Top 5 công ty bảo hiểm có thị phần cao nhất 2016

Top 5 công ty bảo hiểm có thị phần cao nhất 2016

Người Việt quan tâm nhất đến... bảo hiểm ô tô?

(ĐTCK) Theo số liệu các doanh nghiệp báo cáo nhanh với Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, năm 2016, tổng doanh thu khối bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 36.372 tỷ đồng, trong đó, mảng bảo hiểm xe cơ giới đóng góp 11.754 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,3%.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ năm qua ước đạt 14,04% so với năm 2015, có phần chững lại so với năm 2015 (16,85%).

Đà tăng trưởng chậm lại của khối phi nhân thọ có nguyên nhân là sự tăng trưởng âm của mảng nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại. Năm qua, mảng nghiệp vụ này ước đạt 5.409 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, giảm 9,6% so với năm 2015. Đây là năm thứ tư liên tiếp tăng trưởng của mảng này đi xuống (năm 2013 tăng trưởng 11%, năm 2014 tăng trưởng 7,9%, năm 2015 tăng trưởng 3,9%).

Đà giảm này có một phần nguyên nhân là trong năm qua, một số dự án, nhà máy lớn dừng hoạt động hoặc giảm sút hoạt động, dẫn tới nhu cầu bảo hiểm giảm như Vinashin, Vinalines, Thép Thái Nguyên, Xơ sợi Đình Vũ, Ethanol Bình Sơn...

Bảo hiểm tài sản và thiệt hại bao gồm bảo hiểm xây dựng lắp đặt, bảo hiểm máy móc thiết bị, bảo hiểm thiết bị điện tử, bảo hiểm dầu khí, bảo hiểm mọi rủi ro tài sản khác. Mảng nghiệp vụ này lẽ ra rất “rộng đất”, nhưng thực tế, doanh thu phí bảo hiểm năm qua chỉ đóng góp tỷ trọng 14,9% tổng doanh thu của ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Thậm chí, trên thị trường, có nhiều trường hợp phí bảo hiểm mọi rủi ro cho một tòa nhà, kho, xưởng không bằng phí bảo hiểm một xe ô tô.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 119/2015/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, nhưng đến nay, doanh nghiệp bảo hiểm chưa thể triển khai, mà phải chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Mảng nghiệp vụ khác cũng có tốc độ tăng trưởng âm trong năm 2016 là bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, với doanh thu đạt 2.211 tỷ đồng, giảm 4,3% so với năm 2015. Đây là năm thứ hai liên tiếp mảng này tăng trưởng âm, năm 2015 doanh thu giảm 7%. Mảng này đóng góp 6,1% vào tỷ trọng doanh thu của khối phi nhân thọ 2016. Điều đáng nói là, doanh thu mảng này suy giảm trong bối cảnh kim ngạch xuất nhập khẩu 2 năm qua đều tăng trưởng. Làm thế nào để các nhà xuất khẩu nhập khẩu Việt Nam mua bảo hiểm trong nước, tiết kiệm được ngoại tệ, mà khi có tổn thất xảy ra sẽ được xét xử theo pháp luật Việt Nam, thay vì xử theo tòa án nước ngoài, luật nước ngoài đang là bài toán được đặt ra với các nhà bảo hiểm trong nước.

Nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ năm qua ước đạt 3.307 tỷ đồng doanh thu phí, chiếm tỷ trọng 9,1% tổng doanh thu toàn ngành. Đà tăng trưởng doanh thu của mảng này cũng suy giảm so với các năm trước, ước đạt 14,35%, trong khi năm 2013 là 19%, 2014 tăng 26,7%, 2015 là 29,1%... 

Điểm sáng trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ là mảng bảo hiểm sức khỏe vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, với doanh thu năm qua ước đạt 9.472 tỷ đồng, tăng 24,35%, chiếm tỷ trọng 26% tổng doanh thu phí toàn ngành phi nhân thọ. Chi phí khám chữa bệnh tăng cộng với nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo ngày càng tăng cao khiến nhu cầu về bảo hiểm sức khỏe, nhất là bảo hiểm với chế độ điều trị chất lượng cao gia tăng đang là cơ hội cho mảng nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe phát triển mạnh.

Chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng doanh thu toàn ngành vẫn là bảo hiểm xe cơ giới, với 11.754 tỷ đồng, đóng góp 32,3%. Tất nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu cũng có phần chững lại với 21,14% (năm 2015 là 25,21%). Theo thống kê, cả nước hiện có trên 3 triệu xe ô tô cá nhân.

Việc bảo hiểm xe cơ giới đóng góp tỷ trọng cao nhất trong ngành bảo hiểm cũng gợi ra nhiều câu hỏi: Người ta mua bảo hiểm xe ô tô nhiều vì quy định bắt buộc? Vì ô tô vẫn là tài sản lớn, cần bảo hiểm hơn? Hay vì rủi ro tai nạn lớn? (Năm 2016 xảy ra 21.589 vụ tai nạn giao thông làm 8.685 người chết, 19.280 người bị thương gây thiệt hại tài sản hàng nghìn tỷ đồng). Vì sao khối tài sản khổng lồ của Nhà nước, doanh nghiệp và dân cư mới được bảo hiểm tài sản thiệt hại và cháy nổ với quy mô doanh thu rất khiêm tốn (5.409 + 3.307 = 8.716 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25%), trong khi rủi ro cháy nổ, thiên tai là rất lớn. 

Trong trận lũ tại miền Trung hồi năm 2016, có 4.600 ngôi nhà bị sập hoặc cuốn trôi, 361.700 ngôi nhà bị ngập sạt lở tốc mái, 258.300 ha lúa, 113.200 ha hoa màu 48.800 ha nuôi trồng thủy sản bị hư hại; 52.200 gia súc, 1.670.500 gia cầm mất tích, 1.000 tấn thủy sản mất trắng. Những tổn thất của bà con trong vùng lũ sẽ được được giảm thiểu nếu như họ có được “tấm lá chắn” bảo hiểm.     

Tin bài liên quan