Đòi hoa hồng bảo hiểm: Kiến nghị xử lý như hành vi nhận hối lộ

Đòi hoa hồng bảo hiểm: Kiến nghị xử lý như hành vi nhận hối lộ

(ĐTCK) Cùng với việc tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị các cấp có thẩm quyền về việc đưa trục lợi bảo hiểm vào tội phạm hình sự, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về giám định bảo hiểm y tế và phòng chống trục lợi bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm khối này cũng có nhiều kiến nghị “mạnh bạo” khác gửi tới Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính.

Trong các khó khăn, vướng mắc của thị trường, nội dung về bảo hiểm cơ giới có khá nhiều kiến nghị. Cụ thể, các doanh nghiệp thông qua Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất ô tô và quy định thời gian áp dụng thống nhất quy định này. Các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Tài chính ban hành quy chế phân quyền và sử dụng cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới để các doanh nghiệp bảo hiểm tuân thủ và xử phạt vi phạm.

Cũng dễ hiểu vì sao bảo hiểm xe cơ giới lại có nhiều vấn đề cần giải quyết. Những năm gần đây, bảo hiểm xe cơ giới luôn là 1 trong 3 nghiệp vụ bảo hiểm có doanh thu dẫn đầu. Đi đôi với việc tăng doanh thu, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến phí, hoa hồng cho nghiệp vụ này diễn ra khá nhức nhối.

Tại Hội nghị lãnh đạo các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lần thứ XII vừa qua, nhiều ý kiến nêu rõ: các doanh nghiệp bảo hiểm chưa tuân thủ việc bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm chủ xe máy (thuộc nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới), hạ phí, không quản lý được đại lý dẫn đến tình trạng bán hàng đa cấp đại lý, không ghi tên chủ xe nên truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu bằng thông tin ảo (có tên và địa chỉ không đúng người mua)…

Tại hội nghị, các doanh nghiệp thống nhất đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp cùng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm kiểm tra việc thực hiện các quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô của các doanh nghiệp bảo hiểm khi được Bộ Tài chính phê duyệt.

Một vấn đề quan trọng khác cũng được các doanh nghiệp bàn thảo là việc đảm bảo an toàn tài chính khắc phục tình trạng 13 năm liền thua lỗ của nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu. Để đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của khách hàng, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam sẽ trình Bộ Tài chính quy tắc, điều khoản bảo hiểm thân tàu để làm căn cứ phê duyệt sản phẩm bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2014. Đối với chủ trương phát triển bảo hiểm tàu đánh bắt xa bờ và ngư dân, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 67 về bảo hiểm thuyền viên, thân tàu, trang thiết bị ngư lưới cụ và tàu hậu cần khi khai thác hải sản.

Có một điểm đáng chú ý là sau nhiều năm “văn hóa hoa hồng” trở thành chuyện thường lệ của thị trường phi nhân thọ thì nay, các doanh nghiệp đã chính thức đề nghị Bộ Tài chính có biện pháp ngăn chặn và xử lý trường hợp người mua đòi hoa hồng bảo hiểm như đối với hành vi nhận hối lộ, tham ô, tham nhũng. Thực tế, theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, công ty bảo hiểm không được chi hoa hồng cho khách hàng. Tuy nhiên, thời gian qua, để có được khách hàng và doanh thu, một số doanh nghiệp đã lơ là quy định này khiến hiện tượng “đi đêm, thậm thụt” dần trở thành phổ biến, làm cho thị trường càng rối ren hơn.

Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ông Phùng Đắc Lộc đã nhiều lần cảnh báo, thói quen đòi tiền hoa hồng khi mua bảo hiểm của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, tổ chức xã hội sử dụng ngân sách nhà nước mua bảo hiểm làm gia tăng chi phí khai thác, tạo ra hành vi tham nhũng.

“Ngăn chặn vấn đề này và đáng ra phải ngăn chặn sớm hơn là việc rất nên làm và nên làm quyết liệt để thị trường trở nên lành mạnh”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài nói.

Tin bài liên quan