Các doanh nghiệp bảo hiểm không bỏ lỡ cơ hội từ xu hướng mua hàng qua mạng ngày càng gia tăng

Các doanh nghiệp bảo hiểm không bỏ lỡ cơ hội từ xu hướng mua hàng qua mạng ngày càng gia tăng

Doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng vào “sân chơi” trực tuyến

(ĐTCK) Dù đóng góp chưa tới 1% trong tổng doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng bán bảo hiểm trực tuyến vẫn được coi là một trong những kênh bán hàng rất tiềm năng. 

Hiện tại, không chỉ có các công ty bảo hiểm phi nhân thọ mà khối nhân thọ cũng đã có một vài công ty bảo hiểm bước vào “sân chơi” này.

Theo một báo cáo chuyên đề của KPMG International về hành vi và sở thích mua hàng trực tuyến của hơn 18.000 người tiêu dùng tại 51 quốc gia, người tiêu dùng thường có xu hướng tin tưởng những thông tin và nhận xét trực tuyến. Cũng theo báo cáo này, 18% người tiêu dùng ở Việt Nam và Campuchia mua hàng từ những trang bán lẻ trực tuyến (như Amazon, Lazada, Nhommua...), 10% mua hàng từ trang web của cửa hàng bán lẻ.

Chong Kwang Puay, Phó tổng giám đốc và Trưởng bộ phận Thị trường tiêu dùng của KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết, hoạt động mua sắm trực tuyến đang dần trở nên thịnh hành hơn và đã tạo ra nhiều chuyển biến đáng kể tại các quốc gia phát triển. Với sự phổ biến của Internet, Việt Nam sẽ chịu tác động của xu hướng này trong một thời gian ngắn. Tất cả các hoạt động, của chuỗi cung ứng, kênh phân phối và bán lẻ, kênh tiếp thị, quản lý kinh doanh… đều cần được đánh giá lại tính hiệu quả trước thực tế mới này.

Tất nhiên, không chỉ có các mặt hàng tiêu dùng mà cả thị trường bảo hiểm cũng có thay đổi nhất định trước những bước tiến như vũ bão của công nghệ thông tin.

Thống kê sơ bộ, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hiện đã có 8 công ty đã triển khai việc bán hàng trực tuyến đối với các sản phẩm bán lẻ và gần 20 trang bán bảo hiểm trực tuyến. Các trang bán bảo hiểm trực tuyến được tích hợp đầy đủ các công cụ tiện ích cho khách hàng như: công thức tính phí bảo hiểm, cho phép khách hàng so sánh các sản phẩm bảo hiểm cùng loại trên thị trường, kết nối với các cổng thanh toán điện tử và cho phép khách hàng lựa chọn hình thức thanh toán theo nhu cầu.

Một số doanh nghiệp như Liberty, BIC, PTI thậm chí đã phát triển ứng dụng bán bảo hiểm trên điện thoại smart phone. Nhiều doanh nghiệp cũng đã triển khai chữ ký số và chứng nhận bảo hiểm điện tử, đảm bảo các giao dịch bán bảo hiểm hoàn toàn online.

Dù tính trên tổng doanh thu thì doanh thu của kênh bán hàng trực tuyến vẫn còn rất nhỏ, nhưng nếu xét theo mức tăng trưởng hàng năm thì kênh bán hàng này đang có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20 - 30%.

Việc triển khai kênh bán hàng trực tuyến bên cạnh ý nghĩa đón đầu xu hướng, đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, đây là một hướng đi hiệu quả khi muốn mở rộng bán lẻ. Trong khi đó, các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng không nằm ngoài xu hướng này. Hiện đã có Prudential Việt Nam và Manulife Việt Nam triển khai thử nghiệm bán bảo hiểm qua kênh trực tuyến.

Tất nhiên, vì sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có những đặc thù riêng nên không phải công ty bảo hiểm nào cũng sẵn sàng dấn thân vào “sân chơi” này. Ngay cả các công ty bảo hiểm đang bán qua kênh này cũng chỉ chọn một số sản phẩm cơ bản và đơn giản với mệnh giá thấp để bán qua kênh trực tuyến.

Để phát triển kênh bán hàng còn khá mới mẻ này, một số công ty bảo hiểm bán hàng qua kênh này cũng đang tận dụng lợi thế trong sự liên kết và truyền tải thông tin của các trang mạng xã hội như facebook để kết nối và tìm kiếm khách hàng tiềm năng…

Dù đang đi những bước thăm dò đầu tiên, tuy nhiên, các công ty bảo hiểm cũng xác định, phân phối bảo hiểm qua kênh trực tuyến là một cơ hội khó bỏ qua, bởi thực tế chi phí cho kênh bán hàng này rất thấp do không mất chi phí hoa hồng đại lý, chi phí hành chính giảm thiểu… Vấn đề còn lại là thời cơ chín muồi để các doanh nghiệp dốc tâm vào sân chơi này.       

Tin bài liên quan