Sức mua của thị trường còn yếu là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thận trọng trong kế hoạch kinh doanh

Sức mua của thị trường còn yếu là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thận trọng trong kế hoạch kinh doanh

Doanh nghiệp bảo hiểm lớn thận trọng với kế hoạch 2015

(ĐTCK) Trước những biến động phức tạp của thị trường, nhiều yếu tố bất lợi tác động tiêu cực, năm 2014 lần đầu tiên Bảo hiểm Bảo Việt “nhường” ngôi số 1 cho một doanh nghiệp bảo hiểm chuyên ngành. 

Dù thị trường bảo hiểm năm 2015 được đánh giá có nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng doanh nghiệp này cũng như một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn khác vẫn khá thận trọng với mục tiêu kinh doanh năm 2015.

Một số dự báo kinh tế cho thấy, năm 2015 Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng thấp, lạm phát ở trong tầm kiểm soát. Đầu tư nước ngoài gia tăng, xuất khẩu là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, chưa phục hồi, vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi cho sự phát triển kinh tế trong nước, khu vực và thế giới nên sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam…

Đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam, năm 2015 dự báo tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục duy trì ở mức 2 con số. Vì nhiều lĩnh vực sản xuất khác như xây dựng, bất động sản vẫn chưa thực sự phục hồi, nên các nhóm nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, tai nạn con người, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho thị trường.               

Với mục tiêu an toàn kinh doanh được đặt lên hàng đầu, các chỉ tiêu tài chính 2015 được Bảo hiểm Bảo Việt đặt ra có tăng trưởng so với năm 2014 nhưng khá thận trọng, trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc kỳ vọng đạt trên 5.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 250 tỷ đồng, lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm đạt trên 1.600 tỷ đồng. Theo số liệu chưa đầy đủ, doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2014 của Bảo hiểm Bảo Việt ước đạt gần 5.700 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính đạt gần 360 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là trên 250 tỷ đồng.

Một trong những doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tốp đầu khác là Bảo Minh, mặc dù kết quả kinh doanh năm 2014 khá khả quan với tổng doanh thu đạt 3.068 tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch 6% và tăng trưởng 10,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 122 tỷ đồng, bằng 100,5% kế hoạch, tăng trưởng 17,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm gốc đạt 46,2 tỷ đồng…, nhưng doanh nghiệp này cũng thận trọng khi đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2015. Cụ thể, Bảo Minh đặt mục tiêu tổng doanh thu 3.195 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 134 tỷ đồng… Các chỉ tiêu kinh doanh này không tăng quá cao so với con số đã đạt được trong năm 2014.

“Bền vững, an toàn gắn liền với hiệu quả và chất lượng” cũng là mục tiêu của PJICO trong năm 2015. Năm 2014, doanh thu bảo hiểm gốc của toàn Tổng công ty đạt khoảng 2.114 tỷ đồng, tăng trưởng 8,2% so với năm 2013; lợi nhuận trước thuế tăng 22% so với năm 2013… Cùng với hiệu quả và chất lượng, PJICO cũng đặt trọng tâm cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và giá trị gia tăng cho khách hàng.

Trong khi đó, thị trường cũng có những doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra mức tăng trưởng doanh thu hai con số như PTI hay BIC. Cụ thể, cả PTI và BIC đều đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu là 16% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số tăng trưởng được đánh giá là khá cao so với mức tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cho rằng, việc các doanh nghiệp bảo hiểm thận trọng khi đưa ra các chỉ tiêu kinh doanh năm 2015 là có lý do.

Dù kinh tế vĩ mô đã có những dấu hiệu tích cực nhưng sức mua của thị trường vẫn chưa thực sự khởi sắc như kỳ vọng. Lấy đơn cử doanh thu phí của bảo hiểm xe cơ giới, năm 2014, số lượng xe ô tô do các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà lắp ráp xe hơi tại Việt Nam (VAMA) bán ra tăng 43% so với 2013, nhưng doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ chỉ tăng 5,6% so với cùng kỳ. Bên cạnh ảnh hưởng từ các hoạt động giảm phí, đặc biệt là việc giảm phí cho các chương trình khuyến mãi tặng bảo hiểm của các hãng xe ô tô, con số tăng trưởng này cũng cho thấy, các chủ xe cũ ít mua bảo hiểm hơn.

“Năm 2015, các hãng xe dự báo mức tăng trưởng khoảng 15 - 20% so với 2014. Do đó, bảo hiểm xe cơ giới chắc cũng không hy vọng gì nhiều”, vị đại diện trên chia sẻ và nói rằng, tình hình kinh tế 2015 vẫn còn khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, vận tải và xây dựng, bất động sản, nên các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải thận trọng cũng không quá ngạc nhiên. 

Tin bài liên quan