Cư dân các khu bình dân hiện khá lo lắng về nguy cơ cháy nổ

Cư dân các khu bình dân hiện khá lo lắng về nguy cơ cháy nổ

Thiếu dự phòng rủi ro chung cư: báo động đỏ

(ĐTCK) Từ vụ cháy chung cư Xa La (Hà Đông, Hà Nội) hôm 11/10 khiến hàng trăm ô tô, xe máy bị thiêu rụi, các sai phạm về phòng cháy đã được hé lộ. Tuy nhiên, điều quan trọng là những ẩn họa như vậy dường như vẫn đang hiện hữu, nhất là tại các tòa chung cư bình dân, nơi các chủ đầu tư tối thiểu hóa các chi phí bỏ ra và câu chuyện bảo hiểm cháy nổ cho các khu chung cư vẫn rất xa vời.

Sẽ tiếp tục cháy nếu thiếu dự phòng rủi ro

Mấy ngày nay, trên các trang mạng xã hội tràn ngập những nỗi lo lắng “bà hỏa viếng thăm”, đặc biệt là tại một vài khu chung cư có chung chủ đầu tư với chung cư Xa La Hà Đông như chung cư Xa La, Linh Đàm, Đại Thanh…

Những người “vui tính” còn làm thơ than vãn, kiểu như:

“Tâm thư này em xin gửi tới ai; Người đang giữ trong tay ngàn sinh mạng; Mới vài tháng đã mấy lần hỏa hoạn; Khiến cư dân không một giấc ngủ yên…” hay “Lục lọi ngay hộp cứu hỏa không đồ; Thử hỏi ‘ai’ lỡ có cháy một ngày; Dân cư biết lấy đồ đâu dập hỏa; Có biết chăng cư dân ngồi khấn lạy; Bà hỏa ơi xin bà hãy tha con”...

“Đúng là đã nghèo (ở nhà thu nhập thấp) lại còn khổ đủ đường. Dù chưa thiệt hại về người nhưng do thiếu các công cụ hỗ trợ về an toàn phòng cháy chữa cháy, chúng tôi chả khác nào con chuột trong lồng chỉ biết chạy vòng quanh”, chị Mỹ Hạnh, một cư dân CT4A Xa La thất vọng kể và kêu gọi cơ quan phòng cháy công khai cho cư dân được biết danh sách các chung cư không đạt chuẩn về an toàn cháy nổ chứ không để chỉ hai bên (Ban quản lý tòa nhà và cơ quan phòng cháy) biết với nhau như hiện nay.

Chưa có số liệu chính thức về thiệt hại cuối cùng cũng như nguyên nhân cháy nhưng số xe bị thiêu rụi tại Khu đô thị Xa La Hà Đông được kiểm đếm ban đầu cũng đã lên khoảng hàng trăm xe, chủ yếu là xe máy, trong đó, xe tay ga chiếm một lượng không nhỏ.

Nếu tạm tính giá trị bình quân 20 triệu đồng/xe thì mức thiệt hại đã lên tới hàng tỷ đồng, chưa tính các thiệt hại liên quan đến tinh thần và vật chất khác do nhiều cư dân bị ngạt khói buộc đi cấp cứu, phải đi tá túc ở ngoài do vụ cháy gây ra.

Trong khi đó, theo Cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, Tòa nhà lại thiếu các công cụ cần thiết để đảm bảo an toàn cháy nổ như chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, chưa có giải pháp thoát nạn theo cầu thang bộ xuống tầng hầm; không có hệ thống hút khói tòa nhà…

Cũng theo cơ quan này, không chỉ với các khu chung cư thu nhập thấp, xét chung tại Hà Nội, có 60/779 công trình đã đi vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, 121 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (tính đến hết quý II/2015).

Chưa kể, nạn báo cháy giả tại các chung cư do thiết bị báo cháy thiếu chính xác đã trở thành hiện tượng như cơm bữa, kể cả với khu cao cấp và sẽ rất nguy hại nếu một lúc nào đó chuông báo cháy thật vang lên mà người dân vẫn chủ quan cho rằng… do thiết bị báo cháy có vấn đề. Cách đây 1 tuần, tại tòa nhà của một khu chung cư cao cấp ở Nguyễn Trãi cũng từng xảy ra sự vụ này và đang được giải thích theo nhiều cách khác nhau là do lỗi hệ thống, test thử… 

Vẫn vắng bóng nhà bảo hiểm rủi ro sau sự cố

Với các căn hộ chung cư, nếu như giấy chứng nhận về phòng cháy chữa cháy được xem như lá bùa bảo vệ chủ đầu tư trước khi sự cố cháy xảy ra thì giấy chứng nhận bảo hiểm chung cư (được cung cấp bởi 27/29 DN bảo hiểm phi nhân thọ) được xem như tấm lá chắn cuối cùng bảo vệ người dân sau sự cố gây thiệt hại về người và tài sản. Nhưng tại Hà Nội, số chung cư mua bảo hiểm hiện mới trên đầu ngón tay, trong đó hầu như chỉ các khu cao cấp như Royal City, Time City, Keangnam… là có tham gia bảo hiểm cháy nổ.

Mặc dù có hàng trăm xe máy bị thiêu rụi nhưng trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, chưa có một DN bảo hiểm phi nhân thọ nào công nhận là đang cung cấp sản phẩm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho các tòa nhà bị cháy trên. Trong khi đó, phần lớn xe máy tại Việt Nam cũng chưa được mua bảo hiểm cháy nổ. Và như vậy, nếu sự cố cháy nổ trên được quy về nguyên nhân khách quan thì thiệt hại phần nhiều sẽ nghiêng về các chủ sở hữu.

“Khi đã thoát thân, không ít cư dân xót của định xông xuống hầm để còn cứu lấy cái xe vì chợt nhận ra xe mình chưa được mua bảo hiểm, lại không chắc sau này có được chủ đầu tư bồi thường thiệt hại hay không. Với những người có thu nhập thấp như chúng tôi thì xe máy là một tài sản lớn.”, anh Lê Huy T., một cư dân tòa CT4A bùi ngùi kể với phóng viên.           

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan