Ảnh Internet

Ảnh Internet

Khó thu phí bảo hiểm 30 ngày đối với dự án nhà nước

(ĐTCK) Là quy định pháp lý có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2015, Thông tư 194/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/2/2015 dù được đánh giá rất tích cực, song cũng đang xuất hiện những vướng mắc.

Tích cực

Tại Hội nghị thường niên Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam ngày 28/3, khẳng định môi trường pháp lý được tăng cường đã tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh bảo hiểm, các thành viên đã chỉ rõ một số điểm tích cực.

Cụ thể, Thông tư 194 không cho phép DN bảo hiểm nợ phí nếu không có bảo lãnh hoặc tài sản đảm bảo làm cho khâu khai thác bảo hiểm tuy có khiến DN gặp khó giai đoạn đầu, nhưng đã góp phần ngăn chặn tình trạng nợ đọng phí bảo hiểm, làm cho hiệu quả kinh doanh DN bảo hiểm phi nhân thọ tốt hơn.

Trước đó, sau hơn 1 năm thực hiện Thông tư 194, đại diện cho khối phi nhân thọ, Bảo hiểm PVI cũng từng có những chia sẻ về các điểm tích cực lẫn vướng mắc cần thay đổi trước các cơ quan liên quan.

Nhờ có Thông tư 194, trong quá trình đàm phán, thương thảo hợp đồng cũng như giám sát tình hình thực hiện hợp đồng, các DN bảo hiểm có căn cứ để giải thích với khách hàng và đề nghị khách hàng tuân thủ quy định về thời hạn thanh toán theo Thông tư 194.

“Việc ghi nhận theo Thông tư 194 đã giúp cho DN bảo hiểm thu phí bảo hiểm nhanh hơn, quản lý tốt hơn công nợ phí bảo hiểm, đảm bảo biên khả năng thanh toán và hiệu quả dòng tiền”, đại diện Bảo hiểm PVI cho biết.

Ngoài ra, theo Thông tư 194, kỳ thu phí thứ 2 trở đi chỉ được ghi nhận khi đã thu được phí bảo hiểm cũng giúp đảm bảo dòng tiền thực của DN bảo hiểm, tránh được tình trạng ghi nhận doanh thu và nộp thuế trong khi tiền phí chưa thu được và khoản nợ có thể rơi vào tình trạng tồn đọng, khó đòi. 

Vướng mắc

Ngoài những điểm tích cực, trong quá trình thực hiện quy định về thời hạn thu phí bảo hiểm và thời điểm hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm của Thông tư 194, các DN bảo hiểm cũng cho biết, họ đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, việc thanh toán phí bảo hiểm chỉ được thực hiện theo tiến độ giải ngân, trong một số trường hợp có thể kéo dài đến sau khi dự án đã hoàn thành. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 194, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm không được vượt quá 30 ngày kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực (đối với trường hợp đóng phí bảo hiểm theo kỳ là kỳ đóng phí đầu tiên).

“Rất nhiều các dự án có vốn đầu tư của ngân sách nhà nước không chấp thuận và không thể thực hiện được việc thanh toán phí trong vòng 30 ngày kể từ ngày hiệu lực bảo hiểm. Ngoài ra, các dự án này cũng không thực hiện thế chấp tài sản để thực hiện việc gia hạn thanh toán phí bảo hiểm”, Bảo hiểm PVI cho biết.

Trong khi đó, các đơn bảo hiểm thu xếp qua môi giới theo chỉ định của khách hàng hoặc chương trình bảo hiểm được cấp theo điều kiện, điều khoản bảo hiểm do nhà đứng đầu nhận tái bảo hiểm đưa ra với thời hạn thanh toán thông thường là 60 ngày, 75 ngày, thậm chí là 90 ngày. Với những đơn bảo hiểm được khách hàng chỉ định, DN bảo hiểm chỉ đóng vai trò làm nhà bảo hiểm gốc cho cả khách hàng trong nước và nước ngoài, do đó việc thanh toán trong vòng 30 ngày kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực rất khó để yêu cầu/thuyết phục khách hàng sửa đổi.

Do đó, trong quá trình thực hiện đơn bảo hiểm, vì một số lý do khách hàng chưa thể thanh toán ngay đúng hạn cho DN bảo hiểm mà sẽ yêu cầu lùi thời hạn thanh toán  khoảng 15 - 20 ngày sau thời hạn thanh toán cũ và DN bảo hiểm thường buộc phải cấp sửa đổi bổ sung để xác nhận việc này. Khi đó, theo Thông tư 194, trường hợp này cần tài sản đảm bảo hay bảo lãnh thanh toán của ngân hàng, nhưng việc yêu cầu khách hàng thực hiện đang gặp phải rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với khách hàng nước ngoài hoặc dự án sử dụng ngân sách.

Chưa kể, việc thực hiện thủ tục thế chấp tài sản hoặc bảo lãnh ngân hàng theo quy định tại Thông tư 194 rất khó thực hiện, đặc biệt là hình thức thế chấp tài sản do thủ tục pháp lý phức tạp.

Vì vậy, để hỗ trợ DN bảo hiểm có môi trường pháp lý thuận lợi hơn trong kinh doanh, ngoài kiến nghị không áp dụng thời hạn thu phí bảo hiểm như đang quy định theo Thông tư 194 đối với các dự án có vốn ngân sách nhà nước, Bảo hiểm PVI còn đưa ra đề xuất đối với Bộ Tài chính đối với các đơn bảo hiểm do nhà nhận tái đứng đầu/môi giới thu xếp với khách hàng.

“Đối với các đơn bảo hiểm do nhà nhận tái đứng đầu/môi giới thu xếp với khách hàng, cần cho phép DN bảo hiểm chủ động xem xét gia hạn thanh toán phí thêm tối đa 30 - 60 ngày so với quy định hiện hành tại Thông tư 194; cần bổ sung thêm các hình thức bảo lãnh linh hoạt khác được pháp luật cho phép để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của các DN bảo hiểm (như bảo lãnh của bên thứ ba, bảo lãnh tín chấp”, Bảo hiểm PVI cho biết.

Được biết, phía cơ quan quản lý cũng đã ghi nhận những khó khăn trên và đang trong quá trình tiếp thu thêm các ý kiến khác để nghiên cứu sửa đổi.

Tin bài liên quan