Theo quy định hiện hành, một doanh nghiệp bảo hiểm được phép chủ động đưa tư vấn viên, đại lý bảo hiểm vi phạm của mình vào “danh sách đen”, điều này ảnh hưởng thế nào đến các tư vấn viên này? Trong trường hợp đưa sai thì hệ lụy ra sao, thưa ông?
Một tư vấn viên nếu bị đưa vào danh sách vi phạm, theo quy định, sẽ bị cấm hành nghề tư vấn bảo hiểm trong 3 năm.
Về nguyên tắc, doanh nghiệp bảo hiểm có thể trực tiếp đưa tên các tư vấn viên vi phạm vào danh sách khi phát hiện họ đang còn làm việc tại doanh nghiệp. Nếu những tư vấn viên đó đã rời đi trước khi bị phát hiện, thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ kiến nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) để đưa vào.
Nếu danh sách vi phạm không “đúng người, đúng tội” sẽ bị “biến tướng”, từ chỗ là công cụ chuyên làm sạch đội ngũ đại lý, sẽ trở thành công cụ thể hiện quyền lực để giữ người.
Thay vì doanh nghiệp bảo hiểm phải có chính sách phù hợp để giữ nhân sự, thì lại lạm dụng “danh sách đen” để ngăn quyền lao động, quyền kiếm sống của các tư vấn viên, đại lý bảo hiểm. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, làm méo mó sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp cùng ngành.
Ông Nguyễn Khắc Thành Đạt
Cá nhân tôi không phản đối việc doanh nghiệp bảo hiểm đưa tư vấn viên, đại lý bảo hiểm vi phạm vào danh sách đen, nhưng nếu lạm dụng sẽ không chỉ gây mất công bằng, ảnh hưởng đến tâm lý và sự nghiệp của tư vấn viên, đại lý bảo hiểm, mà còn tác động tiêu cực tới chính doanh nghiệp bảo hiểm, cũng như toàn ngành bảo hiểm.
Bảo hiểm vốn là ngành nghề mang tính nhân văn, vì con người, cho con người. Nếu doanh nghiệp bảo hiểm ứng xử “thiếu nhân văn" thì sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc, giá trị cốt lõi nhất này.
Mới đây, một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn đã đưa rất nhiều tư vấn viên, đại lý bảo hiểm của mình vào danh sách vi phạm, khiến số trường hợp vi phạm của doanh nghiệp này chiếm phần lớn trong danh sách vi phạm của lĩnh vực nhân thọ. Từng là lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm thuộc top đầu thị trường, ông đánh giá thế nào về trường hợp của doanh nghiệp bảo hiểm này?
Việc một doanh nghiệp bảo hiểm đưa tư vấn bảo hiểm của họ vào danh sách đại lý vi phạm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu quá nhiều tư vấn viên của một doanh nghiệp bảo hiểm bị đưa vào “danh sách đen” thì là bất bình thường.
Theo tôi, có thể doanh nghiệp bảo hiểm này làm vậy để ngăn ngừa khả năng tư vấn viên của họ sang làm tại doanh nghiệp bảo hiểm khác. Tôi nhớ mấy năm trước, có doanh nghiệp bảo hiểm từng lôi kéo hàng trăm tư vấn viên của doanh nghiệp bảo hiểm khác về làm cho mình. Đây cũng là một trong những bất cập của ngành bảo hiểm Việt Nam.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của cá nhân, cũng như ghi nhận được từ các đại lý bảo hiểm có tên trong danh sách vi phạm, một số trường hợp vì nguyên nhân khách quan mà bị cho là vi phạm.
Chẳng hạn, một anh là quản lý giỏi ở miền Bắc, có bạn thân làm tổng đại lý của một doanh nghiệp bảo hiểm khác. Anh này sang hỗ trợ bạn làm hội nghị và hai người có chụp ảnh chung. Do đó, anh này bị cho là “làm hai mang” nên bị cắt hợp đồng và đưa vào “danh sách đen”...
Theo ông, trong trường hợp bị đưa tên sai, các tư vấn viên, đại lý bảo hiểm cần phải làm gì và doanh nghiệp bảo hiểm bị xử lý ra sao?
Trong trường hợp này, các tư vấn viên, đại lý bảo hiểm có thể khiếu nại lên IAV. Sau khi xem xét nội dung khiếu nại là có cơ sở, IAV sẽ rút tên vi phạm ra khỏi danh sách. Nhưng vì doanh nghiệp bảo hiểm còn phải giải trình, nên việc xem xét thường bị kéo dài.
Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có chế tài xử lý đối với việc doanh nghiệp bảo hiểm lạm dụng “danh sách đen”, gây tổn hại cho các tư vấn viên, đại lý bảo hiểm.
Qua đây, tôi mong rằng, các cơ quan quản lý cần chặt chẽ hơn trong việc quản lý danh sách này.