Hồ sơ mời thầu của Bệnh viện Bạch Mai

Hồ sơ mời thầu của Bệnh viện Bạch Mai

Đấu thầu bảo hiểm trách nhiệm bác sỹ: Nhà bảo hiểm kêu khó với hồ sơ thầu

(ĐTCK) Những nghi ngờ về tình trạng “thông thầu” bán hồ sơ thầu bảo hiểm trách nhiệm bác sỹ được khép lại khi Bệnh viện Bạch Mai tuần qua đã bổ sung hồ sơ giúp thêm 2 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) mua được hồ sơ thầu, thì một vấn đề mới lại phát sinh với loại hình bảo hiểm mới mẻ này, đó là yêu cầu đưa ra trong hồ sơ thầu bị phản ánh là “bất hợp lý”.

2 tiêu chí bất hợp lý

Theo phản ánh của một DNBH tham gia đấu thầu sản phẩm trên, khi nghiên cứu hồ sơ mời thầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm trong khám chữa bệnh do Bệnh viện Bạch Mai làm chủ đầu tư, có thể thấy điều kiện về tài chính cho hãng bảo hiểm có 2 điểm bất hợp lý.

“Bên mời thầu đưa ra tiêu chí lựa chọn nhà thầu phải có mức tăng trưởng doanh thu bảo hiểm đạt tối thiếu 50% trong năm 2015, trong khi mức bình quân tăng trưởng của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam trong năm này tính trên quy mô 30 DN theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chỉ là 17%. Tiêu chí này được đưa ra dựa trên cơ sở nào, có hợp lý không?”, ông Lê Văn Hoàng, Phụ trách tài sản kỹ thuật PVI Đông Đô thắc mắc.

Điểm bất hợp lý thứ 2 được đại diện PTI Âu Lạc chỉ ra, đó là tiêu chí về ROA phải ở mức tối thiểu 4%, đây cũng là tiêu chí mà đại đa số các DNBH không đạt được. Ngoài ra, tiêu chí này cũng không đại diện hết “sức khỏe” tài chính một DN, bởi trong lĩnh vực bảo hiểm còn nhiều chỉ tiêu khác được quan tâm như quy mô tổng tài sản, quy mô vốn, ROE, tỷ lệ lãi/lỗ trên nghiệp vụ bảo hiểm gốc,…

“Chúng tôi đề nghị gạt 2 tiêu chí trên ra khỏi danh sách tiêu chí về năng lực tài chính nhà thầu trong hồ sơ mời thầu và bổ sung các chỉ tiêu hợp lý hơn”, đại diện PTI Âu Lạc nói.

Điều đáng chú ý là với 2 tiêu chí trên, một số DNBH cho rằng, đã “loại bỏ” hầu hết DN, trong đó có rất nhiều DNBH lớn như PVI, Bảo Việt, PTI, Bảo Minh, PJICO,… tham gia vào nghiệp vụ này.

“Một DN có doanh thu hàng chục ngàn tỷ đồng thì khó mà có thể đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu tới 50%/năm”, lãnh đạo một DNBH bình luận và cho rằng: “Nếu đưa ra tiêu chí thầu chỉ mang tính định hướng, có ý loại gần hết nhà thầu trước cả khi đóng thầu, thì Bệnh viện không nên mất công đấu thầu, mà chỉ định thầu cho tiện, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc, bởi loại hình bảo hiểm này cũng được phép chỉ định thầu”.

Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện trên thị trường chỉ có các DNBH quy mô nhỏ và vừa mới thỏa mãn được tiêu chí trên. 

Khó đáp ứng mọi nhu cầu của nhà Thầu

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, ông Dương Đức Hùng cho biết: “Phía DNBH có bất kỳ thắc mắc nào thì gửi công văn đến Bệnh viện để chúng tôi chuyển tiếp cho phía đơn vị tư vấn hồ sơ, sau đó sẽ có câu trả lời chính thức. Song dù thế nào, chúng tôi vẫn muốn áp dụng đấu thầu rộng rãi, công khai, chứ không muốn chỉ định thầu”.

Ông Hùng cho biết thêm, thực tế, Bệnh viện đã từng làm việc với các hãng bảo hiểm thọ lớn, thuộc Top đầu thị trường trong chăm sóc sức khỏe y tế (bán bảo hiểm sức khỏe), nhưng không phải lúc nào các hãng bảo hiểm lớn cũng làm hài lòng mọi bệnh nhân. Còn đối với dòng sản phẩm mới này, tiêu chí lựa chọn trong hồ sơ mời thầu cũng tương tự như các vụ đấu thầu khác đều hướng tới việc sàng lọc, cho nên không thể đáp ứng mọi yêu cầu của nhà thầu.

“Hồ sơ mời thầu đều được tư vấn bởi CTCP CFTD Sáng Tạo (CFTD). Công ty này sẽ chịu trách nhiệm về nội dung có trong hồ sơ mời thầu, cũng như giải đáp băn khoăn của nhà thầu”, ông Hùng nói và thừa nhận, do đặc thù của ngành bảo hiểm nói chung, cũng như tính mới lạ của sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm bác sỹ nói riêng, nên phía Bệnh viện không thể rõ hết các chỉ tiêu có trong hồ sơ, kể cả 2 tiêu chí trên.

Trong khi đó, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Hoàng Quang Huy, Phó giám đốc CFTD cho hay, ngay từ khi thiết kế tiêu chí lựa chọn liên quan đến năng lực tài chính và kỹ thuật của nhà thầu, CFTD đã khuyến cáo Bệnh viện cần cân nhắc kỹ về việc đưa các tiêu chí đấu thầu vào hồ sơ, trong đó có 2 tiêu trí gây tranh cãi này, nhưng vẫn không được loại bỏ.

“Chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm về tính pháp lý trên cơ sở luật định, còn các tiêu chí cụ thể là do Bệnh viện đưa vào”, ông Huy nói.

Tạm gác chuyện trách nhiệm thuộc về bên nào, được biết, một số DNBH đã soạn xong văn bản đề nghị chủ đầu tư chỉnh sửa, hủy hồ sơ mời thầu, đồng thời chờ động thái của Bệnh viện để gửi các văn bản này trong thời gian sớm nhất. Đầu tư Chứng khoán sẽ cập nhật khi có diễn biến mới.  

Đến hết ngày 17/6, sau 5 ngày mở bán, đã có thêm 2 DNBH mua hồ sơ thầu, nâng tổng số hồ sơ bán được lên con số 7. Ông Dương Đức Hùng cho biết, cá nhân ông chưa hề tiếp xúc trực tiếp với bất kỳ DNBH nào để tránh những nghi ngại liên quan đến “thông thầu”, mặc dù họ đã đề nghị gặp để “bàn chuyện”.

Tin bài liên quan