Kể từ ngày 13/9 đến nay, vẫn chưa có kết quả giám định sự cố tại Thủy điện Sông Bung 2. Ảnh: Dân Trí

Kể từ ngày 13/9 đến nay, vẫn chưa có kết quả giám định sự cố tại Thủy điện Sông Bung 2. Ảnh: Dân Trí

Khắc phục hậu quả sự cố Sông Bung 2: Còn chờ kết quả giám định!

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán vừa nhận được phản ánh của chủ đầu tư công trình Thủy điện Sông Bung 2 về việc nhà thầu bảo hiểm của công trình này là CTCP Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC) chậm trễ trong việc khắc phục hậu quả sự cố vỡ ống dẫn dòng vào ngày 13/9 vừa qua.

Theo phản ánh, có 3 nhà bảo hiểm tham gia bảo hiểm công trình Thủy điện Sông Bung 2, trong đó, GIC là nhà bảo hiểm chính, còn Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm Hàng Không là 2 nhà đồng bảo hiểm.

Về phía chủ đầu tư, ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 2, chủ đầu tư dự án Thủy điện Sông Bung 2 khi trả lời báo chí từng cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ ống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 hôm 13/9, gây thiệt hại cả về người và tài sản, chủ đầu tư đã thông báo tới nhà bảo hiểm GIC, nhưng đến chiều ngày 15/9 vẫn chưa thấy có mặt.

Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Hoàng Chung Thủy, Tổng giám đốc GIC bày tỏ sự ngạc nhiên, khi không hiểu vì sao chủ đầu tư lại cho rằng phía nhà bảo hiểm chậm trễ, bởi thực tế, sau 2 ngày xảy ra sự cố, GIC đã cử đơn vị giám định độc lập tới hiện trường để thực hiện các phần việc liên quan. Ông Hải cũng đưa ra lý do khiến nhân viên của hãng bảo hiểm chưa thể có mặt ngay ở hiện trường khi đó.

“Khác với các sự cố liên quan đến xe cơ giới, với bảo hiểm công trình, sau khi nhận được thông tin sự cố, hãng bảo hiểm sẽ cử/thông báo người liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ cần giải quyết tại thời điểm đó ra hiện trường, cụ thể là nhân viên giám định tổn thất/thiệt hại, chứ không cử người của hãng bảo hiểm ra ngay hiện trường được. Bởi nếu hãng bảo hiểm có ra cũng chỉ hỗ trợ về mặt tinh thần cho khách hàng, còn chưa thể giải quyết ngay được các phần việc về tài chính, hay liên quan đến bồi thường bảo hiểm vì còn chờ kết quả giám định”, ông Thủy nói và khẳng định, việc bồi thường sau này sẽ được giải quyết theo đúng cam kết trong hợp đồng.

Theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán từ thực tế các vụ tai nạn xe cơ giới nói chung, xe ô tô nói riêng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, thông thường, hãng bảo hiểm sẽ cử đoàn cán bộ triển khai ngay các công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả, thăm hỏi người tham gia bảo hiểm bị thương, chia buồn với gia đình có người không may tử vong, thậm chí tạm ứng ban đầu số tiền bảo hiểm... Sau đó, sẽ cùng các bên liên quan khẩn trương thu thập, hoàn tất hồ sơ để chi trả bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.

Trở lại với sự cố Sông Bung 2, trả lời về công tác phối hợp với chủ đầu tư khắc phục hậu quả, hay xác định trách nhiệm thuộc phạm vi của nhà bảo hiểm từ ngày 15/9 đến nay, ông Thủy cho biết, GIC đã chỉ định công ty giám định thực hiện và đang chờ kết quả giám định, cũng như các kết quả liên quan khác từ các cơ quan chức năng, từ đó mới xác định được mức bồi thường cụ thể.

“Kết quả giám định sơ bộ sẽ sớm có và trên cơ sở đó, phía nhà bảo hiểm mới có căn cứ để bồi thường. Nhà bảo hiểm chỉ có thể giải quyết bồi thường khi có kết luận của cơ quan chức năng, từ đó mới xác định được mức thiệt hại đó có thuộc trách nhiệm bồi thường của nhà bảo hiểm hay không, có điểm loại trừ nào không”, ông Thủy nói và cho biết thêm, sau khi xác định được mức tổn thất thuộc phạm vi bồi thường của nhà bảo hiểm, GIC sẽ thực hiện các phần việc của nhà bảo hiểm chính, sau đó sẽ phân bổ mức trách nhiệm (theo tỷ lệ đồng bảo hiểm) đối với Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm Hàng không.

Được biết, dự án này có vốn đầu tư ban đầu là hơn 3.600 tỷ đồng, nhưng trong quá trình thi công đã đội thêm 1.600 tỷ đồng vốn do tăng chi phí về thiết bị, chi phí đền bù và giải phóng mặt bằng... khiến tiến độ thi công chậm 1 năm so với kế hoạch. Vấn đề này có ảnh hưởng gì đến việc đàm phán tăng thêm phí của nhà bảo hiểm hay không hiện vẫn để ngỏ, bởi thực tế, từng có trường hợp công trình đang xây dựng dở dang, bị chậm tiến độ, khiến chủ đầu tư và nhà bảo hiểm không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến công trình không được bảo hiểm. Bên cạnh đó, liên quan đến việc bảo đảm an toàn trong quá trình thi công, Đầu tư Chứng khoán đưa ra một số thắc mắc như chủ đầu tư đã mua những loại bảo hiểm nào cho công trình, có mua bảo hiểm trách nhiệm công trình hay không, tuy nhiên, ông Thủy từ chối cung cấp thông tin với lý do liên quan đến tính bảo mật của hợp đồng và chỉ cung cấp khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.

Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả khi có thêm thông tin mới.

Tin bài liên quan