Bảo hiểm thân thể là bảo hiểm tự nguyện, có thể áp dụng các hình thức khuyến mãi, giảm giá

Bảo hiểm thân thể là bảo hiểm tự nguyện, có thể áp dụng các hình thức khuyến mãi, giảm giá

Nên giảm phí bảo hiểm học sinh, thay vì chi hoa hồng cho nhà trường

(ĐTCK) Sau loạt bài phản ánh về việc cấm các cơ sở giáo dục, đào tạo (các trường) thu hộ phí bảo hiểm học sinh, sinh viên tự nguyện (thường được gọi là bảo hiểm thân thể) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ĐTCK tiếp tục nhận được các ý kiến, đề xuất nhằm giải quyết vấn đề này.

Giảm phí còn hơn “bán chui”

Bên cạnh thái độ ủng hộ việc cấm các trường thu hộ phí bảo hiểm, nhiều bậc phụ huynh đặt ra câu hỏi liệu có cơ chế giám sát nào không; cơ chế thưởng, phạt như thế nào nếu nhà trường vẫn cố tình thu phí bảo hiểm thân thể? Hay kết quả chỉ dựa trên báo cáo một chiều từ phía nhà trường lên Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Đáng chú ý, một ý tưởng được đưa ra đó là nên chăng giảm trực tiếp phí bảo hiểm học sinh, sinh viên tự nguyện, thay vì chỉ chăm chăm vào chi hoa hồng, cùng các khoản đáp lễ khác cho bên thứ ba là các cơ sở giáo dục/đào tạo, chủ yếu vẫn là nhà trường hay các cơ quan trung gian khác như hiện nay.

“Nên giảm tiền phí đóng bảo hiểm trực tiếp cho học sinh, thay vì tiếp tục bán theo kiểu chui lủi, hai bên vờ như chưa quen biết nhau dù cuối cùng, bên mua vẫn nhận được giấy chứng nhận bảo hiểm và bên bán nhận được tiền phí. Nếu giảm phí, cả người bán lẫn người mua đều hưởng lợi, thay vì bán thông qua kênh trung gian rồi lại phải chi hoa hồng như hiện nay”, anh Nguyễn Dũng (Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) đề xuất.

“Với số tiền phí bảo hiểm thân thể không cao, chỉ trên dưới 100.000 đồng/học sinh/năm, lại mang đến quyền lợi bảo vệ hữu ích nếu không may xảy ra rủi ro về sức khỏe, sẽ không khó để thuyết phục các phụ huynh bỏ tiền mua cho con em mình. Quan trọng vẫn là cách bán, bán với phí thế nào, quyền lợi ra sao. Cùng với đó là tăng cường nhận thức của người dân về ý nghĩa của loại bảo hiểm này”, chị Nguyễn T. Trang, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm chia sẻ.

Một phụ huynh tên Hùng, có con học tại Trường tiểu học Kim Đồng (Hà Nội) cho biết: “Rõ ràng, với việc bỏ qua kênh trung gian, ngoài việc được mua bảo hiểm với giá rẻ hơn, bên mua là phụ huynh, học sinh, sinh viên còn có điều kiện tiếp cận với sản phẩm một cách đầy đủ, công khai, minh bạch hơn, không còn mơ hồ như trước”.

Quan điểm giảm phí, ngoài nhận được sự đồng tình của đa số phụ huynh, còn nhận được sự đồng lòng của một số lãnh đạo DNBH, dù không nhiều.

“Đằng nào DNBH cũng phải chi từ hoa hồng cho đến các loại chi phí khác, nên hầu như nhân viên đi bán bảo hiểm không được gì ngoài định mức doanh thu để được hưởng lương cơ bản. Có DN chi tới 70-80% doanh thu phí, trong khi chi bồi thường khoảng 30%, vậy thì không còn lãi. Thế nên, thà rằng tiếp cận trực tiếp với các phụ huynh, học sinh, tư vấn kỹ quyền lợi để họ hiểu rồi mua bảo hiểm, còn hơn bán qua kênh trung gian”, lãnh đạo công ty thành viên của một DNBH nói.

Ủng hộ quan điểm giảm phí nhưng vẫn phải đảm bảo cân đối thu chi cho hoạt động của nhà bảo hiểm, lãnh đạo một DNBH lớn cho rằng, đây chính là thời điểm tốt để bảo hiểm học sinh, sinh viên được tiếp cận theo kiểu “cửa trước”, một cách chính danh, thuận mua vừa bán, chứ không còn theo lối mòn theo kiểu “cửa sau”, hoàn toàn dựa vào các trường.

Đề xuất giảm phí là có cơ sở khi trên thực tế, mức phí đang được các DNBH áp dụng quanh ngưỡng 100.000 đồng/học sinh/năm. Theo đó, bảo hiểm học sinh, sinh viên có mức giá từ 70.000 đồng, 80.000 đồng, hoặc lên tới 110.000 – 120.000 đồng/năm, tuy nhiên phổ biến ở mức 100.000 đồng/năm/học sinh.

Xét từ khía cạnh luật pháp, ghi nhận từ Bộ Tài chính cho thấy, bảo hiểm thân thể là một trong những sản phẩm bảo hiểm tự nguyện, do đó có thể áp dụng hình thức khuyến mại, giảm giá; không cố định giữ nguyên giá dưới mọi hình thức như các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc. 

Dễ mà khó

Giảm phí không quá khó nhưng phía DNBH thừa nhận, chặng đường phía trước sẽ đầy chông gai nếu không tiếp tục thông qua các kênh trung gian như nhà trường.

“Nếu không có “cửa vào” từ nhà trường, chúng tôi vẫn chưa hình dung ra mình sẽ tiếp cận các học sinh, phụ huynh như thế nào. Trước đây, khi hợp tác với nhà trường, việc được các trường chọn khi phải cạnh tranh với các DNBH đối thủ khác đã không dễ, huống chi là tự bơi”, một nhân viên bảo hiểm cho biết.

Biết là khó nhưng không phải là không thể thực hiện được. Nếu phải tự thân vận động, các DNBH cho rằng sẽ có nhiều việc phải làm trong khai thác bảo hiểm học sinh, sinh viên. Chẳng hạn, ngoài việc dùng tiền phí thu được để chi trả quyền lợi bồi thường (nếu có sau này) thì còn phải tuyên truyền tốt hơn về sản phẩm, đi đôi với việc làm tốt hơn bảo hiểm xã hội trong chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở giáo dục.           

Tin bài liên quan