Các nước trong khu vực vẫn là địa chỉ đầu tư trọng điểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

Các nước trong khu vực vẫn là địa chỉ đầu tư trọng điểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

Năm trầm lắng đầu tư ra nước ngoài của ngành bảo hiểm

(ĐTCK) Trái với không khí sôi động các năm trước, năm 2016, thị trường bảo hiểm nước ngoài mà các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đón nhận ít tin vui hơn.

Chi phí kinh doanh không còn rẻ

Tại Lào, lãi suất huy động giảm mạnh (giảm từ 11,5% xuống 8,6%/năm đối với kỳ hạn 1 năm) đã làm giảm lợi nhuận hoạt động đầu tư tài chính của các liên doanh bảo hiểm Việt Nam như Lane Xang, LVI. Đồng thời, tình hình cạnh tranh tại thị trường Lào cũng bắt đầu trở nên khốc liệt khi các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường bán lẻ.

Một điểm đáng chú ý khác là nền kinh tế Lào cũng không còn giữ tốc độ tăng trưởng cao trong 10 tháng đầu năm 2016, tác động nhất định tới các chỉ tiêu kinh doanh chính của LVI. Tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của LVI 10 tháng đầu năm chỉ đạt 7,5 triệu USD, lợi nhuận trước thuế đạt 1,1 triệu USD…, không khả quan so với con số doanh thu phí hơn 12,4 triệu USD năm 2015 (tăng 7,4% so với 2014).

Kết quả kinh doanh kém nổi bật trên của LVI tại Lào cũng ảnh hưởng đáng kể tới kết quả hợp nhất của BIC.

Tại Campuchia, mặc dù tốc độ tăng trưởng doanh thu toàn thị trường đạt khoảng 20%/năm, nhưng chi phí kinh doanh, đặc biệt là chi phí thuế cao khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm khó có đột phá. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc nhận chuyển nhượng vốn của BIC từ IDCC tại CVI vốn đã được lên kế hoạch từ năm 2014 tới nay mất nhiều thời gian cân nhắc.

Tình hình kinh doanh kém lạc quan khiến một tên tuổi khác là bảo hiểm BSH, doanh nghiệp từng cho biết cần ít nhất 220 tỷ đồng để thành lập công ty bảo hiểm tại Lào và Campuchia, tuy nhiên có vẻ kế hoạch này cũng chưa thể thực hiện ngay trong năm 2016.

Tại Myanmar, mặc dù các công ty bảo hiểm như BIC hay trước đó là PTI đã có kế hoạch và chuẩn bị để thành lập công ty bảo hiểm nhưng cũng chưa có tiến triển, vẫn cần phải chờ cho tới khi có được sự chấp thuận của Chính phủ Myanmar về mức độ mở cửa của thị trường bảo hiểm.

Những sự khác biệt

Mở đầu cho xu hướng đầu tư ra nước ngoài là Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), với việc tham gia góp vốn thành lập Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt tại Lào năm 2008 với các đối tác BCEL, LVB.

Sau đó, PTI cũng nối gót với việc góp vốn cùng Ngân hàng Phát triển Lào (LDB) thành lập Công ty Bảo hiểm Lane Xang năm 2010.

Kết quả kinh doanh ấn tượng tại Lào các năm trước đã thuyết phục BIC và PTI tăng tỷ lệ vốn góp tại hai liên doanh này. BIC đã tăng tỷ lệ góp vốn trong LVI từ 51% lên 65% vào năm 2013 còn PTI đã tăng tỷ lệ sở hữu từ 40 lên 50% vào năm 2015.

LVI đã khởi đầu làn sóng cho các doanh nghiệp Việt trong kế hoạch mở rộng hoạt động ra nước ngoài 

Ngoài thị trường Lào, bám theo chiến lược đầu tư của Ngân hàng mẹ BIDV, BIC cũng đã tham gia quản lý điều hành Công ty Bảo hiểm CVI tại Campuchia từ năm 2009 và năm 2015 đã thành lập Văn phòng đại diện tại Myanmar để làm tiền đề cho việc thành lập công ty bảo hiểm trong tương lai.

Cuộc chơi cũng lôi cuốn cả các ngân hàng khác, mới đây, Vietcombank đã xin ý kiến cổ đông về việc thành lập ngân hàng tại Lào, còn trước đó Sacombank đã chuyển đổi chi nhánh tại Lào thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài, các ngân hàng này đều cho biết, ngoài cung cấp các dịch vụ ngân hàng truyền thống sẽ cung cấp cả dịch vụ bảo hiểm và ngân hàng điện tử.

Ngân hàng SHB cũng đã có ngân hàng 100% tại Lào, Campuchia và đang dọn đường cho công ty con là bảo hiểm BHS lấn sâu các thị trường này trong tương lai không xa.

Có thể thấy việc đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt sang các thị trường hải ngoại mới chỉ tập trung vào thị trường ASEAN, đặc biệt là các nước như Lào, Campuchia hay Myanmar với các điều kiện thuận lợi về chính trị, cấp phép đầu tư, sự gần gũi về địa lý và liên quan về văn hóa, lịch sử. Sự mở rộng của bảo hiểm ở các nước này đa phần là bám theo chiến lược của các cổ đông lớn để có sự hỗ trợ về tài chính, quan hệ,…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kinh doanh tại các thị trường này hoàn toàn khác với thị trường bảo hiểm Việt Nam, đòi hỏi các công ty đầu tư nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu, nghiên cứu thị trường. Đặc biệt, khác với thị trường Lào, thị trường bảo hiểm Campuchia thậm chí còn phát triển hơn thị trường bảo hiểm Việt Nam, nên nhân sự phần lớn là bản địa. Thêm vào đó là những khác biệt về ngôn ngữ, tập quán, thói quen tiêu dùng… do vậy, khi có những biến động của thị trường hải ngoại, các doanh nghiệp Việt thường khó có thể phản ứng kịp thời.

Mặt khác, từ năm 2014, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã lấy lại được đà tăng trưởng 2 con số. Với sự cạnh tranh vốn cực kỳ khốc liệt của thị trường bảo hiểm Việt Nam, bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm không thể lơ là trên sân nhà. Đặc biệt, 2016 là năm các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện tái cơ cấu trên nhiều mặt để tăng hiệu quả kinh doanh, đặc biệt là cơ cấu lại danh mục sản phẩm, trong đó chú trọng nhiều hơn cho các sản phẩm và kênh phân phối bán lẻ cần nhiều chi phí đầu tư, khai thác, marketing, chăm sóc khách hàng,…

Vì vậy, những “nốt trầm” là điều khó tránh trong việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp sau nhiều năm dồn sức mang chuông đánh xứ người.

Vẫn là bàn đạp chiến lược

Trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Bảo hiểm, lãnh đạo các doanh nghiệp bảo hiểm đều cho biết, mặc dù năm 2016 có những khó khăn, nhưng thị trường hải ngoại vẫn là một bước đi chiến lược của các doanh nghiệp bảo hiểm nội. Quả ngọt trong quá khứ và tương lai hội nhập là những lý do chính.

Theo báo cáo năm 2015 của PTI, Công ty Bảo hiểm Lane Xang đã triển khai mạng lưới bán hàng thông qua 18 chi nhánh và khoảng 40 phòng giao dịch của Ngân hàng Phát triển Lào, doanh thu tăng gấp 10 lần so với lúc thành lập, đạt 20 tỷ kíp (khoảng 2,5 triệu USD).

Còn đối với BIC, sau khi hợp nhất kết quả kinh doanh năm 2013, hoạt động của LVI ngày càng tăng trưởng ấn tượng, đóng góp tới 25% tổng doanh thu hợp nhất trong kết quả chung của BIC (trong giai đoạn 2013-2015).

Hai liên doanh này đều nhanh chóng đạt lợi nhuận và hoạt động ngày càng hiệu quả, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của LVI trong 3 năm qua lên tới 60%/năm.

Tại Campuchia, kết quả kinh doanh của CVI ngày càng thuyết phục và được biết, từ năm 2014, BIC đã có kế hoạch nhận chuyển nhượng vốn từ IDCC, để có thể chính thức trở thành cổ đông của CVI sau nhiều năm tham gia quản lý, điều hành.

Tại Myanmar, ngân hàng mẹ BIDV của BIC cũng đã thành lập ngân hàng 100% vốn và đang tạo điều kiện cho BIC xúc tiến thành lập công ty bảo hiểm. Trong kế hoạch năm 2016, BIC sẽ hoàn thành việc nhận chuyển nhượng vốn từ IDCC tại CVI và sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ của LVI lên 6 triệu USD. Bảo hiểm PTI vẫn tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động của Lane Xang về cả thúc đẩy kinh doanh, tuyển dụng nhân sự…

Tất nhiên, các doanh nghiệp đều xác định, việc đầu tư ra nước ngoài không phải lúc nào cũng là màu hồng, thị trường có thể phải trải qua những “nốt trầm”, nhưng đây là “nốt trầm” cần thiết để các doanh nghiệp có thêm bài học và kinh nghiệm quản trị cần thiết cho các bước đi dài hơn trong tương lai.

Tin bài liên quan