Prudential Việt Nam, AIA Việt Nam là những công ty bảo hiểm tiên phong trong việc hợp tác với ngân hàng

Prudential Việt Nam, AIA Việt Nam là những công ty bảo hiểm tiên phong trong việc hợp tác với ngân hàng

Ngân hàng bảo hiểm: Xu hướng hợp tác độc quyền

(ĐTCK) Nếu không có gì thay đổi, trong tháng 5 này sẽ có thêm một công ty bảo hiểm nhân thọ thông báo hợp tác độc quyền với một ngân hàng thương mại trong nước.

Công ty này sẽ là công bảo hiểm tiếp theo sau Prudential Việt Nam, AIA Việt Nam đi theo xu hướng hợp tác độc quyền với ngân hàng để bán các sản phẩm bảo hiểm.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo cấp cao của công ty bảo hiểm trên cho biết, cùng với việc công bố hợp tác độc quyền với một ngân hàng trong nước, công ty cũng sẽ thông báo những bước đi mới về chiến lược kinh doanh trong thời gian sớm nhất.

Xu hướng hợp tác độc quyền với ngân hàng trong việc bán sản phẩm bảo hiểm được bắt đầu tại thị trường Việt Nam chỉ vài năm gần đây. Prudential Việt Nam là công ty bảo hiểm đi tiên phong trong lĩnh vực này với bản thỏa thuận hợp tác chiến lược trong 10 năm với Ngân hàng Maritime Bank vào năm 2013, nhằm tăng cường kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tại Việt Nam. Hợp tác này cho phép Prudential mở rộng phạm vi phân phối độc quyền sản phẩm bảo hiểm qua 220 văn phòng chi nhánh, phòng giao dịch của Maritime Bank trên toàn quốc…

Sau đó, năm 2014, Prudential tiếp tục thông báo hợp tác Bancassurance độc quyền 15 năm với Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam. Thỏa thuận hợp tác này đã mở rộng hơn sự hợp tác vốn đã rất thành công giữa Prudential Việt Nam và Standard Chartered từ năm 2009.

Theo đại diện Prudential Việt Nam, quan hệ hợp tác độc quyền cho phép Prudential xây dựng nền tảng vững chắc và xuyên suốt để cung cấp những dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính và bảo hiểm lâu dài của khách hàng.

Hòa chung trong xu thế này, năm 2014, AIA Việt Nam cũng tuyên bố đã chính thức hợp tác chiến lược với Citibank Việt Nam. Theo đó, Citibank sẽ phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của AIA tại thị trường Việt Nam. Quan hệ hợp tác chiến lược này có thời hạn xác định ban đầu là 15 năm.

Mới đây, ở phạm vi rộng hơn, Tập đoàn Manulife cho biết đã ký thỏa thuận hợp tác có thời hạn 15 năm với Ngân hàng DBS (có trụ sở tại Singapore) để cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng tại 4 thị trường lớn của hai bên ở châu Á là Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc và Indonesia. Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên mang tính độc quyền và sẽ kết hợp được những điểm mạnh của hệ thống ngân hàng cao cấp của DBS cùng với kinh nghiệm quản lý tài sản và cung cấp dịch vụ bảo hiểm của Manulife. Tại bốn thị trường triển khai hợp tác, hơn 6 triệu khách hàng trong các lĩnh vực bán lẻ, đầu tư và các doanh nghiệp vừa và nhỏ của DBS sẽ được tiếp cận với các giải pháp bảo hiểm nhân thọ của Manulife, thông qua mạng lưới hơn 200 chi nhánh, 3.000 nhân viên bán hàng chuyên nghiệp và nền tảng ngân hàng điện tử và di động của DBS.

Ký kết độc quyền với một ngân hàng để bán các sản phẩm bảo hiểm, theo các chuyên gia trong ngành sẽ là xu thế tất yếu, bởi nếu không áp dụng cơ chế phân phối độc quyền, một ngân hàng có thể được bán rất nhiều sản phẩm của các công ty bảo hiểm khác nhau và dễ dẫn đến tình trạng mua bán lộn xộn; trong khi đó, khách hàng mua bảo hiểm cũng sẽ không được tư vấn kỹ lưỡng đúng nhu cầu và khả năng tài chính của mình, còn công ty bảo hiểm cũng không đầu tư kỹ cho các ngân hàng này, nên mô hình bán bảo hiểm như vậy rất dễ thất bại.

Bên cạnh đó, cũng còn một lý do khác khiến các công ty bảo hiểm muốn hợp tác độc quyền với một ngân hàng, đó là để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

“Khi một ngân hàng ký hợp đồng phân phối sản phẩm cho nhiều công ty bảo hiểm có thể sẽ xảy ra hiện tượng công ty bảo hiểm A chi trả phí cho ngân hàng cao hơn công ty bảo hiểm B để ngân hàng chú trọng hơn trong việc bán sản phẩm của mình. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã cấm không cho một ngân hàng bán cùng lúc sản phẩm bảo hiểm của hai, ba công ty bảo hiểm khác nhau”, đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ nói và cho rằng, việc đầu tư của các công ty bảo hiểm vào ngân hàng thường khá tốn kém (đặc biệt trong trường hợp muốn hợp tác độc quyền), nhưng lợi nhuận không phải đến ngay trong ngày một ngày hai. Chính vì thế, dù ký hợp tác độc quyền nhưng chỉ trong thời gian ngắn thì việc hợp tác độc quyền cũng không có nhiều tác dụng.    

Tin bài liên quan