Mặt trái của bancassurance

Mặt trái của bancassurance

(ĐTCK) Hàng loạt khách hàng cũ của nhân viên kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm bỗng dưng trở thành khách hàng của gói bancassurance. Không ít người có ý định bỏ nghề vì thu nhập theo doanh số bị mất.

Chi phí không thấp như kỳ vọng

Bancassurance là mô hình mà các ngân hàng thương mại tham gia vào kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm. Bancassurance xuất hiện ở châu Âu vào những năm đầu thế kỷ 21 và dần trở thành kênh phân phối chính cho các sản phẩm bảo hiểm.

Ở Việt Nam, vài năm gần đây, bancassurance được các doanh nghiệp bảo hiểm xem là kênh phân phối tiềm năng bên cạnh các kênh truyền thống. Hàng loạt ghi nhớ hợp tác đến thỏa ước liên kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng được ký kết, khởi đầu liên quan đến sản phẩm nhân thọ và gần đây là thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Khác với mô hình tổng đại lý thông thường, khi liên kết phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tiết kiệm chi phí vì tận dụng được mạng lưới, nguồn nhân lực của hệ thống ngân hàng là đối tác. Trong khi đó, nếu hoạt động theo mô hình tổng đại lý thông thường thì doanh nghiệp bảo hiểm phải tốn nhiều chi phí, hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng ban đầu để xây dựng thị trường.

Với đà hợp tác giữa ngân hàng - bảo hiểm như hiện nay, kênh bancassurance đang góp phần phát triển thị trường, nhưng ở một góc nhìn khác, kênh này trở thành kẻ chiếm thị phần cũ, “giết chết” các kênh truyền thống đang hoạt động ổn định.

Sự cạnh tranh khốc liệt đã dẫn đến một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đưa ra mức chi phí lên đến 20% doanh thu để thuyết phục ngân hàng chấp nhận làm đối tác độc quyền cho mình.

Mức này cao hơn nhiều lần so với hoa hồng cho đại lý và chiếm hơn 90% định mức chi phí cần thiết cho các phòng kinh doanh khu vực. Vấn đề đặt ra là, với những gì mà ngân hàng thực sự tham gia, họ có xứng đáng được hưởng mức chi phí cao như vậy?

Đáng quan ngại hơn, việc doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chính sách chi trả hoa hồng, thù lao cao đột biến nhằm lôi kéo toàn bộ hệ thống kinh doanh của ngân hàng đang hợp tác với doanh nghiệp bảo hiểm khác về với mình sẽ gây xáo trộn nhất định tới các hoạt động chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm hiện hữu, có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng và uy tín của doanh nghiệp.

Nhân viên và đại lý mất khách hàng cũ

Theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng, mọi đối tượng bảo hiểm có liên quan đến dịch vụ của ngân hàng (liên quan đến tín dụng tiêu dùng của cá nhân, tín dụng thương mại của doanh nghiệp, tài sản thế chấp...) đều thuộc về nhóm bancassurance.

Điều này dẫn đến hàng loạt khách hàng cũ (các chủ xe, chủ nhà tư nhân, người đi vay tiền...) của nhân viên kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm bỗng dưng trở thành khách hàng của gói bancassurance. Tất cả các hoạt động tư vấn, thẩm định rủi ro trước khi tái tục hợp đồng trở nên làm “không công” cho hệ thống bancassurance.

Tất cả những chi phí mà họ đã bỏ ra để chăm sóc khách hàng, duy trì mối quan hệ lâu nay giờ chỉ có thể bù đắp bằng định mức còm cõi (2 - 3% doanh thu) sau khi đã chuyển phần lớn cho ngân hàng, mặc dù ngân hàng không tham gia vào hoạt động chào bán và tư vấn cho những khách hàng này. Trong khi đó, tư vấn bảo hiểm, thẩm định rủi ro đều là những khâu quan trọng trong thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Trước tình hình đó, các phòng kinh doanh bảo hiểm khu vực liên tục phản ánh lên lãnh đạo chi nhánh của các công ty bảo hiểm, nhưng đều nhận được phản hồi rằng, đó là chủ trương của doanh nghiệp nên tất cả đều phải thực hiện. Không ít nhân viên bảo hiểm và đại lý bảo hiểm tỏ ra chán nản và có ý định bỏ nghề vì thu nhập theo doanh số bị mất.

Một lực lượng lao động đã qua đào tạo, có kinh nghiệm nếu rời bỏ ngành sẽ là một tổn thất không nhỏ và không đảm bảo về mặt nghiệp vụ cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong tương lai.

Một năm trước, vấn đề tương tự của bancassurance cho lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đã được đặt ra và sau đó được rà soát giải quyết. Lần này, đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, bao giờ sẽ có câu trả lời từ cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam? Ngoài ra, liệu việc hợp tác theo hình thức độc quyền trong liên kết ngân hàng - bảo hiểm có vi phạm luật cạnh tranh, có ảnh hưởng đến sự phát triển theo cơ chế thị trường hay không cũng là vấn đề cần xem xét. 

Theo quy định tại Thông tư số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, sau khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bảo hiểm của khách hàng, nếu các hồ sơ yêu cầu bảo hiểm không yêu cầu phải thẩm định hoặc được ủy quyền cho phía ngân hàng thẩm định theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm thì ngân hàng sẽ phát hành hợp đồng bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm cho khách hàng theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Đối với các hồ sơ yêu cầu bảo hiểm yêu cầu phải thẩm định trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm, ngân hàng chuyển hồ sơ cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ để tiến hành thẩm định.

Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phát hành hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm cho khách hàng hoặc ủy quyền cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm cho khách hàng.

Tin bài liên quan