2 tháng đầu năm, ngành bảo hiểm phi nhân thọ đã ghi nhận nhiều sự kiện tổn thất với giá trị lớn

2 tháng đầu năm, ngành bảo hiểm phi nhân thọ đã ghi nhận nhiều sự kiện tổn thất với giá trị lớn

Tổn thất sớm ngay từ đầu năm, ngành bảo hiểm lo lắng

(ĐTCK) Mới đầu năm 2017, nhiều vụ việc có tổn thất lớn đã xảy ra, tô đậm thêm mối lo tỷ lệ bồi thường bảo hiểm sẽ gia tăng - vấn đề vốn đang là “nỗi đau” của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã ghi nhận nhiều sự kiện tổn thất với giá trị lớn và nội dung phức tạp. Trong đó, phải kể tới các vụ việc như vụ cháy Nhà máy ô tô Trường Hải (Thaco) tại Quảng Nam, cháy nhà máy của Công ty cổ phần Bao bì và In nông nghiệp (INN) hay tàu chở hàng Giang Hải bị tấn công ở vùng biển Philippines…

Do giá trị tổn thất lớn và vụ việc có tính chất phức tạp, hiện tại các công ty bảo hiểm vẫn đang trong quá trình làm việc để đưa ra mức thiệt hại chính xác. Tuy nhiên, chỉ riêng vụ cháy Nhà máy ô tô Trường Hải, theo ước tính của Thaco, Công ty phải chịu thiệt hại khoảng 250 tỷ đồng.

Dù với hầu hết các hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là hợp đồng có giá trị lớn, phạm vi bảo hiểm rộng và phức tạp, các công ty bảo hiểm trong nước đều bắt buộc phải tái bảo hiểm theo quy định (nhà tái bảo hiểm sẽ chia sẻ phần lớn chi phí bồi thường), nhưng những tổn thất lớn xảy ra ngay từ đầu năm có thể sẽ khiến doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có liên quan phải tính toán lại các mục tiêu kinh doanh của mình, trong đó có mục tiêu lợi nhuận và cổ tức.

Thực tế, trong thời gian qua, tỷ lệ bồi thường vẫn luôn trong xu hướng tăng. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất để đảm bảo đạt được kế hoạch kinh doanh hàng năm của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ là làm cách nào để giảm tỷ lệ này xuống.

Ngoài biện pháp thẩm định kỹ các đơn bảo hiểm nhằm giảm tỷ lệ tổn thất đối với nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật (nghiệp vụ thường có tỷ lệ tổn thất mỗi vụ rất cao), đối với những công ty bảo hiểm phi nhân thọ có định hướng phát triển bán lẻ, việc giảm tỷ lệ bồi thường đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe cũng là thách thức lớn.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước cho biết, tỷ lệ bồi thường chung của công ty trong năm 2016 là hơn 40%, tăng khoảng 15% so với năm 2015. Trong đó, tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới năm qua tăng khoảng 55%, cao hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt ở một số dòng xe, tỷ lệ bồi thường năm 2016 tăng đến gần 70%. Đây là tỷ lệ bồi thường khá cao so với mức bồi thường trung bình của nghiệp vụ này.

Đại diện hãng bảo hiểm trên cũng cho biết, đầu năm 2017, công ty đã ghi nhận một vụ tổn thất khá lớn, đang chờ kết luận cuối cùng để tiến hành bồi thường.

Theo đại diện một công ty bảo hiểm có thị phần khoảng 4% trên thị trường, trong kế hoạch năm 2017, việc kiểm soát tỷ lệ bồi thường được coi là nhiệm vụ trọng tâm, bởi năm 2016, tỷ lệ bồi thường của công ty là gần 46%, cao hơn khoảng 10% so với năm 2015. Ngoài những vụ bồi thường phát sinh từ cơn bão số 1 và số 2 tại các tỉnh phía bắc, năm 2016, hãng bảo hiểm này cũng phải chi trả nhiều cho nghiệp vụ bảo hiểm con người và xe cơ giới.

“Để thúc đẩy hoạt động kinh doanh bảo hiểm con người, cách dễ dàng nhất là ký hợp đồng với các môi giới bảo hiểm. Trong khi đó, đặc thù của các đại lý môi giới bảo hiểm là không chọn lọc kỹ rủi ro. Vì vậy, hầu như các đơn bảo hiểm cấp ra đều có bồi thường”, đại diện công ty trên chia sẻ.

Theo ghi nhận tại các doanh nghiệp, trong nghiệp vụ bán lẻ, bảo hiểm cơ giới và bảo hiểm sức khỏe con người là những nghiệp vụ có giá trị và tỷ lệ bồi thường cao nhất. Năm nay, với việc điều chỉnh tăng viện phí và giá một số loại thuốc quan trọng, dự báo tỷ lệ bồi thường đối với nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe sẽ tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh của các công ty bảo hiểm.           

Tin bài liên quan