Các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực may mặc, gỗ… có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn cao

Các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực may mặc, gỗ… có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn cao

Ngại bán bảo hiểm cho khách hàng “đặc biệt”

(ĐTCK) Vụ cháy Công ty Kwong Lung - Meko tại Cần Thơ cách đây vài tháng khiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ càng thêm e ngại khi bán bảo hiểm cho nhóm khách hàng “đặc biệt”.

Khách hàng “đặc biệt”, theo các doanh nghiệp bảo hiểm, đó là khách hàng thuộc nhóm rủi ro 4 (hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực may mặc, gỗ…), đồng thời đến từ Đài Loan, Trung Quốc.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, Công ty Kwong Lung - Meko (Đài Loan) ký hợp đồng bảo hiểm tài sản bao gồm cháy nổ với công ty bảo hiểm nước ngoài là MSIG, mức phí đóng hơn 1 tỷ đồng. Sau đó, hỏa hoạn xảy ra, tổng thiệt hại ban đầu được xác định khoảng 18 triệu USD (gần 400 tỷ đồng).

MSIG là đại diện cho 3 nhà đồng bảo hiểm để đứng đầu trong hợp đồng cung cấp bảo hiểm cho phía Công ty Kwong Lung - Meko. 3 nhà đồng bảo hiểm là Bảo Minh, PJICO và Cathay. Tỷ lệ tham gia đồng bảo hiểm tại hợp đồng trên như sau: MSIG (40%), Bảo Minh (40%), PJICO (10%) và Cathay (10%).

Vụ cháy lớn tại Kwong Lung - Meko càng cho thấy rủi ro nhóm 4 (gỗ, dệt may) luôn rình rập. Xét trên bình diện toàn thị trường, năm 2016, thị trường bảo hiểm tiếp tục xảy ra nhiều tổn thất, nguyên nhân chính là do hỏa hoạn và thiên tai, đặc biệt đối với các khách hàng nhóm 4.

Công ty may bị cháy ở Cần Thơ được bồi thường 18 triệu USD
Công ty Kwong Lung - Meko (Cần Thơ) được bồi thường 18 triệu USD cho vụ cháy hồi cuối tháng 3/2017

Báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, năm 2016 xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho xã hội, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm. Các vụ cháy xảy ra với nhiều đối tượng tài sản, thuộc nhiều ngành nghề từ sản xuất đến dịch vụ, ở nhiều địa phương. Trục lợi bảo hiểm vẫn có diễn biến phức tạp và tiếp tục gây lo ngại đối với ngành bảo hiểm.

Cũng theo số liệu từ IAV, trong năm 2016, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản có doanh thu khoảng 4.551 tỷ đồng, bồi thường hơn 1.165 tỷ đồng; với mảng bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản, doanh thu khoảng 4.364 tỷ đồng, bồi thường hơn 1.489 tỷ đồng.

Những năm gần đây, đặc biệt kể từ năm 2016, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ kiên quyết giảm khai thác kinh doanh các rủi ro có nguy cơ dễ xảy ra tổn thất hoặc tổn thất lớn thuộc mảng nghiệp vụ bảo hiểm hỏa hoạn. Kết quả, tỷ lệ bồi thường từ nghiệp vụ này dần được cải thiện.

Ghi nhận từ Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), định hướng khai thác kinh doanh giảm rủi ro xấu đã góp phần giúp tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ bảo hiểm hỏa hoạn năm 2016 giảm gần 20%.

Việc ngày càng nhiều công ty thuộc nhóm rủi ro 4, đồng thời đến từ Đài Loan, Trung Quốc xảy ra hỏa hoạn khiến các hãng bảo hiểm phi nhân thọ trong nước e ngại khi cấp đơn bảo hiểm.

Chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Đức Thắng cho biết, qua trao đổi với một số doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp này “sợ” bán bảo hiểm cháy nổ cho các doanh nghiệp đến từ Đài Loan, Trung Quốc, bởi thực tế đáng buồn là không ít doanh nghiệp sang Việt Nam mở công ty, sau một thời gian mua bảo hiểm cháy nổ là xảy ra cháy, tiền bồi thường bảo hiểm rất cao.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông mới đây, ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc PJICO cho biết, đối với nghiệp vụ bảo hiểm cháy và tài sản, Tổng công ty đặt kế hoạch doanh thu 292,5 tỷ đồng, nhưng hạn chế khai thác nhóm khách hàng là các doanh nghiệp Đài Loan.

Lãnh đạo phòng nghiệp vụ tài sản của một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn cho hay, những năm gần đây, số khách hàng là các công ty đến từ Đài Loan, Trung Quốc xảy ra hỏa hoạn ngày càng nhiều, chiếm 1/2 trong tổng số khách hàng doanh nghiệp lớn bị cháy của hãng bảo hiểm này.

Vị này chia sẻ, mặc dù không có ý kì thị hay phân biệt đối xử nhưng ông ngại các khách hàng có nguy cơ rủi ro cao này, dù tỷ lệ giữ lại bảo hiểm không nhiều (chủ yếu là tái bảo hiểm). Trước áp lực thắt chặt rủi ro và tăng hiệu quả trong hoạt động đối với từng nghiệp vụ bảo hiểm, ông rất thận trọng khi ký kết bảo hiểm với các doanh nghiệp Đài Loan. Có trường hợp ông lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi khách hàng mang quốc tịch Singapore, nhưng “gốc gác” là Đài Loan, lỡ ký hợp đồng bảo hiểm rồi nên đành chịu, hy vọng sẽ không có bất trắc gì xảy ra.

Mặc dù rủi ro cao, nhưng theo quy định hiện hành, không tính các sản phẩm bảo hiểm mang tính tự nguyện (được phép từ chối bán bảo hiểm) thì các sản phẩm bảo hiểm thuộc nhóm bắt buộc (như bảo hiểm cháy nổ bắt buộc), doanh nghiệp bảo hiểm không được phép từ chối hoặc gây khó khăn.

Bởi thế, đối với nhóm khách hàng “đặc biệt” nêu trên, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có thể áp dụng một số biện pháp kỹ thuật như siết chặt điều kiện, điều khoản, áp phí cao, chứ không thể từ chối yêu cầu mua bảo hiểm.  

Tin bài liên quan