Những thách thức lớn của PVI

Những thách thức lớn của PVI

(ĐTCK) Diễn ra trong điều kiện có không ít tin vui (năm đầu về nhất thị phần phi nhân thọ cũng như bảo hiểm hàng không) nhưng tại đại hội đồng cổ đông thường niên sáng nay (15/4), lãnh đạo CTCP PVI (PVI Holdings, mã PVI) lại tập trung chia sẻ về thách thức.

“PVN đặt lên “vai” PVI thách thức để vươn ra biển lớn”

Trong khi cơ hội/lợi thế của PVI được lãnh đạo PVI đưa ra khá tóm tắt, chỉ là  lợi thế về tiềm lực, thương hiệu, mô hình quản trị tiên tiến… thì khó khăn, thách thức năm 2015 lại được lãnh đạo doanh nghiệp này dành cả tâm sức để chia sẻ, thậm chí còn phân tích từng khó khăn/thách thức sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của PVI thế nào.

Thậm chí, chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán trước ngày diễn ra đại hội, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT còn cho biết: “Không phủ nhận những cơ hội mà Tập đoàn Dầu khí (PVN) đã mang lại cho PVI. Và lâu nay nhiều người vẫn nghĩ cái được lớn nhất mà PVI nhận được từ cổ đông lớn PVN đó là thị trường nhưng thực ra, cái lớn nhất mà chúng tôi nhận được đó là PVN đã và đang đặt lên vai chúng tôi thách thức để vươn ra biển lớn".

Về thị trường, ông Tuấn cũng cho ĐTCK, bảo hiểm cho các dự án liên quan đến dầu khí hiện chỉ chiếm 30%, phần còn lại là các dự án lớn nhỏ ngoài ngành trong đó có các công trình trọng  điểm quốc gia.

Thách thức trong duy trì vị trí số 1 phi nhân thọ

Còn tại đại hội, lãnh đạo PVI cũng xác định rõ năm 2015 là năm rất khó khăn và ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của PVI. Vẫn là những dự báo không mới như nền kinh tế chưa thực sự phát triển bền vững, thị trường tài chính còn biến động và xu hướng trần lãi suất huy động vẫn tiếp tục giảm; thị  trường  bất  động  sản  chưa  có  nhiều  dấu  hiệu  khởi  sắc, trục lợi bảo hiểm ngày càng tăng, sức ép cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm lớn…

Nhưng mới ở phần chia sẻ về thách thức trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm của 1 doanh nghiệp hoạt động ở cả 3 mảng phi- nhân- tái như PVI. Đó là thách thức trong nội tại hệ thống khi PVI tiếp tục duy trì và giữ vững vị thế số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, đứng  đầu thị trường bảo hiểm nhân thọ về sản phẩm hưu trí tự nguyện và là nhà tái bảo hiểm  chuyên nghiệp, hiệu quả.

Ngoài những thách thức tại thị trường trong nước như trên còn là những thách thức ở thị trường nước ngoài.

Cụ thể, theo lãnh đạo PVI, DN này phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ở thị trường nước ngoài khi PVI phải không ngừng nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ khi cạnh tranh trực tiếp với các DNBH nước ngoài khi Việt Nam hoàn thành các Hiệp định hội nhập quốc tế.

“Giá dầu giảm sâu ảnh hưởng đến hoạt động phát triển chung của PVN cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp lớn đến hoạt động kinh doanh lõi của PVI. Hay thảm họa thảm họa toàn cầu ngày càng phức tạp, gia tăng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động hiệu quả kinh doanh bảo hiểm. Sự biến đổi khí hậu kéo theo gia tăng tổn thất trên thị trường bảo hiểm, đặc biệt là các thị trường tái bảo hiểm nước ngoài. Điều này sẽ gây áp lực lớn cho PVI Re- công ty con của PVI khi cần nâng cao hiệu quả thu xếp tái bảo hiểm cho toàn bộ hệ thống”, báo cáo của PVI nêu rõ.

Chưa kể, đó còn là thách thức Công ty Quản lý Quỹ PVI (PVI AM) mới được thành lập và hoạt động trong bối cảnh khó khăn khi lãi suất huy động giảm, môi trường đầu tư chưa thực sự phục hồi. Cộng với việc hoạt động của Công ty quản lý quỹ PVI trong hiện tại chưa có gì đáng nói nên theo ông Tuấn đó là lý do PVI AM đi vào hoạt động khá lặng lẽ, chưa ra mắt hoạt động, trái hẳn với vẻ hoành tráng trước đó của các công ty thành viên của PVI mỗi khi được mở.

Trên thực tế, khó khăn/thách thức cũng đã từng xảy đến với PVI khi lỗi hẹn với tăng vốn của PVI Re (do PVI nắm khoảng 66% CP) và lập PVI AM theo đúng lộ trình.

Theo lộ trình thì cách đây 2 năm, PVI Re đã phải tăng vốn lên 800 tỷ đồng và có cổ đông chiến lược nước ngoài và PVI AM phải ra đời cũng từ cách đây 2 năm và có cổ đông nước ngoài góp vốn.  

"Lỗi hẹn đối với PVI AM, đó là là do một số yếu tố mang tính thủ tục", Chủ tịch PVI nói. Còn với PVI Re, lãnh đạo PVI cho biết đang tìm kiếm đối tác chiến lược, dự kiến bán khoảng 25% cho đối tác nước ngoài trong năm nay.

Thách thức từ cổ đông ngoại nắm cổ phần lớn

Chưa kể đó còn là thách thức trong việc cổ đông ngoại nắm cổ phần không nhỏ sẽ ảnh hưởng lớn đến các quyết định lớn của PVI.

Đơn cử, do khác nhau về mặt quan điểm trong chuyển đổi mô hình hoạt động của Bảo hiểm PVI (hiện do PVI nắm 100% vốn) nên cổ đông chiến lược ngoại Talax (nắm khoảng 32% CP tại PVI) và PVI có lúc tưởng như không thể “chung đôi”.

Trước và sau khi diễn ra đại hội lần này, phía Talanx vẫn bảo lưu một quan điểm đó là Bảo hiểm PVI nên được chuyển đổi thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên thay vì cổ phần hóa (như chủ trương ban đầu của PVI và PVN). 

Đại hội cuối cùng cũng đã thông qua hầu hết tờ trình. Chỉ rõ thách thức, cũng là để cách để vượt qua, lãnh đạo PVI cũng đưa ra nhóm giải pháp liên quan đến tái cấu trúc, kinh doanh  & phát triển thị trường,  thương hiệu, quản trị…

Năm 2015, PVI đặt kế hoạch tổng doanh thu 8.426,8 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2014, lợi nhuận sau thuế kế hoạch là 298,5 tỷ - tăng 21,3%, tỷ lệ cổ tức dự kiến 9%.

Tin bài liên quan