Việc đưa sản phẩm bảo hiểm mới ra thị trường vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể hơn từ Bộ Tài chính

Việc đưa sản phẩm bảo hiểm mới ra thị trường vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể hơn từ Bộ Tài chính

Thực thi Nghị định 73: Doanh nghiệp bảo hiểm vẫn “hóng” bộ chủ quản

(ĐTCK) Theo quy định mới tại Điểm 3, Điều 41 của Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, Bộ Tài chính sẽ là cơ quan duy nhất tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê chuẩn, đăng ký sản phẩm bảo hiểm.

Theo đó, Bộ Tài chính trao đổi, thống nhất với Bộ Công thương về sản phẩm bảo hiểm phải thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi có văn bản phê chuẩn sản phẩm, Bộ Tài chính có trách nhiệm gửi văn bản phê chuẩn sản phẩm và sản phẩm bảo hiểm đến Bộ Công thương để thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Như vậy, quy định này đã chấm dứt những chuỗi ngày tranh luận giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và Bộ Tài chính về việc doanh nghiệp bảo hiểm khi ra sản phẩm mới phải đồng thời trình báo cả Bộ Tài chính và Bộ Công thương theo quy định tại Quyết định 35/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu  phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, theo điều kiện giao dịch chung.

Theo Quyết định 35, bảo hiểm nhân thọ được bổ sung vào danh mục hàng hóa dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với Bộ Công thương. Để thực hiện quy định mới này, các doanh nghiệp bảo hiểm có thời hạn chuyển tiếp 90 ngày (đến ngày 15/1/2016) để đăng ký toàn bộ các hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung đang thực hiện. Trước đó, các doanh nghiệp bảo hiểm không phải thực hiện quy trình trên, mà chỉ cần Bộ Tài chính thông qua là sản phẩm bảo hiểm có thể được đưa ra thị trường.

Ngay sau khi Quyết định 35 được ban hành, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã có phản hồi tới các cơ quan chức năng và cho rằng, quy định này sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm bảo hiểm mới. Tuy nhiên, vì quy định này liên quan đến Bộ Công thương, nên Bộ Tài chính - cơ quan quản lý các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, cần phải có thêm thời gian họp bàn, trao đổi… Vì vậy, trong khi chờ đợi, từ ngày 15/1/2016, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn phải thực hiện quy trình “2 cửa” theo các quy định trên khi đưa ra sản phẩm bảo hiểm mới.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết, thông thường, cứ 3 tháng hoặc 6 tháng, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ xem xét điều chỉnh hoặc cho ra thị trường một sản phẩm mới. Nhưng kể từ khi thực hiện theo Quyết định 35, việc ra mắt sản phẩm bảo hiểm nhân thọ gần như bị chững lại.

Một phần do các công ty bảo hiểm muốn “nghe ngóng tình hình”, phần khác do phải thông qua nhiều “cửa” kiểm soát, khiến quy trình đưa sản phẩm bảo hiểm mới ra thị trường bị ách tắc. Bởi, như trước đây, khi chỉ qua “1 cửa” là Bộ Tài chính, thời gian chờ đợi tối đa là 21 ngày, nay thêm một cửa nữa thì thời gian chờ đợi tăng lên gấp đôi. Đó là trong trường hợp sản phẩm bảo hiểm không có vấn đề phải điều chỉnh, nếu không, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải mất nhiều thời gian chờ đợi hơn nữa…

Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) cho biết, tính đến ngày 15/4/2016, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã thực hiện đăng ký 314 bộ hồ sơ hợp đồng bảo hiểm theo mẫu (đăng ký lần đầu), tuy nhiên, chỉ có 12/314 bộ hồ sơ được đăng ký (tức tỷ lệ thành công chỉ là 3,82%), điều này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, triển khai sản phẩm mới của doanh nghiệp bảo hiểm, gây tốn kém chi phí nghiên cứu, thiết kế, phát triển sản phẩm bảo hiểm…

Như vậy, có thể thấy, Nghị định 73 quy định Bộ Tài chính sẽ là cơ quan duy nhất tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê chuẩn, đăng ký sản phẩm bảo hiểm chính là “cứu cánh”, kịp thời giải tỏa những lo lắng cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm đang thực hiện việc nộp hồ sơ sản phẩm bảo hiểm mới đến Bộ Tài chính để được phê duyệt, sau đó triển khai bình thường theo quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm.

Việc Bộ Tài chính có trách nhiệm gửi văn bản phê chuẩn sản phẩm và sản phẩm bảo hiểm sang Bộ Công thương để thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu như quy định tại Điều 41, Nghị định 73, thì các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang đợi thông tin và hướng dẫn cụ thể hơn từ  Bộ Tài chính.   

Tin bài liên quan