Rất ít vụ tai nạn ngành đường sắt đề cập tới câu chuyện bảo hiểm

Rất ít vụ tai nạn ngành đường sắt đề cập tới câu chuyện bảo hiểm

Ô tô đâm tàu, ngành đường sắt “chê” bảo hiểm

(ĐTCK) Liên tiếp các vụ ô tô đâm tàu hỏa mà ngành đường sắt cũng chịu thiệt hại không nhỏ, nhưng việc bồi thường gần như không phát sinh. Ngành đường sắt nói không nhận được bồi thường và cũng không biết kết quả bồi thường cho những người bị tai nạn, còn ngành bảo hiểm nói không nhận được đơn đề nghị bồi thường.

Trả lời báo chí, ông Bùi Văn Tựu, Giám đốc Trung tâm ứng phó cứu hộ Đường sắt cho hay, đến nay ngành đường sắt chưa từng được bồi thường các vụ tai nạn như vậy.

Đó là với ngành đường sắt, còn với bồi thường bảo hiểm cho các bên liên quan chẳng hạn như hành khách đi tàu, cũng theo ông Tựu, sau mỗi vụ tai nạn, ngành đường sắt thường chuyển toàn bộ hồ sơ cho các bên liên quan, nên bản thân ông cũng không rõ kết quả bồi thường bảo hiểm cuối cùng ra sao!

Trên mỗi vé đi tàu cho hành khách đều dòng chữ : "vé trên đã có bảo hiểm và thuế GTGT", nhưng trên thực tế bảo hiểm theo loại hình gì thì gần như hành khách cũng không quan tâm, và khi xảy ra tai nạn thì cũng không biết đòi bồi thường ở chỗ nào.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, ngoài quyền lợi được bồi thường bảo hiểm như trên thì lái tàu/hành khách không may bị thiệt hại về tính mạng do xe cơ giới gây ra (mà ở đây là ô tô) còn có thể được hỗ trợ nhân đạo 20 triệu đồng/trường hợp từ Quỹ bảo hiểm xe cơ giới trong trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm, loại trừ bảo hiểm quy định tại Điều 13 Nghị định số 103/2008/NĐ-CP.

Trao đổi với ĐTCK về nội dung này, ông Phùng Đắc Lộc, Trưởng ban điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới cũng cho rằng, sau mỗi tai nạn thuộc ngành đường sắt, sẽ có cả một ban thuộc ngành đường sắt đứng ra lo liệu và chuyển hồ sơ đến các nhà bảo hiểm nên không có chuyện không biết !

Mặc dù vậy, cũng theo ông Lộc, kể từ sau khi chính sách hỗ trợ nhân đạo từ quỹ này có hiệu lực từ tháng 8/2009 đến nay cũng chưa từng nhận được bất kỳ một hồ sơ yêu cầu hỗ trợ nhân đạo nào liên quan đến ngành đường sắt, trong khi đó vẫn đều đặn nhận được các hồ sơ hỗ trợ nhân đạo đối với trường hợp các chủ phương tiện khác là xe ô tô và xe máy. Và kết quả là, gần nhất (ngày 9/2/2015), Quỹ bảo hiểm xe cơ giới đã trao tổng tiền 160 triệu đồng hỗ trợ nhân đạo trực tiếp cho gia đình 8 nạn nhân tại Nghệ An mất do tai nạn xảy ra ngày 24/1/2015 tại Thanh Hóa.

Mặc dù chưa nhận được hồ sơ hỗ trợ nhân đạo với trường hợp tương tự từ ngành đường sắt nhưng ông Lộc cũng khẳng định là "yên tâm", không sợ sót hồ sơ bồi thường.

"Đối với tai nạn đường sắt thì rất ít xảy ra trường hợp không xác định được xe gây tai nạn. Còn nếu thuộc diện bị loại trừ bảo hiểm dẫn đến bị DN bảo hiểm từ chối bồi thường bảo hiểm thì các DN bảo hiểm sẽ chuyển hồ sơ hỗ trợ nhân đạo xuống cho Quỹ nên yên tâm là không sợ sót", ông Lộc nói.

Ngoài ra, quyền lợi được bồi thường bảo hiểm cho người bị tai nạn còn được thực hiện theo quyền lợi từ sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc chủ xe cơ giới (mà chủ xe ô tô gây tai nạn phải mua). Đồng thời, mỗi hành khách trên tàu đều được bồi thường bảo hiểm nếu không may xảy ra thiệt hại (vì giá vé tàu đã bao gồm phí bảo hiểm cho hành khách).

Cần nhắc lại các quyền lợi mà bên thứ 3 và hành khách được hưởng trong trường hợp chủ xe ô tô ở đây mua bảo hiểm đó là: 70 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn (đối với thiệt hại về người); 70 triệu đồng/1 vụ tai nạn (đối với thiệt hại về tài sản (do xe ô tô gây ra).

Nhắc tới nội dung trên để có thể thấy, trong loại hình tai nạn này, lái tàu, nhân viên phục vụ tàu hay hành khách được hưởng rất nhiều loại bảo hiểm, từ bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự với bên thứ ba… Tuy nhiên, không phải nạn nhân nào cũng nắm được các quy định này, và bản thân ngành đường sắt nếu đúng như lời ông Tựu thì chỉ là… chuyển hồ sơ, chứ không hỗ trợ làm thủ tục.

Theo lãnh đạo của một DN bảo hiểm, trong trường hợp ô tô đâm tàu hỏa thì bao giờ cũng phát sinh bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc với mức bồi thường tới 70 triệu đồng/người/vụ. Nhưng theo vị này, việc yêu cầu bồi thường trong những trường hợp tai nạn tương tự hiện rất ít.

Còn theo ghi nhận tại PJCO, nhà bảo hiểm từng bán bảo hiểm cho ngành đường sắt khu vực phía Bắc, và nay đang cung cấp sản phẩm này cho khu vực miền Trung thì PJICO "đã từng" giải quyết bồi thường liên quan đến bảo hiểm con người/tai nạn liên quan đến ngành đường sắt. Tuy nhiên, lãnh đạo DN này cũng đồng tình với nhận định cần phải nâng cao ý thức về bảo hiểm cho hành khách đi tàu và cả các nhân viên ngành đường sắt.

Tin bài liên quan