Quỹ HTTN sẽ góp phần quan trọng cải thiện an sinh xã hội

Quỹ HTTN sẽ góp phần quan trọng cải thiện an sinh xã hội

Quỹ hưu trí tự nguyện chờ… Bộ Tài chính

(ĐTCK) Đang có sự chậm trễ trong xây dựng, ban hành chính sách để triển khai Đề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện (HTTN) tại Việt Nam.

Yêu cầu bức bách

Các chuyên gia, nhà quản lý gần đây liên tiếp cảnh báo về nguy cơ vỡ Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH). Mới đây nhất, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh quan ngại: hiện tuổi nghỉ hưu bình quân của người lao động là 54 tuổi, thấp hơn mức trung bình 3,5 tuổi. Những người này không đóng thêm tiền bảo hiểm, tiền tử tuất, nhưng được hưởng 40,92 triệu đồng tiền lương hưu/năm.

Việc nghỉ hưu sớm 3,5 năm so với quy định khiến BHXH phải chi cho một người hơn 143 triệu đồng và giảm thu 45 triệu đồng, nên Quỹ mất cân đối cho 1 người là trên 188 triệu đồng. Giai đoạn 2007 - 2013, cả nước có 717.404 người nghỉ hưu và Quỹ BHXH mất cân đối trên 135.000 tỷ đồng. Nếu không hạn chế được số người nghỉ hưu sớm, cũng như giải quyết các bất cập hiện tại, nhất là tình trạng nợ BHXH, thì nguy cơ vỡ Quỹ rất cao.

Một trong những giải pháp căn cơ để giải quyết hiện trạng trên đã được nêu trong Đề án hình thành và phát triển chương trình HTTN, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu năm.

Theo đó, khuyến khích người lao động và DN có ký kết hợp đồng lao động tham gia chương trình này, nhằm xây dựng hệ thống hưu trí đa trụ cột, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời khuyến khích tiết kiệm, mở rộng cơ sở NĐT vốn dài hạn trên thị trường vốn theo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020.

Mục tiêu được đặt ra trong Đề án là đến năm 2020, có 400 - 500 DN, với khoảng 150.000 người tham gia mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí, hoặc đóng góp vào các quỹ HTTN theo hình thức ủy thác đầu tư. Đến năm 2020, doanh số tích lũy của các quỹ HTTN để đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có thị trường vốn, TTCK khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng.

Theo thông lệ quốc tế, doanh số tích lũy của các quỹ HTTN được đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có TTCK, theo hướng thận trọng để vừa đảm bảo an toàn, vừa mang lại tỷ lệ sinh lời hợp lý cho quỹ.

Hoạt động đầu tư này có sự tham gia của các công ty quản lý quỹ thông qua hệ thống quỹ mở, đồng thời có sự giám sát chặt chẽ của ngân hàng giám sát, cũng như cơ quan quản lý. Với hệ thống quỹ mở phát triển khá đa dạng đến thời điểm này là hơn 10 quỹ, trong đó có nhiều quỹ đầu tư trái phiếu, đã đáp ứng tốt cho sự hình thành và phát triển của quỹ HTTN, thỏa mãn yêu cầu cao nhất là an toàn trong giai đoạn phát triển ban đầu.

Việc sớm triển khai quỹ HTTN không chỉ góp phần quan trọng cải thiện an sinh xã hội, mà còn mở ra dư địa phát triển mới cho ngành quỹ, góp phần thúc đẩy thị trường vốn, TTCK phát triển.

Chờ Bộ Tài chính…

Khi phê duyệt Đề án hình thành và phát triển chương trình HTTN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trong năm nay trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quỹ HTTN theo mô hình ủy thác.

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính chia sẻ, do mô hình quỹ HTTN rất mới đối với Việt Nam, nên cần có thời gian nghiên cứu, tham khảo kỹ lưỡng kinh nghiệm từ các nước để lựa chọn mô hình tối ưu, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và tiệm cận các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Do đó, trong năm nay, Bộ Tài chính chưa thể hoàn thành và trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quỹ HTTN.

“Trong kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm nay, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) triển khai các hoạt động nghiên cứu.

Trên cơ sở mô hình có tính khả thi được đưa ra, chúng tôi sẽ xác định cụ thể người lao động, DN phải đáp ứng các điều kiện gì thì được tham gia quỹ HTTN. Với tiến độ này, dự kiến trong quý I/2015, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quỹ HTTN theo mô hình ủy thác”, bà Hiền nói.

Theo thông lệ quốc tế, để đảm bảo tính khả thi cho triển khai quỹ HTTN, hành lang pháp lý sẽ phải quy định chi tiết các nội dung: tỷ lệ đóng góp của DN và người lao động mà họ được trích nộp từ thu nhập trước thuế đưa vào quỹ; hoạt động đầu tư, giám sát quỹ; cách thức DN, người lao động được hưởng quyền lợi từ các khoản đóng góp của họ vào quỹ..

Tin bài liên quan