Thị trường Lào, miếng bánh hấp dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

Thị trường Lào, miếng bánh hấp dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

(ĐTCK) Để mở rộng thị trường, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động khai thác tại thị trường các nước lân cận. BIC đã có các liên doanh tại Lào và Campuchia từ nhiều năm nay, PTI đã triển khai hoạt động tại Lào và sắp tới đây sẽ là bảo hiểm BSH.Triển vọng lợi nhuận ngày càng lớn tại Lào đang là một miếng bánh hấp dẫn các nhà bảo hiểm trong nước, thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang hoạt động ngày một hiệu quả tại thị trường này.

Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) cho biết, hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Lào đang đạt kết quả rất khả quan, Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt (LVI) hiện đã có thị phần lớn thứ 2 tại Lào và cũng là thương hiệu bảo hiểm được người dân Lào yêu thích.

Năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của LVI đạt 11,5 triệu USD, tăng 28% so với năm 2013, tương đương với nhiều công ty bảo hiểm tại Việt Nam. Lợi nhuận trước thuế đạt 1,36 triệu USD, tăng trưởng 82% so với năm 2013, trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 683.941 USD, một con số ấn tượng nếu so sánh với mặt bằng lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm chung tại Việt Nam.

Đối với BIC, chỉ riêng LVI đã đóng góp gần 25% doanh thu phí bảo hiểm gốc và lợi nhuận. Với tốc độ tăng trưởng ngày càng lớn, tỷ trọng này còn tăng lên trong các năm tới, khẳng định hiệu quả hoạt động đầu tư kinh doanh tại Lào.

Được biết, LVI là một Liên doanh của BIC được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu 3 triệu USD.

Năm 2014, BIC đã mua lại phần vốn góp của Ngân hàng Liên doanh Lào Việt trong LVI để tăng tỷ lệ sở hữu lên 65%. Sau 7 năm hoạt động, LVI đã vươn lên mạnh mẽ, từ vị thế là “kẻ mang chuông đi đánh xứ người” khi là doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đầu tiên ở hải ngoại đã trở thành 1 trong 2 công ty bảo hiểm lớn nhất tại Lào về thị phần và lợi nhuận.

Trong giai đoạn từ 2012 – 2014, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của LVI đều tăng trưởng ấn tượng: doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng trưởng trung bình 38%/năm, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng trung bình 71%/năm. Đặc biệt, lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm của LVI luôn lớn hơn lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính, điều mà không có doanh nghiệp bảo hiểm nào ở Việt Nam có được. Chỉ tiêu ROE năm 2014 của LVI đạt 23,76%, là một bằng chứng rõ ràng về hiệu quả hoạt động. LVI cũng đã được Nhà nước và Chính phủ Lào tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, ghi nhận các đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước bạn.

Lý giải cho thành công tại thị trường Lào, ông Phạm Đức Hậu, tân Phó Tổng Giám đốc BIC, kiêm Tổng Giám đốc LVI cho biết, tại Lào, mức chi tiêu cho bảo hiểm còn thấp so với Việt Nam. Tuy là thị trường không lớn nhưng đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh: năm 2007, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường Lào chỉ có21 triệu USD, năm 2013 đã tăng lên 80 triệu USD, năm 2015 dự kiến đạt 135 triệu USD. Người dân ngày càng quan tâm tới bảo hiểm cũng như đặc thù rủi ro tại Lào đang có thuận lợi lớn cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

“Ngoài lợi thế về địa lý, tương đồng văn hóa, quan hệ hữu nghịtốt đẹp Việt – Lào, việc BIDV đã thành lập Liên doanh Ngân hàng tại Lào từ năm 1999, là Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam vào Lào là những thuận lợi khác biệt để tạo sức cạnh tranh cho LVI. Đối với LVI, 7 năm hoạt động là một trải nghiệm quan trọng để chúng tôi sẽ tiếp tục chinh phục thị trường Lào, hướng tới trở thành doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu và được yêu thích nhất tại Lào”, ông Hậu cho biết.

Về kế hoạch năm 2015, Tổng Giám đốc LVI chia sẻ, còn nhiều việc đang chờ LVI phía trước để thực hiện mục tiêu tham vọng trên. Về mặt kinh doanh, LVI sẽ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh chính: tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt tối thiểu 14,5 triệu USD, thu hẹp dần khoảng cách với doanh nghiệp đứng đầu, lợi nhuận trước thuế đạt tối thiểu 1,6 triệu USD.

Để tiếp tục mở rộng hoạt động, LVI cũng sẽ kiện toàn bộ máy kinh doanh thông qua việc thành lập các chi nhánh tại vùng trọng điểm. Trong năm 2015, thành lập ít nhất một chi nhánh tại Pakse, thành lập thêm Phòng Bảo hiểm trực tuyến, Trung tâm Dịch vụ khách hàng, bổ sung thêm một Phó Tổng Giám đốc, tăng vốn điều lệ lên 5 triệu USD ngay trong quý 2/2015, phát hành thêm cổ phần cho cổ đông mới là Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam vào Lào (AVIL) để có cơ hội tiếp cận, bảo hiểm cho toàn bộ các dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Lào.

Tin bài liên quan