Ứng dụng công nghệ, BHNT sẵn sàng bứt phá

Ứng dụng công nghệ, BHNT sẵn sàng bứt phá

(ĐTCK) Tiếp xúc, giao dịch và chăm sóc khách hàng thông qua các thiết bị di động là loại hình hoạt động mới đang được nhiều hãng bảo hiểm nhân thọ (BHNT) xúc tiến triển khai.

Xem toàn bộ Chuyên đề của Báo Đầu tư Chứng khoán xuất bản ngày 16/12/2013 tại:

>> Bảo hiểm Việt Nam 2013 - Dấu mốc trưởng thành

Còn cần nhiều thời gian và tiền bạc để phương tiện này bắt đầu mang lại hiệu quả, song có lẽ là muộn nếu doanh nghiệp BHNT bỏ qua xu hướng tất yếu này.

Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam vừa triển khai phần mềm ứng dụng iPoS trên máy tính bảng iPad trong kinh doanh BHNT iPoS là một hệ thống hỗ trợ kinh doanh mang tính tương tác.

Với iPoS, toàn bộ quy trình tư vấn BHNT, ghi nhận thông tin về khách hàng, thiết lập bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm, hoàn tất hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và nộp bộ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm về Công ty đều được thực hiện trên iPad một cách nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện và minh bạch.

Tổng giám đốc AIA Việt Nam, ông Stephen James Clark cho biết, với công nghệ này, việc trao đổi với đại lý về các kế hoạch bảo hiểm nhân thọ trở nên đơn giản, dễ hiểu.

Ứng dụng công nghệ, BHNT sẵn sàng bứt phá ảnh 1

Cụ thể, iPoS cho phép đại lý có thể nhanh chóng điều chỉnh các kế hoạch bảo hiểm sao cho phù hợp nhất với điều kiện tài chính, nhu cầu và mong muốn của mỗi khách hàng.

Mọi thao tác như tư vấn, điền thông tin khách hàng vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, ký và nộp bộ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm đều thực hiện bằng ứng dụng công nghệ thông tin, nên toàn bộ quy trình này được bảo vệ an toàn tuyệt đối bằng các biện pháp an ninh hàng đầu, để đảm bảo rằng tất cả các thông tin chi tiết đã xác nhận sẽ không thể bị sửa đổi và hoàn toàn bảo mật.

Tại Prudential Việt Nam, công nghệ kể trên cũng được áp dụng từ năm 2012, tuy nhiên, không áp dụng rộng rãi cho mọi đại lý, mà mới bước đầu áp dụng cho nhân viên bán sản phẩm bancassurance.

Còn tại ACE Life, cách đây 3 tháng, DN này cũng đã áp dụng hệ thống ứng dụng hỗ trợ kinh doanh bảo hiểm trên thiết bị di động (gọi tắt là ACE eSMART).

Đây là giải pháp công nghệ tiên tiến kết nối các thiết bị di động với hệ thống dữ liệu của Công ty, tạo ra một quy trình khép kín giúp đội ngũ đại diện kinh doanh (ĐDKD) thực hiện các nghiệp vụ tư vấn tài chính và quản lý thông tin khách hàng nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Giai đoạn đầu tiên của ứng dụng eSMART được triển khai trên hệ điều hành iOS (hệ điều hành sử dụng trên các thiết bị di động của Apple) cho phép các ĐDKD có thể phân tích và tính toán nhu cầu tài chính của khách hàng. Thông qua ACE eSMART, khách hàng có thể ngay lập tức nhận được các biểu mẫu, tài liệu giới thiệu sản phẩm, thông tin về Công ty qua thư điện tử.

Ngoài ra, ĐDKD cũng có thể sử dụng ACE eSMART để theo dõi kết quả kinh doanh cũng như tham khảo và tham gia các hoạt động hay chương trình đào tạo của Công ty.

Manulife Việt Nam chia sẻ, Công ty sẽ cho ra mắt sản phẩm tương tự trong nay mai. Một số doanh nghiệp khác thì cho biết, các công nghệ trên đều được áp dụng thành công ở các công ty BHNT trực thuộc tập đoàn mẹ, tại các nước khác, còn ở thị trường Việt Nam thì vẫn đang trong quá trình nghiên cứu triển khai.

Tại Dai-ichi Việt Nam, dù đã chuẩn bị từ khá lâu, nhưng đến nay, vẫn chưa chính thức áp dụng công nghệ trên. Theo ghi nhận của ĐTCK thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là do những băn khoăn liên quan đến việc sử dụng chữ ký điện tử trong hợp đồng bảo hiểm được thực hiện trên iPad, chẳng hạn như rủi ro pháp lý khi xảy ra tranh chấp, hay sự hạn chế về mức độ phổ cập trong sử dụng công nghệ ở các tư vấn viên và khách hàng.

Những tiện ích trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đang thay thế dần phương thức truyền thống, để hợp lý hóa quy trình tư vấn tài chính và tiết giảm sử dụng giấy tờ, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, đồng thời giúp các DN bảo hiểm hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh việc cần phải có thêm thời gian để công chúng làm quen với công nghệ mới, thì chính các ứng dụng này cũng phải được hoàn thiện, tối ưu hóa hơn nữa.

Một số tư vấn viên cho biết, nhiều lúc họ phải chật vật để ra được một hồ sơ trên iPoS. Còn theo phản ánh của một vài nhân viên tư vấn thì có lúc vẫn gặp sự cố, như không truy cập được vào được một số thông tin kê khai về dòng tiền được thụ hưởng…

Để đầu tư mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bán hàng, doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải chấp nhận lỗ trong một thời gian. Mặc dù vậy, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về thị phần thì cạnh tranh về công nghệ bán hàng cũng đang được nhiều danh nghiệp đẩy mạnh.

>>Bảo hiểm nhân thọ đón Công ty thứ 16