Hiện nay, các công ty bảo hiểm Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mới đang hành động để nắm bắt các xu hướng công nghệ chính như: kỹ thuật số và tiếp thị đa kênh (omni-channel), big data và phân tích dữ liệu, đổi mới hệ thống quản lý thông tin cốt lõi nay đã lỗi thời, an ninh mạng và công nghệ bảo hiểm…
Tuy nhiên, rất nhiều công ty bảo hiểm trên thế giới đã tiến tới việc bắt tay hợp tác với các start-up, đặc biệt là trong mảng IoT (Internet of Things) để đưa đến những ứng dụng hữu ích hơn cho khách hàng.
Cụ thể, Progressive hợp tác với Censio để cung cấp dịch vụ bảo hiểm dựa trên mức độ sử dụng xe ô tô của khách hàng thông qua ứng dụng Snapshot. Ứng dụng này giúp Progressive có thể tự động theo dõi và đo lường các dữ liệu về việc sử dụng xe như thời gian trong ngày, số km, số lần phanh gấp và khả năng giảm phí thông qua chương trình của Progressive.
Hay Axinan, một start-up bảo hiểm cho các đơn hàng bị trả lại, đang hợp tác với chợ trực tuyến Tokopedia của Indonesia và xử lý hơn 180.000 đơn đặt hàng mỗi tháng. Một số hãng đã đầu tư vào các dự án mạo hiểm mang tính chiến lược, bao gồm XL Catlin, AXA, và Aviva vào năm 2015, Allianz, Fairfax, IAG, Liberty Mutual, Annexus, Cuna Mutual vào năm 2016, Aflac, Helvetia và Northwestern Mutual vào năm 2017…
Thị trường đã bắt đầu quen thuộc với thuật ngữ Insurtech - nâng cao tính hiệu quả thông qua việc sử dụng công nghệ để tạo ra mô hình kinh doanh bảo hiểm rẻ hơn…
Các công ty vệ tinh hỗ trợ và các start-up về công nghệ cũng đã bắt đầu xuất hiện ở thị trường này với mong muốn hợp tác cùng các doanh nghiệp bảo hiểm vẽ lại chuỗi giá trị cho ngành bảo hiểm như các trang web báo giá so sánh sản phẩm, thanh toán trực tuyến…
Tuy nhiên, việc kết nối với các doanh nghiệp mang ứng dụng công nghệ mới này với các doanh nghiệp bảo hiểm tại thị trường Việt Nam vẫn còn khá chậm, cơ bản là do các công ty bảo hiểm vẫn chưa sẵn sàng, cụ thể với việc tiếp nhận các ứng dụng về so sánh sản phẩm hay so sánh phí bảo hiểm…
“Ở các nước phát triển, thị trường tài chính bảo hiểm rất minh bạch, đặc biệt là mức phí được quy định rất rõ ràng, thống nhất. Còn ở Việt Nam vẫn nhiều khác biệt, dù có mức phí chuẩn nhưng mỗi doanh nghiệp bảo hiểm lại có mức chiết khấu khác nhau nên rất khó so sánh.
Ngoài ra, trong số các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động tại thị trường, một số công ty có cơ chế tính phí phức tạp (với hơn 10 yếu tố tính phí trở lên) và những doanh nghiệp này rất cẩn trọng với hệ thống công nghệ, khó có thể chia sẻ hay kết nối với thống bên ngoài…
Chính vì thế, với một số ứng dụng khởi nghiệp, thị trường bảo hiểm vẫn chưa sẵn sàng”, một chuyên gia với gần 20 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm chia sẻ.
Ngoài ra, có một số nguyên nhân khiến ngành bảo hiểm, đặc biệt là khối phi nhân thọ vẫn còn đang rất sơ khai với những ứng dụng và dịch vụ công nghệ mới là do mỗi quyết định cần phải qua nhiều phòng, ban phê duyệt dẫn đến mất rất nhiều thời gian để quyết định. Hơn nữa, với bản chất cẩn trọng nên với những ứng dụng mới, các doanh nghiệp có thói quen chờ người đi trước rồi mình áp dụng sau cho an toàn.
Dù vậy, nếu nhìn ở khía cạnh tích cực thì việc thị trường bảo hiểm Việt Nam còn chậm chân trong lĩnh vực công nghệ lại tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp bước vào khai thác cơ hội.
Thực tế, khi công nghệ đã được coi là động lực chính cho chiến lược lấy khách hàng là trung tâm, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện cách tính phí, thì các công ty bảo hiểm sẽ bắt buộc phải đầu tư vào các lĩnh vực như cải thiện cách tính phí bằng cách nâng cao khả năng thẩm định; Hoạt động hiệu quả hơn nhờ công nghệ robot và tự động hóa quy trình; Đổi mới và chuyển đổi sang kỹ thuật số… để đạt được các mục tiêu kinh doanh cốt lõi.