DNBH nhân thọ đã được đầu tư (hạn chế) vào chứng chỉ quỹ

DNBH nhân thọ đã được đầu tư (hạn chế) vào chứng chỉ quỹ

“Cởi trói” danh mục đầu tư: Cơ hội cho bảo hiểm nhân thọ

(ĐTCK) Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, 8 tháng đầu năm 2016, trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn dài từ 20-30 năm tiếp tục thu hút các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ. Đáng chú ý, các DNBH nhỏ đã tham gia tích cực hơn, với tổng vốn đầu tư khoảng 10.198 tỷ đồng.

DNBH nhỏ quan tâm hơn đến TPCP

Còn nhớ, tại phiên phát hành TPCP kỳ hạn 30 năm lần đầu tiên vào cuối năm 2015, nhiều DNBH đã tham gia mua với khối lượng lớn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy, việc đa dạng các kỳ hạn phát hành trái phiếu đang khiến kênh huy động này trở nên hấp dẫn hơn.

Cụ thể, Prudential Việt Nam mua 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 30 năm và cam kết sẽ mua thêm 5.500 tỷ đồng trong năm 2016. Trước đó, tại đợt phát hành TPCP kỳ hạn 20 năm hồi tháng 7/2015, Prudential đã đầu tư 3.200 tỷ đồng. Bảo Việt Nhân thọ cũng đã mua gần 77% lượng TPCP kỳ hạn 30 năm trong đợt phát hành lần đầu tiên (3.000/3.900 tỷ đồng) và mua 1.500 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 20 năm.

Đến nay, số liệu thống kê 8 tháng đầu năm cho thấy, ngoài Prudential Việt Nam và Bảo Việt Nhân thọ lần lượt sở hữu 2.920 tỷ đồng và 2.760 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 30 năm, các DNBH khác thuộc Top 5 thị phần tiếp tục mua lượng lớn TPCP loại này là Manulife Việt Nam 1.450 tỷ đồng, AIA Việt Nam 790 tỷ đồng. Các DNBH thấp hơn là Chubb Life Việt Nam mua 411 tỷ đồng, Generali Việt Nam mua 130 tỷ đồng. Đáng chú ý, các DNBH nhỏ cũng tham gia tích cực, chẳng hạn Cathay Việt Nam 1.300 tỷ đồng, Fubon Việt Nam 150 tỷ đồng…

Trong khi đó, với kỳ hạn 20 năm, ngoài Dai-ichi Việt Nam  mua 125 tỷ đồng, Vietinbank Aviva cũng đã mua 110 tỷ đồng, Bảo hiểm Phú Hưng đầu tư 100 tỷ đồng...

Giống như ngân hàng, các DNBH kinh doanh trong lĩnh vực rủi ro nên chịu áp lực trong việc tạo ra dòng thu nhập ổn định trong nhiều năm để đáp ứng yêu cầu về nghĩa vụ chi trả hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy, việc đầu tư của khối này buộc phải đảm bảo quản lý rủi ro, giảm thiểu rủi ro về thanh khoản, rủi ro khi lãi suất biến động và gần như loại bỏ rủi ro về tín dụng, đảm bảo an toàn về tài chính cho DNBH. 

Cơ hội khi danh mục đầu tư tài chính được mở rộng

Tính hấp dẫn của loại trái phiếu kỳ dài 20-30 năm theo các chuyên gia trong ngành, ngoài việc rơi đúng vào thời điểm các DNBH đang dư dả nguồn vốn, thì còn do có mức lãi suất hấp dẫn hơn các loại trái phiếu kỳ hạn ngắn, bên cạnh tính thanh khoản cao (các DNBH có thể bán ra bất cứ lúc nào, bởi loại trái phiếu này sẽ được niêm yết ngay sau khi mua).

Theo quy định, nguồn vốn đầu tư của DNBH bao gồm nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Sự sôi động của thị trường TPCP trong 8 tháng đầu năm sẽ hỗ trợ tích cực cho nguôn vốn tái đầu tư cho nền kinh tế. Được biết, chỉ riêng 6 tháng đầu năm, tổng số tiền tái đầu tư cho nền kinh tế mà khối DNBH nhân thọ đạt được là trên 136.000 tỷ đồng. Và quan trọng hơn cả, theo đánh giá của lãnh đạo một DNBH đã mua lượng lớn trái phiếu kỳ hạn 30 năm, với quyết định mở rộng danh mục đầu tư tài chính và giới hạn tỷ lệ đầu tư từ dự phòng nghiệp vụ của các DNBH vào lĩnh vực bất động sản tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, hoạt động đầu tư tài chính trong thời gian tới của khối DNBH nhân thọ sẽ có những tín hiệu vui.

Theo đó, ngoài các sản phẩm tài chính truyền thống như TPCP, tiền gửi, cổ phiếu…, thì các DNBH nói chung, khối nhân thọ nói riêng còn được phép đầu tư không hạn chế vào tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, công trái xây dựng tổ quốc, trái phiếu chính quyền địa phương.

Chưa kể, theo quy định mới, khối này còn được phép mua chứng chỉ quỹ, tất nhiên bị khống chế theo tỷ lệ được mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và chứng chỉ quỹ tối đa 50% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.

Cùng với đó, hoạt động đầu tư kinh doanh của các DNBH nhân thọ vào bất động sản bị xiết lại, tối đa 20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm (thay vì 40% như trước đây) nhằm giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào lĩnh vực này.

“Cuối cùng thì các DNBH đã được phép mua chứng chỉ quỹ, mặc dù trước đó Văn phòng Chính phủ đề nghị xem xét lại quy định về việc DNBH đầu tư chứng chỉ quỹ, vì theo quy định tại Luật Chứng khoán, ngoài các chứng khoán mà DNBH được phép đầu tư, còn nhiều công cụ đầu tư khác mà DNBH không được phép đầu tư như chứng chỉ quỹ, quyền mua cổ phiếu, chứng quyền, hợp đồng tương lai. Tất nhiên, các chứng chỉ quỹ được phép đầu tư phải là các chứng chỉ quỹ của các quỹ có danh mục tài sản đầu tư thuộc lĩnh vực được phép đầu tư của DNBH theo quy định tại Điều 98, Luật Kinh doanh bảo hiểm”, lãnh đạo một DNBH cho biết.     

Tin bài liên quan