Siết chặt hơn quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Siết chặt hơn quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm

(ĐTCK) Mức xử phạt nặng hơn, quy định rõ hơn về các loại hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm là cảm nhận chung của nhiều thành viên thị trường về bản Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh sổ xố đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi.

Siết chặt hơn quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm ảnh 1Với dự thảo Nghị định mới, đại lý bảo hiểm có trách nhiệm lớn hơn

 

Mức phạt cao nhất tới 200 triệu đồng

Với 4 chương, 58 điều, bản dự thảo dành tới 31 điều (từ Điều 7 đến Điều 37) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm. Theo đó, số lượng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm được quy định tại bản dự thảo tăng lên so văn bản hiện hành (Nghị định 41/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và Thông tư 03/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 41/2009) và mức phạt tiền cũng được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Cụ thể, mức phạt với những hành vi vi phạm theo quy định hiện hành 30 triệu đồng nay được nâng lên trong bản dự thảo Nghị định là 60 triệu đồng; các hành vi đang bị xử phạt mức 50 triệu đồng nay được nâng lên thành 100 triệu đồng; mức xử phạt tối đa từ 70 triệu đồng sẽ được nâng lên mức 200 triệu đồng.

Chia sẻ với ĐTCK, một số DN bảo hiểm cho rằng, bản Dự thảo đã có quy định cụ thể hơn về các loại hành vi vi phạm cũng như đưa ra các chế tài xử phạt nặng hơn, nhằm đưa hoạt động kinh doanh bảo hiểm vào nền nếp. Tuy nhiên, không ít ý kiến quan ngại rằng, những quy định quá chặt chẽ có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các DN trong ngành.

Đại diện một DN bảo hiểm phân tích, Thông tư 124/2012/TT-BTC quy định, DN bảo hiểm chỉ có thể được phép mở thêm chi nhánh/văn phòng đại diện cũng như mở rộng nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động khi: “không bị xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng từ 200 triệu đồng trở lên về những vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị”. Trong khi đó, bản dự thảo  với mức xử phạt vi phạm phổ biến là 60 triệu đồng, 100 triệu đồng và 200 triệu đồng, thì xác suất bị xử phạt ở mức 200 triệu đồng cũng sẽ gia tăng.

“Do đó, khả năng DN bảo hiểm bị hạn chế mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh là rất lớn”, vị này nói.

 

Quy định chặt hơn trách nhiệm của đại lý bảo hiểm

Theo Nghị định 41/2009, đại lý bảo hiểm sẽ bị xử phạt nếu vi phạm một trong những hành vi vi phạm sau đây: đồng thời làm đại lý cho DN bảo hiểm khác nhưng chưa được sự đồng ý bằng văn bản của DN bảo hiểm mà mình đang làm đại lý; thông tin, quảng cáo sai sự thật làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm; ngăn cản bên mua bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm; tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa khách hàng của DN bảo hiểm khác; hứa hẹn giảm phí bảo hiểm, hoàn phí bảo hiểm hoặc các quyền lợi khác mà DN bảo hiểm không cam kết với khách hàng; xúi giục bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hiện có để mua hợp đồng bảo hiểm mới.

Bản dự thảo Nghị định lần này đã bổ sung một loạt các chế tài xử phạt với đại lý bảo hiểm vi phạm các quy định như hoạt động đại lý bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật; hoạt động đại lý bảo hiểm cho DN khi chưa ký hợp đồng đại lý bảo hiểm với DN hoặc khi hợp đồng đại lý bảo hiểm đã hết hiệu lực; không tuân thủ cán bộ đào tạo, cơ sở vật chất để đảm bảo cho việc đào tạo theo quy định… Mức phạt đối với các cá nhân trong cùng một vi phạm tương đương 50% mức phạt với DN bảo hiểm. Dự thảo cũng bổ sung hình phạt: “Tước quyền sử dụng chứng chỉ đại lý bảo hiểm của cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm 12 tháng, đình chỉ hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm 12 tháng đối với các vi phạm của đại lý; huỷ kết quả đào tạo, tịch thu chứng chỉ đại lý bảo hiểm đã cấp đối với vi phạm của cơ sở đào tạo đại lý; đình chỉ hoạt động đào tạo đại lý của cơ sở đào tạo đại lý 3 tháng đối với vi phạm quy định của cơ sở đào tạo đại lý.”

Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều DN trong ngành băn khoăn là “khoảng trống” pháp lý trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm hiện hành - chưa phân định rõ ràng được trách nhiệm của từng đối tượng (DN bảo hiểm, đại lý bảo hiểm) trong mỗi trường hợp vi phạm - vẫn chưa được giải quyết trong bản dự thảo lần này.