Nhiều DN bảo hiểm đang đẩy mạnh triển khai bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng

Nhiều DN bảo hiểm đang đẩy mạnh triển khai bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng

Thiếu khung pháp lý bán bảo hiểm phi nhân thọ qua ngân hàng

(ĐTCK) Khung pháp lý cho kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đối với khối bảo hiểm nhân thọ đã có, nhưng đối với khối bảo hiểm phi nhân thọ thì chưa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang triển khai rầm rộ bancassurance và đạt doanh thu phí ấn tượng hơn nhiều.

Hơn 1.300 tỷ đồng doanh thu

Hơn 1.300 tỷ đồng, đó là số liệu doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ năm 2014 qua kênh ngân hàng được ĐTCK tổng hợp sơ bộ tại các DN bảo hiểm phi nhân thọ đang triển khai rầm rộ hoạt động này. Nếu tính trên doanh thu phí của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, ước đạt hơn 25.000 tỷ đồng, thì kênh bancassurance đang tạo ra khoảng 5%.

Tại một số DN chuyên về bancassurance như Bảo Ngân, ABIC do có ngân hàng mẹ đỡ đầu (đông sáng lập của hai DN này lần lượt là Vietcombank và Vietinbank), doanh thu bancassurance chiếm tới hơn 70% doanh thu bán bảo hiểm.

Tính chung trên toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, con số gần 5% doanh thu đến từ kênh bancassurance còn rất khiêm tốn khi so với các kênh truyền thống như đại lý hay so với các nước khác. Tuy nhiên, so với con số chưa đầy 1% của khối bảo hiểm nhân thọ (theo khảo sát của ĐTCK), thì đây là con số đáng ghi nhận.

Tại MIC, với sự hỗ trợ của ngân hàng mẹ là MB, kênh bancassurance đang được DN này khẳng định là khá thành công. Ước tính, doanh thu qua kênh bancassurance năm 2014 của MIC đạt 100 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng doanh thu và tăng gần 200% so với năm ngoái.

Theo ông Lê Hải, Phó tổng giám đốc MB, MB sẽ nghiên cứu phát triển thêm nhiều gói sản phẩm liên kết ngân hàng - bảo hiểm để gia tăng giá trị dịch vụ, tiện ích cho khách hàng. Hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai kênh này ngày càng sâu rộng. Theo nguồn tin của ĐTCK, tiếp nối việc ký thỏa thuận hợp tác với các ngân hàng ACB, Tiền Phong Bank, HDBank trong năm 2014, PJICO đang thương thảo chiến lược hợp tác bancassurance nhằm thúc đẩy kênh bán bảo hiểm này với cổ đông sáng lập là Vietcombank.

Thiếu khung pháp lý, nhiều rủi ro

Diễn biến hiện tại đang cho thấy, cần sớm có khung pháp lý điều chỉnh bancassurance dành cho khối bảo hiểm phi nhân thọ để tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh, ổn định của hoạt động này, cũng như giúp cơ quan quản lý thực hiện giám sát tốt hơn.

Trao đổi với ĐTCK, một số DN đang triển khai kênh bancassurance chia sẻ, hiện tại mới chỉ có khung pháp lý về bancassurance cho mảng bảo hiểm nhân thọ. Để phát triển kênh bancassurance nói chung, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động liên quan đến kênh này, cần sớm có hàng lang pháp lý cho bancassurance trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.

Thực tế, đang có tình trạng “chạy đua” doanh số, dẫn đến những hệ lụy có thể phát sinh.

Theo tổng giám đốc một DN bảo hiểm, với kênh bancassurance, các DN bảo hiểm đang hợp tác với nhiều ngân hàng và ngược lại, ngân hàng hợp tác với rất nhiều DN bảo hiểm, thậm chí không cần ký kết hợp tác bằng văn bản, dễ dẫn đến những mâu thuẫn về lợi ích, ảnh hưởng đến hình ảnh của cả hai. Trong khi đó, ở khối bảo hiểm nhân thọ, Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 2/7/2014 hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho DN bảo hiểm nhân thọ quy định, ngân hàng không được đồng thời làm đại lý cho DN khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của DN bảo hiểm mà mình đang làm đại lý.

Cũng vì chưa có quy định pháp lý nên tại hợp đồng đại lý phân phối bancassurance được thỏa thuận giữa hai bên (ngân hàng và DN bảo hiểm phi nhân thọ), quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan thường không được quy định rõ ràng, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bên mua bảo hiểm.

“Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, hai bên là ngân hàng và DN bảo hiểm đùn đẩy trách nhiệm, nghĩa vụ, trong khi cơ quan quản lý, ở đây là Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm và Ngân hàng Nhà nước, cũng như tòa án không có đầy đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu thực thi pháp luật thì khi đó ai sẽ chịu trách nhiệm?”, trưởng phòng pháp chế một DN bảo hiểm nói.

Được biết, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã có kiến nghị lên Bộ Tài chính về việc phải sớm có hành lý pháp lý về bancassurance cho khối bảo hiểm phi nhân thọ.

Tin bài liên quan