Bảo Việt, PJICO, Liberty, PVI, PTI, MIC… là những DN có thị phần lớn về bảo hiểm xe cơ giới

Bảo Việt, PJICO, Liberty, PVI, PTI, MIC… là những DN có thị phần lớn về bảo hiểm xe cơ giới

Nỗi lo mang tên tăng phí bảo hiểm vật chất xe

(ĐTCK) Dự thảo Quy tắc, điều kiện, điều khoản và biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô của từng DN bảo hiểm phi nhân thọ do Ban nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) xây dựng đang chờ sự phê duyệt của Bộ Tài chính.

Tín hiệu vui

Trao đổi với ĐTCK, một số DN bảo hiểm cho rằng, mảng bảo hiểm vật chất xe cơ giới sẽ có nhiều biến chuyển trong thời gian tới, sau khi bộ quy tắc trên chính thức có hiệu lực.

Bộ quy tắc là tín hiệu vui cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nói chung, mảng bảo hiểm vật chất xe cơ giới nói riêng, do việc điều chỉnh phí bảo hiểm sẽ đảm bảo cho DN bảo hiểm lãi kỹ thuật và đạt được mục tiêu an toàn tài chính. Áp lực cạnh tranh về phí giữa các DN bảo hiểm nhờ đó mà giảm bớt.

Chất lượng dịch vụ sẽ là yếu tố then chốt để quyết định sự thành công của mỗi DN. Tất nhiên, khách hàng là người được hưởng lợi trước tiên trên nhiều khía cạnh: được mua bảo hiểm với mức phí hợp lý, được chăm sóc tốt hơn (do các DN bảo hiểm phải đẩy mạnh cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ)...

Cần nhắc lại là, trên cơ sở tổng hợp số liệu báo cáo của các DN bảo hiểm phi nhân thọ gửi về AVI, bảo hiểm vật chất xe ô tô trong giai đoạn 2010 - 2012 có doanh thu xấp xỉ 7.000 tỷ đồng, nhưng lỗ 900 tỷ đồng.

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các DN bảo hiểm xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô trình Bộ Tài chính theo đúng quy định tại Thông tư 124/2012/TT-BTC để đảm bảo khả năng thanh toán, an toàn tài chính cho DN bảo hiểm và bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Trên cơ sở nhất trí của đại diện các DN bảo hiểm và AVI, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính đã thống nhất lấy bản mẫu quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô do Ban nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới thuộc AVI xây dựng làm cơ sở để các DN bảo hiểm xây dựng sản phẩm bảo hiểm vật chất xe cơ giới.

Nỗi lo đi kèm

Các DN bảo hiểm cho biết, bên cạnh tín hiệu vui nêu trên cũng có nỗi lo. Bỏ qua nỗi lo không rõ về thời điểm Bộ quy tắc được phê duyệt khiến DN bảo hiểm bị động về mặt thời gian, các DN bảo hiểm quan ngại, liệu quy tắc mới có được đồng lòng thực hiện trên toàn khối một cách bình đẳng, minh bạch, khi mà việc cạnh tranh bằng hạ phí vẫn diễn ra thường xuyên?

“Quy tắc bảo hiểm vật chất xe ô tô là sản phẩm chung của các DN bảo hiểm phi nhân thọ, là minh chứng cho việc các DN đồng thanh tương ứng, nhưng có ai dám khẳng định tất cả sẽ đồng lòng thực hiện, đặc biệt đối với các DN nhỏ vẫn đang giảm phí để cạnh tranh.

Vì vậy, DN chúng tôi vừa thực hiện, vừa theo sát tình hình cấp phí của các DN bảo hiểm khác, trong khi chờ Bộ Tài chính ban hành quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động này”, đại diện một DN bảo hiểm nói.

Theo ghi nhận của ĐTCK, việc thay đổi biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô lần này được xem là không ảnh hưởng nhiều đến các DN lớn như Bảo Việt, PJICO hay Liberty, vì các DN này áp dụng phí tổng thể ở mức cao và nắm thị phần lớn về bảo hiểm xe cơ giới. Các DN bảo hiểm áp dụng mức phí thấp hơn sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể.

Hiện tại, nhiều DN đang nỗ lực tăng doanh thu từ bán lẻ, trong đó có bảo hiểm xe cơ giới. Ngoài 3 DN nêu trên, các DN dẫn đầu thị phần bảo hiểm xe cơ giới là PVI, PTI, MIC… Trong đó, 6 tháng đầu năm, MIC là DN có tốc độ tăng trưởng bảo hiểm xe cơ giới cao nhất trong Top 10 DN bảo hiểm phi nhân thọ, tăng hơn 57% trong khi toàn thị trường tăng 8%.

Một nỗi lo khác đối với DN bảo hiểm đó là phản ứng của khách hàng, đặc biệt là khách hàng lớn, khách hàng lâu năm trước việc tăng phí. Tiên lượng và tìm biện pháp ứng phó trước phản ứng của khách hàng đang được các DN đặt ra, vì nếu bị động và giải thích không rõ có thể khiến DN khó phát triển được khách hàng mới, thậm chí mất khách hàng cũ.

Giới quan sát cho rằng, đây chính là thời điểm thích hợp để các DN bảo hiểm cạnh tranh bằng chính năng lực, uy tín, thương hiệu, chăm sóc khách hàng, bồi thường kịp thời, đầy đủ.             

Tin bài liên quan