VPBank khẳng định không có kế hoạch M&A trong thời gian tới

VPBank khẳng định không có kế hoạch M&A trong thời gian tới

M&A ngân hàng: bên sốt sắng, bên dửng dưng

(ĐTCK) Khá nhiều ngân hàng đang “đánh tiếng dò đường” với dư luận, cổ đông, đối tác của mình và cơ quan chức năng về kế hoạch muốn “về cùng một nhà” với ngân hàng khác. Trong khi đó, không ít ngân hàng lại tỏ ra khá dửng dưng với xu thế này.

Bên dửng dưng

Tại ĐHCĐ VPBank diễn ra đầu tuần này, một cổ đông đã đặt câu hỏi với HĐQT và Ban điều hành về việc Ngân hàng có kế hoạch sáp nhập với một ngân hàng TMCP lớn không? Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank khẳng định, Ngân hàng hiện đang phát triển tốt, nên không có lý do gì phải đi sáp nhập với một ngân hàng quốc doanh khác.

Đối với câu hỏi của ĐTCK về việc hoạt động M&A đã và đang là xu hướng mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng, nếu không sáp nhập với một ngân hàng khác, liệu VPBank có tính toán đến việc nhận sáp nhập một TCTD, ông Dũng nhấn mạnh, việc sáp nhập hay không đều phải phục vụ cho một mục tiêu nào đó và với mô hình của VPBank, không phụ thuộc vào việc có nhiều chi nhánh thì việc sáp nhập là không cần thiết.

“Những năm qua, VPBank đã có bước tăng trưởng khá cao, trung bình 30 - 35%/năm. Do đó, việc đi sáp nhập với một ngân hàng khác chỉ được xem xét khi có cơ hội, nhưng không được đặt ra như một vấn đề cấp thiết, cần phải làm ngay đối với Ngân hàng. Bởi việc đi sáp nhập với ngân hàng khác sẽ kéo theo nhiều vấn đề như tổ chức, nhân sự, văn hóa”, ông Dũng nói.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng TMCP cỡ trung tại TP. HCM cho biết, ngân hàng ông mấy năm trước cũng có kế hoạch M&A, tuy nhiên không tìm được đối tác phù hợp. Ngân hàng đã quyết định dừng kế hoạch M&A và xác định “tự đi bằng đôi chân của mình”.

Tìm hiểu của ĐTCK tại một số NHTM khác như Oceanbank, VIB, Techcombank thì thấy các ngân hàng này cũng không có kế hoạch M&A trong tương lai gần, mà đang tập trung vào mục tiêu bảo toàn vốn, thu hồi nợ và phát triển bền vững.

Bên sốt sắng

MekongBank (MDB) tiền thân là ngân hàng TMCP Nông thôn Mỹ Xuyên (An Giang), đến năm 2008 được chuyển đổi thành ngân hàng đô thị. Vốn điều lệ của MDB đã tăng từ 24,7 tỷ đồng vào năm 2005 lên 3.750 tỷ đồng hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, quá trình tăng vốn quá nhanh của MDB có yếu tố “ảo” và có công lớn của Maritime Bank. Hiện hai ngân hàng này có mối quan hệ khá phức tạp. Cụ thể, Maritime Bank đang nắm 10,16% vốn MDB, chưa kể khoản đầu tư ủy thác thông qua CTCP Quản lý Quỹ Tín Phát -TPF (khoảng 282 tỷ đồng).

Trong tài liệu chuẩn bị cho ĐHCĐ 2014 được chính Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) công bố, HĐQT có đưa ra kế hoạch sáp nhập với Vietinbank, mà vẫn giữ nguyên bộ máy hoạt động và thương hiệu PG Bank. Thương vụ này được đánh giá là nhằm né thoái vốn ngoài ngành của Tập đoàn Petrolimex, cổ đông đang nắm tới 40% cổ phần của PG Bank. Trong khi đó, đến năm 2015, theo tiến trình tái cơ cấu các tập đoàn, DNNN, Petrolimex sẽ phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại PG Bank xuống còn 20%.

“Nếu PG Bank sáp nhập vào VietinBank, tỷ lệ sở hữu của Petrolimex tại ngân hàng sau sáp nhập sẽ giảm mạnh”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhìn nhận.

Hay câu chuyện VietABank đề nghị cổ đông ủy quyền cho HĐQT nghiên cứu, đàm phán và đề xuất phương án sáp nhập với TCTD khác hoặc Ngân hàng TMCP Bản Việt và Ngân hàng TMCP Nam Á đang tính chuyện về với nhau dù hai bên vẫn chưa xác định chính thức… được thị trường đánh giá có lý do “chạy nợ xấu”…

Mặc dù không còn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT SouthernBank, nhưng ông Trầm Bê và gia đình đang là cổ đông lớn chi phối tới 21% của ngân hàng này. Trong khi tại Sacombank, nhóm cổ đông này cũng đang nắm giữ khoảng 6,7%. Do đó, qua thương vụ M&A Southern Bank về với Sacombank, ông chủ lớn của cả hai ngân hàng này là Trầm Bê (và gia đình) giảm tỷ lệ sở hữu về dưới mức tối đa cho phép (5% đối với cá nhân và 20% đối với cổ đông và người liên quan), nhưng thế lực lại không hề giảm đi và sẽ còn mạnh hơn khi quyền lực thu về một mối.

Rầm rộ lên kế hoạch M&A, vì sao?

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, năm 2014, sẽ tiếp tục tái cấu trúc các TCTD đợt 2. Trong quý I vừa qua, NHNN đã đề nghị các TCTD hai biện pháp là NHNN sẽ trực tiếp vào thanh tra hoặc giao cho các công ty kiểm toán độc lập lớn vào kiểm toán chất lượng tín dụng. “Trên cơ sở đó, từ quý II, sẽ bắt đầu loạt chương trình tái cấu trúc một số TCTD mới. Dự kiến, trong năm 2014, sẽ xử lý tiếp 6 - 7 ngân hàng, đưa tổng số ngân hàng bị giải thể, rút giấy phép lên khoảng từ 7 - 10 ngân hàng”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thông tin.

“Rõ ràng, với thông tin đã được người đứng đầu hệ thống công bố, các TCTD đã nhận được thông điệp về số lượng sẽ bị rút gọn, nên muốn tồn tại trong thời điểm này thì TCTD phải đủ lớn, đủ mạnh”, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng phân tích, một TCTD có hai cách phát triển, dùng nội lực để tăng trưởng và một cách khác nhanh hơn, đó là qua M&A. Một số ngân hàng tự lượng sức mình không kham được gánh nặng như xử lý nợ xấu, trụ vững và phát triển trước bối cảnh thị trường đầy khó khăn, nên phải tính đến phương án M&A.

“Sáp nhập vào ngân hàng khác là giải pháp cuối cùng để thoát khỏi khó khăn hiện tại”, TS. Hiếu nhìn nhận.

Còn vị tổng giám đốc NHTM trên cho rằng, xu hướng M&A hiện nay rất rõ, ngân hàng yếu kém quá sẽ buộc phải nhập vào ngân hàng khác mạnh hơn hoặc cùng một sở hữu thì phải gộp lại. “Còn hiện tượng 2 TCTD khỏe nhập lại với nhau do cùng chung lợi ích chưa thấy xuất hiện và sẽ còn lâu nữa mới xuất hiện”, vị này nói.

Một lãnh đạo cao cấp NHNN nêu quan điểm, M&A là giải pháp rất hữu hiệu để xử lý các TCTD yếu kém, là giải pháp kinh tế nhất đối với xã hội, nhằm giảm thiểu việc sử dụng ngân sách nhà nước, tận dụng tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân trong quá trình cơ cấu lại, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền, duy trì an toàn, ổn định hệ thống. Đây cũng là biện pháp đem lại nhiều lợi ích đối với các TCTD hoạt động bình thường, vì qua đó, các TCTD nâng quy mô hoạt động, tăng lợi thế trong kinh doanh.                            

Tin bài liên quan