Tại Việt Nam, trong khi nhiều hãng bảo hiểm đã áp dụng thành công mô hình này thì cũng có không ít doanh nghiệp hiện vẫn tỏ ra e ngại. Dù vậy, điều này không khiến sự cạnh tranh trong phát triển mô hình tổng đại lý bớt "nóng".
Trên thị trường nhân thọ hiện nay, có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang áp dụng và phát triển mô hình văn phòng tổng đại lý bảo hiểm như Prudential, AIA, Dai-ichi Life, Hanwha Life, Generali...
Trong đó, Prudential là doanh nghiệp tiên phong phát triển mô hình này và cũng là doanh nghiệp đang có nhiều văn phòng tổng đại lý nhất. Tính đến hết năm 2017, hãng bảo hiểm này đang có hơn 300 văn phòng tổng đại lý hoạt động theo tiêu chuẩn mới. Dai-ichi Life Việt Nam hiện có khoảng 220 văn phòng. Với AIA Việt Nam, nhà bảo hiểm này cũng đã có hơn 150 văn phòng.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp từng áp dụng mô hình văn phòng tổng đại lý, ưu điểm nổi bật của mô hình này là công ty bảo hiểm không cần mở văn phòng, chi nhánh ở các tỉnh lẻ, chỉ cần tập trung ở những thành phố lớn, mà vẫn đảm bảo được tốc độ tăng trưởng.
"Tuy nhiên, điểm hạn chế của mô hình này là khó kiểm soát hoạt động của tổng đại lý và sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các hãng bảo hiểm trong việc phát triển mạng lưới tổng đại lý (trả giá cao để mua những tổng đại lý bảo hiểm đang làm tốt - PV)", vị lãnh đạo này nói và cho biết, đây là nguyên nhân khiến không ít doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thận trọng trong việc theo đuổi mô hình văn phòng tổng đại lý. Thậm chí, đã có hãng phải ngừng phát triển tổng đại lý bảo hiểm.
“Để có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, cần phải xây dựng một lực lượng tư vấn viên hùng hậu và giỏi nghề. Chúng tôi không thể làm điều này với mô hình văn phòng tổng đại lý bảo hiểm, bởi không thể kiểm soát chặt chẽ các tổng đại lý bảo hiểm”, vị lãnh đạo trên nói.
Bên cạnh đó, mô hình tổng đại lý bảo hiểm hiện tại cũng không cho phép nhân viên quản lý bán hàng (sales) phát triển lên được vị trí cao hơn trong sự nghiệp mà không bị lệ thuộc vào chủ đầu tư của các doanh nghiệp làm tổng đại lý bảo hiểm…
“Chúng tôi chỉ xem xét đầu tư vào mô hình tổng đại lý bảo hiểm khi có thể khắc phục được những khuyết điểm trên”, đại diện một hãng bảo hiểm chưa áp dụng mô hình này cho biết.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Dai-ichi Life Việt Nam cho hay, đối với những người muốn khởi nghiệp từ lĩnh vực bảo hiểm, phát triển mô hình tổng đại lý bảo hiểm là sự lựa chọn phù hợp, nhưng không dễ thành công. Theo vị đại diện này, mô hình nào cũng có rủi ro và để đạt được hiệu quả, cần có biện pháp phòng ngừa kịp thời khi rủi ro xảy ra.
Trở lại câu chuyện phát triển tổng đại lý bảo hiểm, dù còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, nhưng mô hình này được nhìn nhận sẽ vẫn phát triển trong thời gian tới. Bởi lẽ, đây là một trong những hình thức tổ chức lực lượng đại lý bảo hiểm có nhiều ưu thế trong môi trường cạnh tranh cao, cho phép các công ty bảo hiểm nhân thọ linh hoạt trong quá trình mở rộng mạng lưới phân phối, đóng góp nhanh chóng vào sự tăng trưởng cho các công ty bảo hiểm.
Với những doanh nghiệp bảo hiểm đã có kinh nghiệm phát triển và quản lý tổng đại lý bảo hiểm, mô hình tổng đại lý bảo hiểm vẫn là giải pháp tối ưu. Do đó, sự cạnh tranh được dự báo sẽ càng gay gắt hơn khi có thêm những cái tên mới vào cuộc, bởi để có thể gia tăng nhanh thị phần, những doanh nghiệp mới thường tìm đến những tổng đại lý bảo hiểm có bề dày kinh nghiệm.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm trong top đầu thị trường cho biết đang có kế hoạch đẩy mạnh phát triển mô hình văn phòng tổng đại lý trong năm nay, nên một mặt chuẩn bị chính sách để “giữ quân”, một mặt lên kế sách thu hút thêm tổng đại lý bảo hiểm mới.
“Thực tế, dù có mở thêm tổng đại lý bảo hiểm hay không thì việc các công ty bảo hiểm nhân thọ chiêu mộ các nhân sự giỏi của nhau vẫn diễn ra, quan trọng là cách quản lý và chính sách phát triển tổng đại lý bảo hiểm của mỗi công ty”, vị tổng giám đốc này nói.