Bảo Minh, PTI, PJICO… dự kiến tăng trưởng 5 - 10%
Theo kế hoạch kinh doanh dự kiến, các doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn như Bảo Minh, PTI, PJICO đưa ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu trong khoảng 5 - 10%, trong đó 10% là mức cao nhất nếu thị trường có những yếu tố tích cực hơn so với dự báo. Một số doanh nghiệp lên kế hoạch tăng trưởng rất thấp, thậm chí không tăng trưởng.
Năm 2018, Bảo Minh đưa ra mục tiêu đạt tổng doanh thu 4.318 tỷ đồng, tăng 5,6%. Năm 2017, hãng bảo hiểm này đạt 4.089 tỷ đồng tổng doanh thu, vượt 4,36% kế hoạch. Trong đó, phí bảo hiểm gốc đạt 3.411 tỷ đồng, vượt 2,68% kế hoạch và tăng 9,96% so với năm 2016.
Theo ông Bùi Xuân Thu, Tổng giám đốc PTI, năm nay, thị trường bảo hiểm nhiều khả năng tiếp tục có sự cạnh tranh khốc liệt, tình hình diễn biến thiên tai khó dự đoán.
Mảng sản phẩm bảo hiểm bán lẻ tại thị trường bảo hiểm Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng cạnh tranh rất khốc liệt, nên đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, đây vẫn là sân bóng không dễ đá
“Với mục tiêu kiểm soát tỷ lệ bồi thường, duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, chúng tôi dự kiến tăng trưởng doanh thu năm 2018 ở mức bình quân chung toàn thị trường là khoảng 8%”, ông Thu chia sẻ. Năm 2017, doanh thu của PTI đạt 3.331 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2016.
Với PJICO, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu năm nay tăng 8 - 10%. Công ty dự kiến sẽ phát triển nhóm khách hàng có vốn đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh các kênh bán hàng đang là xu thế như bancassurance, online…
BIC, MIC…, mục tiêu tăng 16 - 20%
Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần còn nhỏ, chỉ tiêu tăng trưởng năm 2018 được đặt ra ở mức khả quan hơn so với mức phổ biến 8 - 12% của toàn thị trường.
Chẳng hạn, BIC phấn đấu hoàn thành mục tiêu 2.100 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, tăng 16% so với năm 2017 và phấn đấu có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Được biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm của BIC năm 2017 đạt 1.810 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2016. Tỷ lệ bồi thường gốc năm 2017 ở mức 41,6%, thấp hơn so với mức 40,3% năm 2016 và thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Hay MIC, năm 2018 đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 20%, tỷ lệ bồi thường dưới 32%. Năm ngoái là năm khá thành công với hãng bảo hiểm quân đội này khi lần đầu tiên cán đích doanh thu 2.123 tỷ đồng, tăng 11%, thị phần tăng từ 4,5% lên 5%.
Theo một số chuyên gia trong ngành, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2018 dự báo sẽ có những thay đổi quan trọng, chủ yếu đến từ các hoạt động quản lý chi phí trước sức ép của cổ đông.
Các doanh nghiệp trong nước đã đặt ra các chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn, một phần nhằm đối phó với khả năng giá xe ô tô sẽ giảm sâu do ảnh hưởng của việc miễn thuế xe nhập khẩu, cũng như những hậu quả tiêu cực khi buộc phải tăng phí để cắt lỗ.
Doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới chiếm đến 40% tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn thị trường, do đó không có gì lạ khi những thay đổi về chính sách và sức mua của thị trường ô tô đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường bảo hiểm.
Bảo hiểm ngoại vẫn loay hoay
Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, năm 2018 được nhận định vẫn gặp nhiều khó khăn. Yếu thế trong cuộc chiến giảm phí và quan hệ, hàng chục doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài cộng lại chưa bao giờ vượt quá được mốc 10% thị phần.
Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp như AIG, AAA, Liberty… đã phải liên tục tái cấu trúc, cắt giảm nhân sự, thay đổi chiến lược, nhằm giảm chi phí cố định. Các hoạt động marketing, xây dựng thương hiệu hầu như bị bỏ ngỏ, khiến các doanh nghiệp này không chỉ không theo kịp đà tăng trưởng của các doanh nghiệp trong nước, mà còn liên tục bị sụt giảm doanh thu.
“Mảng sản phẩm bảo hiểm bán lẻ tại thị trường bảo hiểm Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng cạnh tranh rất khốc liệt, nên đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, đây vẫn là sân bóng không dễ đá”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.