Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân

Quỹ hưu trí bổ sung: Có hay không sự trùng lắp giữa hai Bộ?

(ĐTCK) “Việc xây dựng cơ chế cho triển khai chính sách hưu trí bổ sung đang có sự lúng túng, chồng lấn. Dự thảo nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện do Bộ Tài chính đang xây dựng tương đồng với dự thảo nghị định về quỹ hưu trí bổ sung mà Bộ LĐTB&XH đang xây dựng...”, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Phạm Minh Huân trao đổi với ĐTCK. 

Được biết, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Tuy nhiên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ LĐTB&XH chủ trì soạn thảo hai dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về bảo hiểm hưu trí bổ sung và bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Điều này có dẫn đến sự chồng chéo hay không, thưa ông?

Đúng là đang có sự lúng túng, chồng lấn. Tuy nhiên, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 112/QĐ-TTg ngày 22/1/2015 về ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII, Bộ LĐTB&XH đang chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm xã hội tự nguyện, để trình Chính phủ trong tháng 7/2015 và dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về bảo hiểm hưu trí bổ sung, để trình Chính phủ vào tháng 10/2015.

Bộ LĐTB&XH đang khẩn trương hoàn thiện hai dự thảo nghị định trên, dự kiến cuối tháng 3 này sẽ công bố lấy ý kiến các bộ ngành, DN, chuyên gia…, để trình Chính phủ theo đúng thời hạn Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. 

Sự chồng lấn cụ thể giữa hai Bộ là gì, thưa ông?

Chính sách hưu trí tự nguyện mà Bộ LĐTB&XH đang xây dựng khác với dự thảo nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện mà Bộ Tài chính đang soạn thảo. Tuy nhiên, dự thảo nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện do Bộ Tài chính đang xây dựng lại tương đồng với dự thảo nghị định về quỹ hưu trí bổ sung mà Bộ LĐTB&XH  xây dựng.

Lý do là bởi đây đều là sản phẩm hưu trí có sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động (DN), những đối tượng thuộc diện tham gia chính sách hưu trí bắt buộc theo quy định của Luật BHXH.

Trong đó, Nhà nước định ra cơ chế cho phép DN tự nguyện đóng góp thêm (ngoài phần bảo hiểm xã hội bắt buộc) cho người lao động nhằm đảm bảo cho họ khi hết tuổi lao động có một khoản thu nhập bổ sung (ngoài lương hưu do cơ quan BHXH chi trả như hiện tại) cao hơn mức lương hưu hiện tại. Khi tham gia chương trình bảo hiểm hưu trí bổ sung, DN và người lao động cùng đóng góp theo tỷ lệ thỏa thuận tại hợp đồng lao động… 

Được biết, từ năm 2013, Bộ LĐTB&XH đã xây dựng và đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án triển khai thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung, để triển khai từ đầu năm 2014, nhưng đến nay, đề án này chưa được phê duyệt để triển khai. Những cơ chế mà Bộ LĐTB&XH đề xuất trong đề án này có tương tự như nội dung của dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BHXH về bảo hiểm hưu trí bổ sung, mà Bộ LĐTB&XH đang xây dựng?

Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020, Bộ Chính trị có chủ trương triển khai thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung. Việc Bộ LĐTB&XH xây dựng đề án triển khai thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung là nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, dường như đang có sự cản trở từ phía các công ty bảo hiểm, nên việc triển khai quỹ hưu trí bổ sung như đề án thí điểm của Bộ LĐTB&XH không được phê duyệt và triển khai. Khi triển khai quỹ hưu trí bổ sung sẽ động chạm đến quyền lợi của các công ty bảo hiểm, bởi họ có nguy cơ bị mất khách hàng, giảm doanh số bán bảo hiểm.

Khi chuẩn bị đề xuất phương án triển khai thí điểm quỹ hưu trí bổ sung vào năm 2013, chúng tôi có phần lo lắng các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ đáp ứng cho yêu cầu triển khai quỹ hưu trí bổ sung như: công ty quản lý quỹ, ngân hàng lưu ký, giám sát… khó đáp ứng được yêu cầu, nhưng đến nay mối lo này không còn, do các đơn vị này đã sẵn sàng cung cấp các dịch vụ cho quỹ hưu trí bổ sung ra đời và phát triển.

Bởi vậy, chúng tôi hy vọng, với việc mới đây Thủ tướng Chính phủ có văn bản chính thức giao cho Bộ LĐTB&XH chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về bảo hiểm hưu trí bổ sung, để trình Chính phủ vào tháng 10/2015 xem xét ban hành, quỹ hưu trí bổ sung sẽ sớm ra đời.

Theo thông lệ quốc tế, hoạt động đầu tư của quỹ hưu trí bổ sung được thiết kế theo hướng có sự tham gia của các công ty quản lý quỹ (nhận ủy thác đầu tư vốn từ quỹ hưu trí bổ sung), đồng thời có sự giám sát chặt chẽ của ngân hàng giám sát và cơ quan quản lý nhà nước. Việc sớm hình thành quỹ hưu trí bổ sung, theo các công ty quản lý quỹ, sẽ tạo bước đột phá cho sự phát triển của ngành quản lý quỹ nói riêng, TTCK nói chung.

Tin bài liên quan