Đa số ý kiến nhất trí với việc hình sự hóa hành vi trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm

Đa số ý kiến nhất trí với việc hình sự hóa hành vi trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm

Sẽ luật hóa tội danh trục lợi bảo hiểm

(ĐTCK) Tiếp thu những đề xuất khá cấp thiết từ Bộ Tài chính, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cùng cộng đồng DNBH, cuối cùng thì Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi cũng đã bổ sung hành vi trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm như một tội danh có thể phạt tiền, thậm chí phạt tù.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền cho biết, cùng với Bộ luật dân sự sửa đổi đang lấy ý kiến rộng rãi, thì các nội dung mới trên nếu được thông qua sẽ là những quy định cần thiết tạo cơ sở pháp lý, và là công cụ hữu hiệu nhằm phát triển thị trường bảo hiểm.

Cụ thể, Điều 223 của Dự thảo nêu rõ, người nào thực hiện một trong các hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm có giá trị từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng (như làm sai lệch thông tin khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng bảo hiểm; lập hồ sơ giả, hiện trường giả hoặc thay đổi tình tiết về tổn thất, sự kiện bảo hiểm) thì bị phạt tiền từ 3 - 5 lần số tiền đã chiếm đoạt hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Ngoài ra, phạt tiền từ 3 - 5 lần số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt hoặc bị phạt tù từ 1- 5 năm đối với các trường hợp sau: phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn, dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; trục lợi số tiền bảo hiểm có giá trị từ 100 triệu đồng- 500 triệu đồng.

Thậm chí, phạt tù từ 5- 10 năm đối với trục lợi số tiền bảo hiểm có giá trị trên 500 triệu đồng và tái phạm nguy hiểm.

Cũng theo Dự thảo, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm truy cứu hình sự nếu: phạm tội lần đầu và tự thú; trước khi xét xử đã nộp hoàn toàn số tiền bảo hiểm đã chiếm đoạt; tích cực khắc phục 1 phần hoặc toàn bộ thiệt hại xảy ra.

Tại Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này, ngoài hành vi trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm thì Dự thảo còn hình sự hóa hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tham gia bảo hiểm, bên cạnh việc hình sự hóa hành vi gian lận bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, theo Ban soạn thảo, đa số ý kiến đều nhất trí với việc hình sự hóa hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tham gia bảo hiểm. Còn với việc hình sự hóa hành vi gian lận bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và hành vi trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm thì vấp phải hai loại phản ứng trái chiều.

Ý kiến không ủng hộ thì cho rằng, đối với hành vi gian lận bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và hành vi trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm, hội có thể vận dụng một số tội danh đã được quy định trong BLHS để xử lý. Chẳng hạn như: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140); tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 266); tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức (Điều 267); tội tham ô tài sản (Điều 278). Do vậy, việc hình sự hóa hai loại hành vi này là không cần thiết.

Quan điểm ủng hộ thì cho rằng, mặc dù có thể vận dụng một số quy định của BLHS để xử lý đối với hành vi gian lận bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và hành vi trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm nhưng đây là lĩnh vực có những đặc thù nhất định, với nhiều dạng vi phạm khác nhau, xảy ra tương đối phổ biến. Chưa kể, thiệt hại gây ra cho người tham gia bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế) và thiệt hại về tài sản của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm là tương đối lớn.

Thêm vào đó, việc áp dụng chung chính sách xử lý hành vi gian lận bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và hành vi trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm với những hành vi khác (lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản...) là không phù hợp với bản chất cũng như tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Do vậy, việc bổ sung các tội danh về hai loại hành vi vi phạm này là cần thiết.

Còn về phía Ban soạn thảo thì đồng quan điểm ủng hộ, nhưng cũng cho rằng, do đây là một nội dung quan trọng hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ tại Việt Nam nên cần thận trọng trong việc bổ sung quy định.

Ghi nhận ý kiến ban đầu từ đại lý một số DNBH đối với Dự thảo cho thấy, họ băn khoăn không rõ hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm có giá trị dưới 20 triệu sẽ bị xử lý cụ thể thế nào, và cũng đề xuất cần phân định rõ hơn trách nhiệm của cá nhân trong trường hợp phạm tội có tổ chức, cấu kết 3 bên giữa nhiều đối tượng khác nhau như người mua bảo hiểm, đại lý bảo hiểm với cán bộ DNBH... Ngoài ra, theo 1 DNBH, cần cân nhắc kỹ hơn đối với trường hợp miễn trách nhiệm truy cứu hình sự, tránh lọt lưới tội phạm.

Tin bài liên quan