Thêm điều kiện ràng buộc: Khách hàng phản đối UIC

Thêm điều kiện ràng buộc: Khách hàng phản đối UIC

(ĐTCK) Khách hàng Vũ Thị Hà cho rằng, việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm Liên Hiệp (UIC) từ chối bồi thường bảo hiểm cho con bà là không hợp lý.

Như Đầu tư Chứng khoán đã phản ánh trong bài viết “Doanh nghiệp bảo hiểm thêm điều kiện ràng buộc trái luật” tại số báo ra ngày 30/5/2018, việc các công ty bảo hiểm tự ý bổ sung điều khoản ràng buộc về thời hạn nộp hồ sơ vào hợp đồng bảo hiểm sức khỏe con người là trái với các quy định pháp luật, đồng thời gây ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người tham gia bảo hiểm.

Mới đây, Đầu tư Chứng khoán đã nhận được phản ánh của bà Vũ Thị Hà, thông qua đại diện được ủy quyền là Công ty Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm TILA với nội dung cho rằng, việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm Liên Hiệp (UIC) từ chối bồi thường bảo hiểm cho con bà là không hợp lý.

Lập luận của người mua bảo hiểm

Bà Hà là người được bảo hiểm của Hợp đồng bảo hiểm số FSI177121HRD ký giữa bà với UIC. Qua nghiên cứu các hồ sơ bệnh án mà con bà Hà đã điều trị và hồ sơ giao dịch bảo hiểm, người đại diện của bà cho rằng, bà Hà có quyền lợi hợp pháp phải được UIC chi trả, phù hợp với hợp đồng đã ký và quy định pháp luật.

“Việc từ chối bảo hiểm của nhà bảo hiểm là không đúng, bởi 2 chứng cứ và bằng chứng pháp lý sau. Thứ nhất, việc UIC viện dẫn quy định “Thời hạn nộp hồ sơ của bà Hà trong vòng 60 ngày theo thời hiệu nộp hồ sơ trong Quy tắc bảo hiểm” để từ chối bồi thường là không hợp lý.

Thứ hai, điều khoản giao kết bảo hiểm về thời hạn nộp hồ sơ 60 ngày là điều khoản trái quy định pháp luật - Luật Kinh doanh bảo hiểm”, ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc TILA cho biết.

Cụ thể, theo phân tích của ông Nguyên, quy tắc bảo hiểm quy định: "Khi yêu cầu UIC trả tiền bảo hiểm, người được bảo hiểm và/hoặc người thừa kế hợp pháp phải gửi các chứng từ cho UIC trong vòng 60 ngày (quá thời hạn trên sẽ bị từ chối một phần hoặc toàn bộ số tiền bảo hiểm trừ trường hợp bất khả kháng) kể từ ngày điều trị cuối cùng hoặc tử vong".

Tuy nhiên, ngày xuất viện là ngày 2/1/2018, và ngày xuất viện này cũng không phải là ngày điều trị cuối cùng. Hồ sơ bệnh án cho thấy, bác sỹ đã kê toa cho cháu về nhà uống thuốc và hẹn ngày tái khám. Ngoài ra, cũng theo hồ sơ bệnh án, ngày 11/1/2018, bà Hà đã đưa cháu quay lại bệnh viện tái khám và tiếp tục uống thuốc. Như vậy, ngày điều trị cuối cùng là ngày 11/1/2018.

“Do đó, ngày nộp hồ sơ là ngày 9/3/2018 vẫn trong thời hạn 60 ngày nộp hồ sơ mà UIC đã ký hợp đồng với bà Hà. Xin lưu ý tháng 2/2018 chỉ có 28 ngày”, ông Nguyên nói.

Về luận điểm thứ hai, ông Nguyên cũng khẳng định điều khoản có trong quy tắc bảo hiểm về thời hạn nộp hồ sơ 60 ngày là điều khoản trái Luật Kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, Điều 28 của luật này ấn định rõ thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm là một năm, kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường. Còn căn cứ vào Điều 39 Luật Kinh doanh bảo hiểm, thời gian nộp hồ sơ chậm không thể là lý do để nhà bảo hiểm từ chối giải quyết bồi thường một phần hay toàn bộ số tiền bảo hiểm.

“Từ các dẫn chứng, chứng cứ nêu trên, chúng tôi đề nghị UIC thanh toán bảo hiểm cho gia đình bà Vũ Thị Hà và có thể sẽ báo cáo các vi phạm nói trên cho Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm -  Bộ Tài Chính”, đại diện khách hàng cho biết.

Phản hồi từ UIC

Liên hệ với đại diện UIC là bà Đào Thị Minh Phương, Giám đốc Ban pháp lý UIC thì được biết, hiện Công ty đang chờ bản chính của hồ sơ bồi thường do người đại diện của người được bảo hiểm gửi đến để rà soát lại các thông tin có liên quan.

“Các phòng ban liên quan của UIC sẽ nghiên cứu, xem xét lại toàn bộ hồ sơ này để trình Ban lãnh đạo Công ty quyết định. Chúng tôi sẽ trả lời cụ thể về các vấn đề này vào một thời điểm phù hợp hơn”, bà Phương nói.

Trong khi đó, theo nội dung mới nhất trả lời khách hàng, phía UIC cho biết, Ban lãnh đạo Công ty đã thành lập Ban rà soát hồ sơ bồi thường của trường hợp này và đang xem xét hồ sơ nhận được. Quan điểm của Công ty là không “cắt xén” hồ sơ để cố tình từ chối bồi thường. 

Theo tóm tắt của Phòng Bồi thường và Phòng Pháp lý UIC, diễn tiến vụ việc đòi bồi thường như sau: 

Từ ngày 15/12/2017 - 2/1/2018, khách hàng điều trị nội trú, ra viện ngày 2/1/2018, không có chỉ định khám lại (trong sổ khám chỉ có 1 đợt điều trị ngày 2/1/2018)

Ngày 11/1/2018: Khách hàng khám viêm phế quản phổi phải, không có đơn thuốc, không có chi phí phát sinh. Do lần khám này không theo chỉ định nào nên được coi là một lần khám mới. Nhưng lần khám này cũng không có chi phí phát sinh nên không có khoản bồi thường. 

Ngày 9/3/2018: Khách hàng nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường.

Như vậy, ngày ra viện trên giấy ra viện của khách hàng là ngày 2/1/2018, hồ sơ nội trú này khách hàng phải nộp trong vòng 60 ngày, tức ngày 3/3/2018 là hạn cuối để gửi hồ sơ.

Tin bài liên quan