Great Eastern Việt Nam sẽ chính thức thuộc về Tập đoàn FWD sau ngày 21/6 tới

Great Eastern Việt Nam sẽ chính thức thuộc về Tập đoàn FWD sau ngày 21/6 tới

Tác giả thương vụ FWD mua Great Eastern Việt Nam lên tiếng

(ĐTCK) Cuối cùng, thương vụ Tập đoàn FWD (FWD), doanh nghiệp bảo hiểm thuộc Tập đoàn Pacific Century có trụ sở tại châu Á, mua lại Great Eastern Việt Nam đã chính thức được công bố.

Trên thực tế, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã “râm ran” về thương vụ này từ hơn 1 năm nay.

Việc FWD tham gia vào thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam được “dân trong nghề” chú ý nhiều hơn các thương hiệu khác bởi đứng đằng sau thương vụ này là những tên tuổi rất quen thuộc.

Ông Huỳnh Thanh Phong, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn FWD là một nhân vật được đánh giá rất am tường thị trường bảo hiểm Việt Nam. Ông từng gặt hái nhiều thành công trên cương vị lãnh đạo cấp cao nhất tại một công ty bảo hiểm hàng đầu thị trường bảo hiểm Việt.

Còn nhớ, vào cuối năm 2010, thị trường đã tranh luận khá sôi nổi khi ông quay trở lại Việt Nam với vai trò khác: lãnh đạo khu vực kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên của một công ty bảo hiểm thuộc Top 4 cũng trong khối nhân thọ. Chính vì vậy, sự trở lại lần này của ông Huỳnh Thanh Phong trong nhiệm vụ mới, với một thương hiệu bảo hiểm mới, có thể tạo nên “sức nóng” nhất định cho thị trường.

Thông cáo được phát đi từ Tập đoàn FWD cho biết, FWD sẽ toàn quyền sở hữu Great Eastern Việt Nam và thương hiệu Great Eastern Việt Nam sẽ được thay đổi. Được biết, giá trị chuyển nhượng quyền sở hữu kinh doanh tại Viêt Nam cho FWD là 48,2 triệu đô la Singapore. Thương vụ này dự kiến hoàn tất vào ngày 21/6 tới (theo Tập đoàn Great Eastern), mọi hoạt động của Great Eastern Việt Nam vẫn sẽ tiếp diễn bình thường đến khi FWD chính thức công bố tên mới cho công ty này.

Theo đó, FWD vẫn duy trì và phát triển đội ngũ nhân sự hiện tại của Great Eastern Việt Nam. Quyền lợi và các khoản đền bù trong hợp đồng bảo hiểm của các đối tác đã ký kết với Great Eastern Việt Nam cũng được FWD tuân thủ và không bị ảnh hưởng do việc chuyển đổi quyền sở hữu này. Trụ sở chính của Great Eastern Việt Nam vẫn đặt tại TP. HCM  và chi nhánh vẫn hoạt động tại Hà Nội.

“Bước tiến vào thị trường Việt Nam sẽ là cột mốc hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển đầy tham vọng của FWD tại thị trường Đông Nam Á” , ông Huỳnh Thanh Phong nhìn nhận và cho biết, để hiện thực hóa những bước tiến này, FWD đã lên kế hoạch đầu tư đáng kể trong việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cải thiện những trải nghiệm và hình thức giao dịch giữa khách hàng với Công ty…

Đầu tư cho công nghệ thông tin trong kỷ nguyên kỹ thuật số là một trong những hướng đi trọng tâm của hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm tại thị trường Đông Nam Á.

Kinh tế Việt Nam đã và đang trải qua quá trình chuyển đổi tích cực, song trên thực tế, tỷ lệ tham gia bảo hiểm tại Việt Nam còn khá thấp (chỉ khoảng 6% trong tổng số hơn 90 triệu dân Việt Nam có tham gia bảo hiểm nhân thọ). Hai yếu tố đó không chỉ giúp cho Tập đoàn FWD nhìn thấy cơ hội to lớn tại thị trường này, mà các tập đoàn tài chính-bảo hiểm khác cũng đánh giá rất cao tiềm năng phát triển bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng ở Việt Nam.

Thực tế cho thấy, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong suốt những năm qua luôn đạt được mức tăng trưởng rất tốt (ngay cả trong thời điểm kinh tế khó khăn, ngành này vẫn đạt  mức tăng trưởng 20%). Năm 2015, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm mới của ngành bảo hiểm nhân thọ đạt xấp xỉ 40% so với năm 2014.

Tất nhiên, giữa việc nhìn thấy tiềm năng và khai thác làm sao để biến tiềm năng thành hiện thực là vấn đề không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh dư cung như hiện nay. Đây cũng là trăn trở và thách thức của các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.

Thêm một nhân tố mới thì sự cạnh tranh trên thị trường ắt hẳn sẽ thêm phần khốc liệt. Vẫn biết cạnh tranh luôn là động lực cho sự phát triển, nhưng điều mà thị trường bảo hiểm nói chung hay các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nói riêng cần, đó là sự cạnh tranh lành mạnh để phát triển bền vững. Bởi trong cuộc đua về doanh thu, thị phần hay để “câu kéo” nhân sự, đại lý…, đã có không ít các “chiêu trò” được áp dụng, khiến tất cả đều tỏ ra ngán ngại và mệt mỏi.              

Diễn đàn M&A Việt Nam - sự kiện thường niên lớn nhất Việt Nam về mua bán, sáp nhập và đầu tư chiến lược do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức từ năm 2009 đến nay.

Với chủ đề “Cơ hội trong không gian kinh tế mở”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 sẽ được tổ chức vào ngày 18/8/2016 tại TP. HCM, bao gồm các hoạt động hội thảo, phổ biến kiến thức và kết nối đầu tư. Dự kiến sẽ có khoảng 500 lãnh đạo doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự sự kiện.

Tin bài liên quan