Phó tổng thư ký IAV: “Các doanh nghiệp bảo hiểm thực sự có nội lực”

Phó tổng thư ký IAV: “Các doanh nghiệp bảo hiểm thực sự có nội lực”

(ĐTCK) Không chỉ là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp Bảo hiểm (DNBH) với cơ quan quản lý, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV) còn được đánh giá có nhiều hoạt động giúp DNBH kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm ngày một hoàn thiện và phát triển.

Nhân ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký phụ trách IAV xung quanh câu chuyện về thị trường bảo hiểm. 

Phó tổng thư ký IAV: “Các doanh nghiệp bảo hiểm thực sự có nội lực” ảnh 1

Ông Ngô Trung Dũng 

Thưa ông, dưới góc nhìn của một tổ chức hành nghề, đại diện cho tiếng nói của hội viên là các DNBH, ông đánh giá thế nào về sự phát triển của từng khối bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ kể từ ngày thành lập Hiệp hội?

Khi IAV được thành lập từ cuối năm 1999, thị trường bảo hiểm Việt Nam chỉ có 10 DNBH phi nhân thọ và 2 DNBH nhân thọ, với khoảng 200 sản phẩm bảo hiểm bán ra thị trường. Đến nay, IAV có 50 hội viên chính thức (30 DNBH phi nhân thọ, 18 DNBH nhân thọ, 2 DN tái bảo hiểm), 21 hội viên liên kết. Số lượng sản phẩm bảo hiểm cũng đã lên tới con số 1.189 sản phẩm (837 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, 352 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ), với các văn phòng phục vụ khách hàng phủ khắp trên toàn quốc. Các sản phẩm bảo hiểm được phát triển theo hướng ngày càng đa dạng và linh hoạt, góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Trong những năm đầu thành lập, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường chỉ đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, đến nay, con số này đã đạt trên 70.000 tỷ đồng. Cùng với đó, năng lực tài chính của các DNBH ngày càng vững mạnh. Năm 1999, toàn ngành bảo hiểm có vốn chủ sở hữu 979 tỷ đồng, dự phòng nghiệp vụ 2.019 tỷ đồng. Đến năm 2015, vốn chủ sở hữu của các DNBH toàn ngành vào khoảng 44.585 tỷ đồng, tổng tài sản đạt trên 188.000 tỷ đồng, dự phòng nghiệp vụ đạt 130.035 tỷ đồng, đầu tư vào phát triển nền kinh tế quốc dân hơn 152.000 tỷ đồng...

Những con số trên cho thấy sự phát triển đáng tự hào của cộng đồng DNBH bảo hiểm Việt Nam nói riêng, của thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung, trong đó có IAV.

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối nhân thọ tuy có cao hơn khối phi nhân thọ, song cả 2 khối đều có một điểm chung là phát triển ổn định, ngay cả trong thời điểm kinh tế Việt Nam hay thế giới gặp bất lợi, chứng tỏ các DNBH thực sự có nội lực. 

Với nhiệm vụ là cầu nối giữa DNBH và cơ quan quản lý, bên cạnh những đề xuất đã được tiếp nhận và áp dụng trong thực tế, ắt hẳn còn những kiến nghị vẫn đang “nằm trên giấy”?

Các kiến nghị, đề xuất từ phía DNBH đều được Hiệp hội xem xét một cách thấu đáo, trước khi gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, về cơ bản, đa phần các kiến nghị đều được phía cơ quan chức năng đánh giá là xác đáng, được tiếp nhận và đưa vào các văn bản pháp quy áp dụng trên thực tế. Trong khi các DNBH cũng ghi nhận, những nội dung kiến nghị khi áp dụng trong thực tiễn đã có tác động tích cực tới thị trường bảo hiểm.

Có thể kể đến các đề xuất như: đưa tội danh trục lợi bảo hiểm vào Bộ luật Hình sự năm 2015; kiến nghị bỏ chương về hợp đồng bảo hiểm khỏi Bộ luật Dân sự năm 2015; kiến nghị về việc các DNBH nhân thọ không phải đăng ký sản phẩm bảo hiểm đồng thời với Bộ Tài chính và Bộ Công thương, kiến nghị Bộ Tài chính ban hành quy tắc, biểu phí kỹ thuật bảo hiểm vật chất xe ô tô…

Tuy nhiên, bên cạnh những kiến nghị đã đi vào thực tế, cũng còn một số kiến nghị khác chưa được tiếp nhận. Chẳng hạn, kiến nghị loại bỏ việc khống chế mức tái bảo hiểm chỉ định tối đa 90%; kiến nghị giảm các khoản phí mà DNBH hiện nay phải đóng (phí đóng cho cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy)…

Lý do chưa được tiếp nhận, theo tôi, là dễ hiểu. Hiệp hội là đại diện cho quyền lợi của cộng đồng DNBH, nên những kiến nghị, đề xuất đều vì mục đích mang lại lợi ích cho DNBH, có thể nói là mang tính cục bộ (ví dụ, việc khống chế mức tái bảo hiểm chỉ định tối đa là 90% nhằm tăng mức giữ lại bảo hiểm gốc trong nước, qua đó phát triển hơn thị trường bảo hiểm trong nước). Trong khi quan điểm điều hành của cơ quan quản lý mang tính vĩ mô, tác động tới nhiều thành phần kinh tế khác…

Vì thế, ngay cả khi kiến nghị được ghi nhận, cũng phải cần có thời gian để các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trao đổi và xây dựng dự thảo trình lên Quốc hội, Chính phủ để sửa đổi, ban hành luật.

Vậy những đề xuất chưa được tiếp thu ở trên có được tiếp tục gửi lên cơ quan quản lý trong thời gian không, thưa ông?

Như tôi đã phân tích ở trên, đây đều là những kiến nghị hợp lý, có lợi cho các DNBH cũng như thị trường bảo hiểm, nên sẽ vẫn được gửi đến các cơ quan quản lý xem xét. Ví dụ, về phí đóng cho cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy của các DNBH có kinh doanh bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, tuy nhiên, trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí (Luật số 97/2015/QH13 ngày 15/11/2015, có hiệu lực từ 1/1/2017) lại không có quy định liên quan đến loại phí này.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng sẽ đóng góp ý kiến cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Với các vấn đề tồn đọng khác, chẳng hạn như cạnh tranh “phi kỹ thuật” tại cả 2 khối nhân thọ và phi nhân thọ, Hiệp hội có hướng giải quyết nào mới hay không?

Cạnh tranh là điều hết sức bình thường trong nền kinh tế thị trường. Ngành nào cũng xuất hiện, không riêng gì ngành bảo hiểm. Trong mảng bảo hiểm nhân thọ, vấn đề cạnh tranh “phi kỹ thuật”, theo tôi, chủ yếu thể hiện ở việc các DNBH nhân thọ thu hút, lôi kéo lao động giỏi của nhau. Đối với mảng bảo hiểm phi nhân thọ, các DNBH cạnh tranh chủ yếu trong việc hạ phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản điều kiện bảo hiểm một cách “phi kỹ thuật”.

Để xử lý các vấn đề trên, chẳng hạn trong cạnh tranh lao động giỏi, Quy tắc ứng xử giữa các DNBH đã được ban hành. Trong đó, các DNBH cùng phải cam kết, không lôi kéo cán bộ, đại lý của nhau. Đối với tình trạng hạ phí trong bảo hiểm phi nhân thọ, các điều kiện và điều khoản “phi kỹ thuật” được mở rộng. Hàng năm, IAV đều gửi văn bản khuyến cáo các DNBH hội viên về phí, điều khoản bảo hiểm đối với một số rủi ro, nhóm đối tượng bảo hiểm có rủi ro cao, hoặc tỷ lệ phí đã tụt xuống mức rất thấp do thời gian…, để trên cơ sở đó, các DNBH tham khảo và áp dụng.

Nếu có dấu hiệu của cạnh tranh không lành mạnh (chẳng hạn, DNBH chào tỷ lệ phí bảo hiểm gốc thấp hơn phí tái bảo hiểm, chào điều kiện bảo hiểm gốc rộng hơn tái bảo hiểm dẫn đến không thể thu xếp tái bảo hiểm…), IAV sẽ có văn bản chấn chỉnh, hoặc báo cáo cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý kịp thời.

Nhiều DNBH mong rằng, không chỉ là nhiệm vụ cầu nối, IAV cần thay đổi nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu phát triển không ngừng của thị trường trong thời gian tới. Ông nghĩ sao về điều này, thưa ông?

Tôi cho rằng, IAV đã và đang làm tốt vai trò đại diện cho cộng đồng DNBH. Bản thân IAV cũng được các cơ quan chức năng đánh giá là một trong số ít hiệp hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả nhất tại Việt Nam hiện nay. Đây trước hết là công lao của tập thể Ban chấp hành Hiệp hội các nhiệm kỳ, của Cơ quan thường trực Hiệp hội.

Hiện IAV đang trong quá trình bầu chọn Tổng thư ký mới, nên trong thời gian tới, bên cạnh những công việc đã và đang thực hiện tốt, Hiệp hội sẽ nâng cao hơn nữa năng lực hỗ trợ hội viên, mà cụ thể là trong các vấn đề phòng chống trục lợi bảo hiểm, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, thông tin thị trường, mở rộng hoạt động trong môi trường Cộng đồng kinh tế ASEAN, tăng cường hợp tác với một số thị trường bảo hiểm, hiệp hội bảo hiểm các nước có mối quan hệ kinh tế và bảo hiểm với Việt Nam.

Tin bài liên quan