hiện một vài thông tin về việc mua lại các thương hiệu bảo hiểm lớn. Tuy nhiên, những thông tin được đưa ra mới chỉ ở dạng ‘tin đồn’ để thăm dò phản ứng của thị trường, nhưng nhu cầu M&A để mở rộng hoạt động là hiện hữu và không chỉ có ở các tập đoàn bảo hiểm lớn của châu Âu, thị trường châu Á cũng được nhận định là một điểm đến của xu hướng này”, một chuyên gia cho biết.

Mua lại những thương hiệu có thị phần còn nhỏ, phát triển èo uột, sau đó đầu tư làm mới thương hiệu để chờ dịp bán lại, đang là hướng đi của một số tập đoàn tài chính

Cũng theo vị chuyên gia này, M&A trong bảo hiểm có nhiều cách khác nhau và một trong số đó là sẽ có những công ty xem xét gia nhập thị trường mới bằng cách thiết lập một công ty con, tham gia vào các công ty liên doanh với các đối tác địa phương cũng trở nên hấp dẫn ở một số thị trường và việc nâng cao các hạn mức vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở các thị trường như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ khuyến khích hoạt động mua bán sáp nhập trong ngành bảo hiểm….

Vài năm trước, việc gia nhập thị trường bảo hiểm bằng cách tham gia vào liên doanh với các đối tác địa phương, đặc biệt là các ngân hàng và các tập đoàn đa ngành, là một trong những xu thế nổi trội của ngành bảo hiểm Việt Nam, trong đó chủ yếu là bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, thị trường bảo hiểm mới nổi của Việt Nam cũng tạo ra cho các tập đoàn tài chính bảo hiểm nước ngoài tham gia góp vốn những “ngã rẽ” mới.

Chẳng hạn, ban đầu tham gia góp vốn, rồi vài năm sau đó mua lại hết phần vốn góp của đối tác địa phương để trở thành công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài đang là xu thế mới. Thị trường bảo hiểm thời gian qua chứng kiến các thương vụ M&A kiểu này như thương hiệu Sun Life Việt Nam, hay mới đây là Aviva…

Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận rằng, xu thế này chưa dừng lại tại thị trường bảo hiểm Việt Nam. Hiện có một vài thông tin về một tập đoàn tài chính bảo hiểm của Thái Lan đang đàm phán mua lại cổ phần của một số đối tác là công ty bảo hiểm tại Việt Nam.

Tất nhiên, ngoài việc mua lại phần vốn góp của đối tác, thị trường cũng có thể chứng kiến những thương vụ M&A từ cấp tập đoàn hay cấp vùng. Các thương vụ này sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến chiến lược phát triển của các công ty bảo hiểm trực thuộc tại các thị trường địa phương, trong đó có Việt Nam.

“Mua lại những thương hiệu có thị phần còn nhỏ, phát triển èo uột, sau đó đầu tư làm mới thương hiệu để chờ dịp bán lại, đang là hướng đi của một số tập đoàn tài chính. Xu hướng này sẽ xảy ra ở nhiều thị trường, chứ không chỉ riêng thị trường bảo hiểm Việt Nam”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Chia sẻ về xu hướng mua bán-sáp nhập trong ngành bảo hiểm tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới, CEO một công ty bảo hiểm nói rằng, nếu có M&A đối với bảo hiểm nhân thọ tại thị trường nhân thọ Việt Nam, thì xu hướng “mua đứt, bán đoạn” để sở hữu 100% vốn sẽ được ưu tiên hơn so với xu hướng liên doanh như giai đoạn trước đây. Bởi nhiều yếu tố, điển hình trong đó là sự phát triển còn khá mờ nhạt của các liên doanh bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam, khiến hình thức này không được các tập đoàn tài chính ưa chuộng.

Trong khi đó, với khối phi nhân thọ, các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới vẫn mong muốn được tiếp tục rót vốn vào những công ty bảo hiểm có thị phần lớn tại thị trường Việt Nam. Về phía các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, nếu có thêm vốn ngoại sẽ có thêm nguồn vốn kinh doanh, có thêm sự hỗ trợ kỹ thuật…

Tin bài liên quan