Với hình thức bảo hiểm trả góp, khách hàng phải lưu ý đến nguồn tiền, tránh việc chậm nộp phí bảo hiểm

Với hình thức bảo hiểm trả góp, khách hàng phải lưu ý đến nguồn tiền, tránh việc chậm nộp phí bảo hiểm

“Hậu” mua sản phẩm bảo hiểm trả góp lãi suất 0 đồng

(ĐTCK) PTI vừa lần đầu áp dụng việc mua bảo hiểm trả góp không lãi suất đối với chủ thẻ của 3 ngân hàng VIB, HSBC và Sacombank. 

Điều này là không mới, bởi trước đó, một số doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã áp dụng việc đóng phí nhiều kỳ, song lại đặt ra một vài lưu ý đối với người mua bảo hiểm PTI trả góp nói riêng, cũng như bảo hiểm nói chung.

Khoan bàn về những lợi ích mà phía PTI cũng như các ngân hàng bảo lãnh được thụ hưởng liên quan đến việc quản lý dòng tiền từ việc bán bảo hiểm theo hình thức trả góp hiện đang khá phổ biến, cũng không cần nói nhiều đến tính hấp dẫn của dịch vụ mua bảo hiểm trả góp lãi suất 0 đồng và được hưởng mức giảm phí 10% (đối với mua bảo hiểm ô tô), dù trước đó, PTI từng áp dụng hình thức khuyến mại “khủng” với mức giảm phí lên tới 40%. Ở đây, chỉ tập trung bàn về một nội dung cần lưu ý, đó là với hình thức bán bảo hiểm trả góp không lãi suất này thì việc bồi thường có được đảm bảo như đóng phí đủ 1 lần?

Theo thông báo của PTI, đây là sản phẩm bảo hiểm với hình thức thanh toán phí theo kỳ lần đầu tiên được đưa ra thị trường tại kênh bán hàng trực tuyến của Công ty. Cụ thể, khi tham gia bảo hiểm vật chất ô tô tô, khách hàng có thể lựa chọn hình thức thanh toán 1 lần hoặc thanh toán theo nhiều lần theo tháng (3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng), áp dụng từ 10/7 đến 31/12/2016.

Thực tế cho thấy, ngay sau khi đưa ra hình thức mua bảo hiểm mới kể trên, Trung tâm Chăm sóc bán hàng trực tuyến của PTI, cũng như Báo Đầu tư Chứng khoán đã nhận được một số phản ánh của độc giả băn khoăn về dịch vụ “hậu” bán bảo hiểm, bởi đây là sản phẩm/dịch vụ đặc biệt, không giống với các sản phẩm trả góp thông thường khác khi có thêm quyền lợi bồi thường.

“Không rõ khi đóng phí bảo hiểm trả góp thì tỷ lệ bồi thường sau này có bị ảnh hưởng, có bị chia nhỏ tương ứng với tỷ lệ đóng phí hay không? Ví dụ, với tổng mức phí phải đóng mỗi năm là 16 triệu đồng khi mua bảo hiểm vật chất xe ô tô có quyền lợi được bồi thường nếu xe bị cháy (sự cố được bảo hiểm ở mức cao nhất), nhưng khách hàng mới đóng xong đợt 1 (khoảng 4 triệu đồng), thì khách hàng được bồi thường đầy đủ hay chỉ một phần do chưa đóng hết phí?”, anh Trần Công Hùng băn khoăn.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, PTI cho biết, trong trường hợp khách hàng không may xảy ra sự cố trong khi chưa đóng đủ phí theo năm, thì vẫn được bồi thường như bình thường sau khi hoàn tất các khoản phí các đợt còn lại.

Điều này cũng được quy định rõ tại Thông tư 194/2014/TT-BTC, theo đó, trường hợp đóng phí bảo hiểm theo kỳ, nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm trong thời hạn thanh toán phí bảo hiểm, công ty bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm và được phép thu toàn bộ số phí bảo hiểm phải đóng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

Việc bán sản phẩm bảo hiểm theo hình thức trả góp lãi suất 0 đồng không phải là mới, vì trước đó, một số doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã áp dụng đóng phí nhiều kỳ (2-4 kỳ/năm) chủ yếu cho các hợp đồng bảo hiểm lớn. Điểm khác ở đây là cho nợ phí với cả khách hàng cá nhân (mua qua kênh bán hàng trực tuyến), có bảo lãnh thanh toán (ngân hàng), giúp doanh nghiệp bảo hiểm bớt nỗi lo mất phí.

Theo đó, việc đóng phí bảo hiểm theo định kỳ sẽ được thông báo và tiến hành cùng với việc thanh toán ghi nợ thẻ tín dụng của chủ thẻ khi tham gia chương trình. Điều này, theo các ngân hàng bảo lãnh, cũng đồng nghĩa với việc tiền đóng phí bảo hiểm được sử dụng hoàn toàn bằng nguồn tiền của ngân hàng và đến hạn, ngân hàng sẽ tự động trích nộp cho doanh nghiệp bảo hiểm, còn khách hàng sẽ chuyển tiền bổ sung cho ngân hàng bằng cách nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Theo các chuyên gia tài chính, với hình thức trả góp nói riêng và đóng phí theo kỳ nói chung, khách hàng phải lưu ý đến nguồn tiền để bảo đảm quyền lợi cho mình, nhất là khi có sự tham gia của bên thứ ba là ngân hàng hay môi giới. Bởi nếu không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thanh toán do sơ suất của bên thứ ba, thì hợp đồng bảo hiểm sẽ tự động chấm dứt hiệu lực khi hết thời hạn thanh toán phí bảo hiểm.

Tin bài liên quan