Nhà đầu tư đang nỗ lực để cân bằng giữa rủi ro và kỳ vọng

Nhà đầu tư đang nỗ lực để cân bằng giữa rủi ro và kỳ vọng

(ĐTCK) Một nghiên cứu về Chỉ số chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư vừa được Manulife tiến hành tại 5 thị trường giàu có nhất châu Á, gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và Nhật Bản cho thấy, các nhà đầu tư tại Trung Quốc ưa mạo hiểm, trong khi các nhà đầu tư Nhật Bản lại rất thận trọng với rủi ro. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trong khu vực đều muốn né tránh rủi ro, nhưng cách thức đầu tư lại hoàn toàn trái ngược.

Nhà đầu tư Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận mức rủi ro cao nhất

Cuộc khảo sát cho thấy, nếu xét về cách phân bổ tài sản hiện tại, các nhà đầu tư Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận mức rủi ro cao nhất trong số các thị trường giàu nhất châu Á, họ nắm giữ tỷ lệ lớn các loại tài sản nhiều rủi ro trong danh mục tài sản của gia đình (44%). Thêm vào đó, mặc dù gần 1/3 các nhà đầu tư Trung Quốc có lo ngại về sự không ổn định thị trường (29%), nhưng họ vẫn có mức độ chấp nhận rủi ro cao nhất trong số 5 thị trường được tiến hành nghiên cứu, khi họ đầu tư vào các cổ phiếu giá trị nhỏ có rủi ro cao hơn (27% so với chỉ 12% ở Nhật Bản).

Ngược lại, các nhà đầu tư Nhật Bản có mức chấp nhận rủi ro thấp nhất và cũng bảo thủ nhất trong bảng cân đối tài sản, nắm giữ 41% tài sản dưới dạng tiền mặt. Mặc dù chọn đầu tư vào cổ phiếu, nhưng các nhà đầu tư Nhật Bản thích đầu tư vào các cổ phiếu giá trị lớn (blue-chip), hơn là các cổ phiếu giá trị nhỏ với rủi ro cao hơn (75% so với chỉ 51% ở Trung Quốc).

Phân tích sâu hơn về những phản ứng khác nhau đối với rủi ro của 2 thị trường, cuộc khảo sát đã cho thấy, các nhà đầu tư Trung Quốc thường tiến hành những khoản đầu tư một lần, họ mong muốn tận dụng sức nóng của thị trường để đạt được những khoản lợi nhuận ngắn hạn. Trong khi đó, các nhà đầu tư Nhật Bản có xu hướng đầu tư với những khoản góp đều đặn và tiếp cận một cách có kỷ luật hơn. Họ cũng ít quan tâm đến việc tận dụng cơ hội nhất thời của thị trường để đầu tư, một cách đầu tư vốn hiếm khi thành công.

Ông Ronald CC Chan, Giám đốc điều hành đầu tư cổ phiếu ở châu Á (không tính Nhật Bản) của Manulife cho biết, sự sụt giảm của TTCK Trung Quốc gần đây có thể xem như lời cảnh báo đối với các nhà đầu tư mạo hiểm. Còn theo ông Micheal Dommermuth, Phó Chủ tịch điều hành, Giám đốc quản lý tài sản của Công ty Quản lý Quỹ Manulife châu Á, điều này không có nghĩa là các nhà đầu tư nên tránh rủi ro. Việc quá an toàn và lo ngại rủi ro giống như nhiều nhà đầu tư Nhật Bản có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng tạo ra nguồn thu nhập đủ để cho duy trì mức sống cho tuổi về hưu.

Mức độ chấp nhận rủi ro trái ngược với cách thức đầu tư

Tuy các nhà đầu tư Trung Quốc được xếp hàng đầu trong Chỉ số chấp nhận rủi ro, nhưng hơn một nửa nhà đầu tư tại đây (52%) cho biết, họ muốn nhìn thấy thu nhập được đảm bảo khi cân nhắc một khoản đầu tư mới. Con số này ở Nhật Bản chỉ là 20%, mặc dù các nhà đầu tư Nhật Bản có mức chấp nhận rủi ro thấp nhất.

Sự mâu thuẫn giữa thái độ và hoạt động đầu tư cho thấy, các nhà đầu tư Nhật Bản hiểu biết tốt hơn về mức độ chấp nhận rủi ro cần thiết để có được danh mục đầu tư đa dạng và cân bằng, nhưng họ không sẵn sàng chuyển đổi một phần tiền mặt để đạt được hiệu quả đầu tư lớn hơn.

Hồng Kông, Đài Loan và Singapore được lần lượt xếp hạng 2, 3, 4 trong Chỉ số chấp nhận rủi ro, điều này cho thấy một mâu thuẫn khác giữa mức độ chấp nhận rủi ro và hoạt động đầu tư thực tế. Hơn 1/3 nhà đầu tư Hồng Kông lo ngại về việc ra quyết định đầu tư sai lầm (36%), tuy nhiên, sự ưa chuộng đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu lại cao nhất trong 5 nước được nghiên cứu, với tỷ lệ 63%.

Trong khi đó, gần 1/2 nhà đầu tư Đài Loan (48%) cho biết, họ trì hoãn việc đầu tư vào quỹ tương hỗ bởi những lo ngại về rủi ro, nhưng lại ưa chuộng đầu tư vào cổ phiểu giá trị nhỏ, có rủi ro cao hơn giống như những nhà đầu tư Trung Quốc (22%). Nhà đầu tư Singapore gần giống với các nhà đầu tư Nhật Bản trong cách phản ứng với rủi ro, với 36% tài sản dưới dạng tiền mặt.

Nhìn chung, nhà đầu tư ở các thị trường giàu có nhất châu Á lo ngại về khả năng đưa ra những quyết định đầu tư sai lầm, hầu hết đều cho rằng đây là nguyên nhân hàng đầu khiến họ không có những khoản đầu tư mới.

Theo ông Dommermuth, chìa khóa giải quyết mâu thuẫn giữa khả năng chấp nhận rủi ro và hoạt động đầu tư thực tế là giáo dục các nhà đầu tư về rủi ro thực tế và lợi nhuận tiềm năng, tương ứng với các loại tài sản riêng lẻ và điều kiện thị trường mà các loại tài sản này cho tỷ suất sinh lời tốt nhất. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng có lựa chọn là đầu tư vào các quỹ phân bổ tài sản được quản lý một cách chuyên nghiệp, để cân đối giữa rủi ro và lợi nhuận một cách cẩn thận, đồng thời có thể tạo được dòng thu nhập lâu dài.  

Tin bài liên quan