Triển vọng sôi động bancassurance 2012

Triển vọng sôi động bancassurance 2012

(ĐTCK) Một số DN bảo hiểm đã công bố lợi nhuận khả quan từ kênh cung cấp các sản phẩm bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng (bancassurance).

Còn mới mẻ nhưng khá tiềm năng, đó là nhận định chung về kênh cung cấp các sản phẩm bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng (bancassurance).

BIC cho biết, bancassurance vẫn giữ vai trò là thế mạnh khi kênh này trong năm 2011 thu về 23,49 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 146% kế hoạch và tăng 50% so với năm 2010. Số lượng khách hàng BIC đang phục vụ qua kênh bancassurance đã vượt 85.000 lượt người, tăng 41% so với năm 2010. Còn tại Tập đoàn Bảo Việt, trong năm 2011, đóng góp từ kênh phân phối bancassurance tăng trên 200% so với năm 2010.

Tuy nhiên, không ít DN chia sẻ, kết quả thu được từ kênh bancassurance còn khiêm tốn nên ngại tiết lộ. Mặc dù vậy, trong năm 2012, DN sẽ nỗ lực phát triển kênh phân phối này.

 

Nỗ lực thúc đẩy

Ngày 1/2, Dai-ichi Life Việt Nam đã bắt tay với Sacombank (ngân hàng thứ 2, sau Eximbank) triển khai phân phối các sản phẩm qua  hệ thống ngân hàng. Theo đó, Dai-ichi sẽ giới thiệu ra thị trường sản phẩm “An tâm tín dụng”, một sản phẩm tương tự khi kết hợp với Eximbank trước đó. 

Ngày 10/2, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt sẽ hợp tác với MaritimeBank trong việc phát triển bancassurance. Công ty mẹ của Bảo hiểm Bảo Việt, Tập đoàn Bảo Việt (Bảo Việt) cho biết, đang tìm kiếm các đối tác mới để mở rộng kênh phân phối, đưa sản phẩm ngày càng gần hơn tới mọi đối tượng người tiêu dùng; sớm đưa ra thị trường các sản phẩm bancassurance hấp dẫn và tiện dụng như sản phẩm bảo hiểm người vay, bảo hiểm chủ thẻ tín dụng, bảo hiểm nhân sự chủ chốt, bảo hiểm người gửi tiền... Gần đây nhất, có thể kể đến sản phẩm Bảo hiểm nhà tư nhân và An Phát trọn đời.

“Trước đó, với sự hỗ trợ của HSBC, Bảo Việt đã sớm thành lập phòng bancassurance tại các đơn vị thành viên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của HSBC Insurance tại Hồng Kông; thiết lập mô hình “thông lệ tốt nhất” như một mô hình chuẩn nhằm triển khai việc đẩy mạnh phân phối sản phẩm bảo hiểm qua kênh này. Hiện đối tác bancassurance của Bảo Việt khá đa dạng, bao gồm cả các ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài”, đại diện Bảo Việt nói.

Phát triển kênh phân phối bancassurance cũng được SVIC coi là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012, nhằm tận dụng sự hỗ trợ từ phía các cổ đông chiến lược SHB. Thông qua các đơn vị của SHB, SVIC sẽ thiết lập mạng lưới đại lý khai thác bảo hiểm để giới thiệu, cung cấp dịch vụ cho các khách hàng vay vốn tại SHB.

Bancassurance cũng được VietinAviva triển khai khi cho biết, đến giữa năm 2012, qua kênh phân phối này, Công ty sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiết kiệm, đầu tư của khách hàng; sớm đưa ra thị trường dòng sản phẩm tích lũy giáo dục. Ngoài ra, Công ty sẽ phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm nhóm, hướng tới đối tượng khách hàng doanh nghiệp của VietinBank, nhằm tăng phúc lợi cho người lao động, bảo vệ và duy trì nguồn nhân lực.

Ông Dương Quang Khánh, Phó tổng giám đốc VietinAviva cho hay, Công ty sẽ tổ chức đào tạo cho toàn bộ 150 chi nhánh của VietinBank trên toàn quốc, nhân rộng lực lượng tư vấn bán hàng và đưa bancassurance phủ kín nhanh toàn bộ hệ thống của ngân hàng này.

Không chỉ DN bảo hiểm, các ngân hàng cũng khẳng định sẽ thúc đẩy bancassurance. Nhận thấy đây là một dòng sản phẩm có cơ hội tốt để gia tăng doanh thu, BaovietBank đã chú trọng phát triển ngay từ khi mới đi vào hoạt động. Với định hướng trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam về phát triển bancassurance, đến nay, riêng dòng sản phẩm bancassurance, ngân hàng này đã phát triển được 8 sản phẩm liên kết và tiếp tục triển khai sản phẩm độc lập, bắt đầu với sản phẩm “An Phát trọn đời” (sản phẩm chủ lực của Bảo Việt nhân thọ).

Còn VietinBank cho biết, sẽ có cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm đẩy nhanh phát triển mạng lưới bancassurance trong năm 2012. Một số ngân hàng khác chia sẻ, bancassurance là một kênh sinh lời có hiệu suất cao và sẽ nỗ lực triển khai việc bán các sản phẩm bảo hiểm qua hình thức này.

 

Một số hạn chế

Mặc dù nỗ lực phát triển bancassurance, nhưng việc liên kết giữa các DN với ngân hàng hiện mới chỉ tập trung vào phân phối sản phẩm bảo hiểm thông qua các chương trình tặng quà hay lồng ghép bảo hiểm vào yêu cầu đảm bảo an toàn tín dụng một cách khá “vội vàng”, nhiều khi không đảm bảo thực hiện đầy đủ các bước trong trình tự bán hàng. Nhất là trong bối cảnh ngành ngân hàng đang đối mặt với không ít thách thức, đang trong quá trình tái cơ cấu dài hơi…, có thể ảnh hưởng đến mối hợp tác này.

Đặc biệt, theo ông Quách Thành Nam, Trưởng phòng Bancassurance của Bảo hiểm Bảo Việt, một trong những rào cản lớn nhất đối với việc triển khai bancassurance hiện nay là công tác đào tạo cán bộ bán hàng tại các ngân hàng. Bởi lẽ, các đặc tính kỹ thuật, các quyền lợi của sản phẩm bảo hiểm khá phức tạp, để đi đến quyết định mua bảo hiểm, khách hàng cần được tư vấn cụ thể. Trong khi đó, cán bộ ngân hàng lại bận rộn, trong khi thời gian trung bình dành cho việc bán sản phẩm bảo hiểm đòi hỏi nhiều hơn (khoảng 4 lần) thời gian họ dành cho việc bán các sản phẩm khác của ngân hàng như tiết kiệm hay cho vay.